6. Cấu trúc luận văn
1.2. Các điều kiện của hoạt động kinh tế đối ngoại tỉnh Đaklak
1.2.1. Điều kiện tự nhiên
Về vị trí địa lý Tỉnh Đaklak nằm trên địa bàn Tây Nguyên, trong khoảng tọa độ địa lý từ 107o
28'57"- 108o 59'37" độ kinh Đông và từ 12o
9'45" - 13o25'06" độ vĩ Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh ĐăkNông và Vương quốc Campuchia [36,8].
Diện tích tự nhiên của tỉnh Đaklak gần 13.125 km2, dân số 1,8 triệu người (năm 2008). Các đơn vị hành chính của Đaklak gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, Thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Hleo, Easup, Krông Năng, Krông Buk, Buôn Đôn, Cư’Mgar, Eakar, M’Đrăc, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin.[36,8]
Là tỉnh có đường biên giới với Campuchia dài trên 70 km, có quốc lộ 14C chạy dọc theo biên giới hai nước rất thuận lợi để phát triển kinh tế vùng biên, kết hợp với bảo vệ an ninh quốc phòng. Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá xã hội của Tỉnh và cả vùng Tây Nguyên. Trung tâm thành phố là điểm giao cắt giữa quốc lộ 14 (chạy xuyên suốt tỉnh theo chiều từ Bắc xuống Nam) với quốc lộ 26 và quốc lộ 27 nối Buôn Ma Thuột với các thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Pleiku (Gia Lai).
Về địa hình đại bộ phận diện tích của Đaklak nằm ở phía Tây Trường Sơn, có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc. Địa hình đa dạng, đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, khái quát có thể chia thành các dạng địa hình sau:
+ Địa hình vùng núi : Vùng núi cao Chư Yang Sin nằm ở phía Đông Nam của Tỉnh, diện tích xấp xỉ ¼ diện tích tự nhiên Đaklak, ngăn cách giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột và cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng). Vùng có nhiều dãy núi cao trên 1.500 mét (cao nhất là đỉnh Chư Yang Sin 2.445 mét, có đỉnh nhọn, dốc đứng, địa hình hiểm trở). Đây là vùng sinh thuỷ lớn nhất, là đầu nguồn của các con sông lớn như Krông Ana, Krông Knô và là vùng có thảm thực vật rừng thường xanh quanh năm. Vùng núi thấp, trung bình Chư Dơ Jiu nằm ở phía Tây Bắc của Tỉnh, ngăn cách thung lũng sông Ba (Gia Lai) và cao nguyên Buôn Ma Thuột, độ cao trung
bình 600-700 m, đỉnh Chư Dơ Jiu cao 1.103m. Địa hình bào mòn, xâm thực, thực vật gồm các loại cây tái sinh, rừng thưa và đất canh tác nông nghiệp. [36,9]
+ Địa hình cao nguyên: Chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của Tỉnh, địa hình bằng phẳng, đường Quốc lộ 14 gần như là đỉnh phân thuỷ, cao ở giữa và thấp dần về hai phía, địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Toàn tỉnh có 2 cao nguyên lớn Cao nguyên Buôn Ma Thuột (Là cao nguyên rộng lớn chạy từ Bắc xuống Nam dài trên 90 km, từ Đông sang Tây 70 km. Phía Bắc cao gần 800m, phía Nam 400m, thoải dần về phía Tây còn 300m). Đây là vùng có địa hình khá bằng phẳng, phần lớn diện tích cao nguyên này là đất đỏ Bazan màu mỡ và hầu hết đã được khai thác sử dụng; Cao nguyên M'Drăk (cao nguyên Khánh Dương)[36,9]
+ Địa hình bán bình nguyên Ea Súp: là vùng đất rộng lớn nằm ở phía Tây của Tỉnh, tiếp giáp với các cao nguyên, địa hình khá bằng phẳng, đồi lượn sóng nhẹ, độ cao trung bình khoảng 180m, có vài dãy núi nhô lên như: Yok Đôn, Chư M'Lanh... [36,9].
+ Địa hình vùng bằng trũng Krông Pắk- Lắk: nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột và dãy núi Chư Yang Sin, độ cao trung bình 400- 500m. Đây là thung lũng của lưu vực sông Srêpôk hình thành các vùng bằng trũng chạy theo các con sông Krông Pắc, Krông Ana với cánh đồng Lăk - Krông Ana rộng khoảng 20.000 ha. Đây là vùng trũng, thường bị lũ lụt vào các tháng 9, tháng 10 hàng năm [36,9].
Về thủy văn: Hệ thống sông, suối trên địa bàn Tỉnh khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều. Có hai hệ thống sông chính: Sông Sêrêpôk (chiều dài sông chính là 315 km và hai nhánh chính là Krông Ana và Krông Nô) với nhiều thác nước cao, có nguồn thuỷ năng lớn, khai thác thuỷ điện tốt như thác Buôn Kuốp, Dray Sáp, Dray H'Ling. Sông Ba nằm về phía Đông Bắc có hai thuỷ lưu chính chảy trong phạm vi Tỉnh là Ea Krông Hin và Ea Krông Năng. Bên cạnh hệ thống sông suối khá phong phú còn có rất nhiều hồ tự nhiên và hồ nhân tạo như: Hồ Lăk, Ea Kao, Buôn Triết.... [36,10]
Về khí hậu: Khí hậu toàn tỉnh chia thành hai tiểu vùng chính, vùng phía Tây Bắc nắng nóng, khô hanh về mùa khô; vùng phía Đông mát mẻ, ôn hòa. Nhiệt độ
trung bình hàng năm là 24oC, tháng nóng nhất và lạnh nhất chênh nhau chỉ hơn 5 độ. Nhìn chung đặc điểm khí hậu của Đaklak vừa bị chi phối bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên với nhiệt độ ôn hoà gần như quanh năm, tạo nên các vùng sinh thái nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, cao su, điều, bông vải…[36,9]
Về tài nguyên đất: Theo kết quả điều tra đất của Viện quy hoạch và thiết kế kỹ thuật nông nghiệp (Viện QH & TKNN), Đaklak được chia thành 11 nhóm và 84 đơn vị đất đai. Nổi bật là nhóm đất phù sa (nhóm đất tốt về tính chất hoá lý và được phân bố ở các địa hình bằng phẳng); nhóm đất Gley (có độ phì tự nhiên thấp, tuy nhiên do điều kiện địa hình thấp, giữ nước tốt, thành phần cơ giới khá mịn phù hợp phát triển cây trồng hệ canh tác nước); nhóm đất đen; nhóm đất xám; nhóm đất đỏ
(rất thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị hàng hoá cao như cà phê, cao su, tiêu và những cây ăn quả khác); nhóm đất nâu; nhóm đất nâu thẫm... [36,10]
Nhìn chung, nguồn tài nguyên đất của Đaklak khá đa dạng với hầu hết các nhóm đất có ở Việt Nam, trong đó nhóm đất Bazan là loại đất phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày (đặc biệt là cây cà phê Robusta cho năng suất cao và phẩm chất tốt). Ngoài ra các loại đất khác cũng thích hợp với nhiều loại cây trồng như: Cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày cho năng suất cao (mía, bông vải, đậu đổ các loại, ngô, lúa nước…). Với tiềm năng đất như trên, Đaklak có khả năng phát triển nông nghiệp toàn diện, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá phục vụ nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu, nền đất có kết cấu tốt, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn.
Về tài nguyên nước: Đối với nước mặt, hàng năm, tổng lượng nước đến Đaklak trên các lưu vực chính như: Srêpok (9 tỷ m3), Ea H'Leo (1,98 tỷ m3
), sông Ba ở phía Đông (khoảng 3,25 tỷ m3)… Tài nguyên nước mặt lớn, nhưng do phân bố không đều, có một mùa mưa kéo dài (dễ gây úng lụt) và một mùa khô khắc nghiệt (gây thiếu nước nghiêm trọng). Vì vậy, công tác thuỷ lợi có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh. Hiện trên địa bàn Tỉnh có 441 hồ chứa, 63
đập dâng. Đối với nước ngầm, tài nguyên nước của Đaklak mất cân đối nghiêm trọng. Về mùa khô, các hồ tự nhiên, nhân tạo, các khu chứa nước có bề mặt rộng đã xuất hiện sự bốc hơi mặt nước. Lượng nước sử dụng (chủ yếu cho nông nghiệp) không được hoàn lại và bị mất một khối lượng lớn (ước tính trên 20% lượng nước dùng trong mùa khô), ở những nơi mất rừng, các con suối khô cạn, mức nước ngầm tụt sâu, các giếng đào, giếng khoan đều phải đào và khoan sâu thêm mới có nước. [36,10]
Về tài nguyên khoáng sản: Đaklak có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nhất là các loại vật liệu xây dựng. Các khoáng sản chủ yếu của Đaklak là:
- Fenspatsz: Thuộc địa bàn xã Ea Sô, huyện Ea Kar, trữ lượng 2,74 triệu tấn
- Đá Granit: Là vật liệu xây dựng cao cấp (đá ốp lát), có nhiều ở Ea H'Leo, Krông Bông… Đá Bazan và các loại đá khác có hầu hết ở các huyện trong Tỉnh đã được khai thác để phục vụ xây dựng cầu đường, các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp...
- Than bùn phân bổ rải rác trên địa bàn một số huyện, trữ lượng không lớn được khai thác làm phân bón như: Mỏ Ea Pok, Buôn Ja Wăm, Cuôr Đăng (Cư Mgar), Ea K'Tur (Krông Ana)…
- Đất sét làm gạch, ngói… khá phong phú trên địa bàn các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar, M'Đrắc, Ea H'Leo.. Một số loại khoáng sản khác như: Vàng, chì, kẽm... [36,11]
Tóm lại, Tỉnh Đaklak có một điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây công nghiệp dài và ngắn ngày. Với diện tích đất đỏ Bazan lớn, khí hậu thuận lợi cho các loại cây tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của địa phương. Với một vị trí địa lý khá thuận lợi, có đường biên giới với Campuchia, có các tuyến quốc lộ nối với khu vực Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung… rất thuận lợi cho giao trong giao thương. Tuy nhiên, với một địa hình không bằng phẳng, chưa thực sự chủ động được nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc nhiều thiên nhiên đang là những khó khăn rất lớn cho sự phát triển của nông nghiệp của tỉnh Đaklak.
1.2.2. Điều kiện xã hội, văn hóa- giáo dục, an ninh quốc phòng.
Về dân cư: Đến cuối năm 2008, dân số tỉnh Đaklak khoảng 1.778.415 người, trong đó dân số thành thị chiếm 22,07%, dân số nông thôn chiếm 77,93%. [36,13]. Cộng đồng dân cư Đaklak gồm 44 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm trên 70%, các dân tộc khác như: Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số trung bình toàn Tỉnh là 131 người/km2. Dân cư ở Đaklak phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Buôn Ma Thuột (840,5 người/km2), thị trấn các huyện lỵ, ven các trục quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana (khoảng 250 - 350 người/km2). [36,13] Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Ea Hleo... (dưới 100 người/km2).
Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các xã vùng cao, vùng xa của Tỉnh. Ngoài ra, Đaklak còn có số đông dân di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến sinh cơ lập nghiệp. Trong những năm gần đây, dân số của Đaklak có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do, điều này đã gây sức ép lớn cho Tỉnh về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, với lịch sử canh tác cây công nghiệp dài ngày, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đaklak đã tích lũy được những kinh nghiệm quí báu trong trồng trọt. Kết hợp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất. Yếu tố dân cư là một trong những điểm mạnh trong phát triển cây công nghiệp dài ngày của Đaklak.
Đaklak là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng. Đặc biệt là văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai... với những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân, kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá. Trong số đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Đaklak. [36,12]
Về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực
Từ năm 2005, Đaklak đã được công nhận là Tỉnh đã hoàn thành chương trình quốc gia xoá mù chữ và phổ cập tiểu học. Tỉnh hiện có trường Đại học Tây Nguyên (trường đại học lớn nhất của khu vực Tây Nguyên), 01 trường Cao đẳng Sư phạm, 03 trường trung học chuyên nghiệp, 02 trường đào tạo công nhân kỹ thuật, các trung tâm giáo dục thường xuyên tại tất cả các huyện, thành phố và hệ thống các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học trên địa bàn. Với hệ thống các trường, các cơ sở đào tạo hiện có, những năm qua, Đaklak đã đào tạo, bồi dưỡng và cơ bản cung cấp đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Theo thống kê trong những năm 2005-2010, tỉnh Đaklak đã tạo được trên 24.000 việc làm mỗi năm. Trong đó tỉ lệ lao động được đào tạo tăng từ 27,2% năm 2005 lên 37% năm 2010 [24,130]. Đây chưa phải là con số ấn tượng so với các tỉnh khác nhưng đối với Đaklak một tỉnh còn nhiều khó khăn thì đây là sự cố gắng vượt bậc. Tỉ lệ người lao động qua đào tạo ngày càng tăng góp phần nâng cao chất lượng lao động. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu thu hái cho đến khâu chế biến sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Về an ninh, quốc phòng: Thời gian qua, Ðaklak là một trong những địa bàn trọng điểm của Tây Nguyên tiếp nhận hàng chục nghìn hộ dân của các tỉnh đến xây dựng vùng kinh tế mới theo kế hoạch phân bổ lại lực lượng lao động và dân cư trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Tỉnh cũng là nơi thu hút mạnh mẽ các luồng di dân tự do trong toàn quốc đến sinh sống và lập nghiệp. Do ảnh hưởng của việc dân di cư tự do nên tỷ lệ hộ nghèo, đói trong tỉnh vẫn đang là con số lớn. Đến năm 2007, số hộ nghèo của tỉnh vẫn ở con số 23,28%, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tới 53,4%, số hộ nghèo ở nông thôn chiếm 90,56% tổng số hộ nghèo của tỉnh), tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trái phép diễn ra khá phổ biến, các tệ nạn xã hội gia tăng. [36,13]
Từ năm 2005 đến hết năm 2008, Ðaklak đã thực hiện di chuyển, bố trí, sắp xếp dân di cư tự do vào vùng dự án được 526 hộ (bằng 43,31% tổng số dân di cư tự do
đến Đaklak giai đoạn 2005-2008), với tổng số vốn đầu tư đã chi là 23,774 tỷ đồng (bình quân đầu tư mỗi năm 4,75 tỷ đồng). Với số vốn này, Tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng: Ðường giao thông nội vùng dự án 119 km (vốn thực hiện 14,358 tỷ đồng), xây dựng 1.007 m2 lớp học tiểu học (vốn thực hiện 9,19 tỷ đồng), làm thủy lợi nhỏ hai công trình tưới cho 50 ha (vốn thực hiện 1,3 tỷ đồng), khai hoang đất sản xuất 150 ha (vốn thực hiện 821 triệu đồng), làm ba cầu giao thông nội vùng dự án (vốn thực hiện 1,376 tỷ đồng). [36,14]
Sau những bất ổn chính tri – xã hội trong các năm 2001-2004, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị tỉnh Đaklak đã có những biện pháp hiệu quả quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Các cơ quan có trách nhiệm đã nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, nắm chặt chẽ họat động của các đối tượng. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, họat động chống phá của các thế lực thù địch.
Từ năm 2004 đến 2010 tình hình chính trị - xã hội ở Đaklak ổn định, là cơ sở thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư.
Những điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế xã hội và môi trường đầu tư là cơ sở thực tiễn, nền tảng cho hoạt động kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng của tỉnh Đaklak. Tuy nhiên còn điều kiện khác cũng không kém phần quan trọng góp phần làm cơ sở cho họat động kinh tế đối ngoại của tỉnh Đaklak đó là điều kiện lịch sử, kinh tế.
1.2.3 Điều kiện lịch sử, kinh tế