6. Cấu trúc luận văn
4.1.2 Sản xuất nông nghiệp
Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, các năm đều có bước phát triển khá, tương đối toàn diện; từ chỗ thiếu ăn đến nay tỉnh Đaklak không những đủ ăn mà còn có dự trữ và đảm bảo an ninh lương thực trên phạm vi địa bàn tỉnh. Nếu như năm 1975, tổng sản lượng lương thực có hạt 61.532 tấn, năm 1985 là 209.300 tấn, năm 2003 đạt trên 851.000 tấn, đến năm 2008 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 946.789 tấn. Sau năm 1975 cả tỉnh chỉ có 200ha ruộng nước, 5.000 ha cà phê, 3.000 ha cao su thì đến nay đã có trên 25.000ha ruộng nước, 181.120 ha cà phê, 23.900 ha cao su [14,2]…. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn tạo ra nguồn nông sản hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu.
Trong chăn nuôi, Tỉnh hình thành nhiều trang trại có quy mô lớn, đàn gia súc, gia cầm không ngừng được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Năm 1975, toàn tỉnh chỉ có 3.520 con trâu, 12.629 con bò, 66.158 con heo và 165.900 con gia cầm, đến nay (năm 2008) đã có 29.800 con trâu, 212.000 con bò, 624.000 con heo, 68.000 dê và 5,8 triệu con gia cầm, gần 170.000 đàn ong, nuôi trồng thuỷ sản 6.319 ha [14,2] .... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đạt được một số kết quả nhất định theo hướng tăng giá trị kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm luôn vượt kế hoạch, năm 2008 thu được 844 tỷ đồng,
vượt 10,8% so với kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh đạt trên 700 triệu USD (2008).
Trong các loại cây công nghiệp dài ngày ở Đaklak, cây cà phê có đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Đaklak. Cây cà-phê được trồng ở Đaklak từ rất lâu nhưng đến năm 1986, xuất phát từ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng, Nhà nước. Đảng bộ và chính quyền Đaklak có chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển và thâm canh cây cà-phê. Qua đó, cụ thể hóa thành Nghị quyết của Tỉnh ủy nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển cây cà-phê.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX các đơn vị làm công tác xuất nhập khẩu đã tìm đến từng hộ nông dân với hình thức đầu tư ứng trước, nghĩa là “quốc doanh” ứng trước cho nông dân máy cày, phân bón, có cả lương thực và thu hồi vốn sau khi có cà phê nhân; nông trường quốc doanh thì vận động bà con vào làm công nhân nhận khoán trồng và chăm sóc cà- phê. Từ đó, Đaklak hình thành nhiều vùng chuyên canh cây cà-phê, có đơn vị phấn đấu chỉ tiêu trong một mùa mưa trồng một nghìn ha như Công ty cà-phê Phước An, Thắng Lợi, Ea Tiêu, Xí nghiệp liên hiệp cà-phê Việt-Đức. Bên cạnh đó, Đaklak còn liên doanh trồng cà-phê với nước ngoài, cụ thể là Liên doanh Việt-Xô, Việt-Đức. Vùng chuyên canh cà-phê chiếm 86% diện tích sản xuất nông nghiệp và 89% sản lượng cà-phê trong toàn tỉnh. [37,1]
Khi chưa tách tỉnh, “Đaklak được coi là tỉnh có nhiều diện tích cà-phê nhất trong cả nước (chiếm 50%), sản lượng năm cao nhất đạt 452 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 316 triệu USD, chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu cà-phê trong cả nước.. Điều đáng chú ý là cây cà phê ở Đắk Lắk đã góp phần giải quyết việc làm cho 200 nghìn lao động tham gia trực tiếp và khoảng 500 nghìn nhân khẩu khác liên quan sản xuất cà-phê. Sau khi tách tỉnh (đầu năm 2004), một phần diện tích thuộc về tỉnh Đaklak, nay Đaklak còn 166 nghìn ha cà-phê với sản lượng hàng năm khoảng 300 nghìn tấn và vẫn là tỉnh có diện tích và sản lượng cà-phê nhiều nhất trong cả nước.” [37,1]. Với 16 doanh nghiệp của Trung ương và địa phương tham gia xuất khẩu, hiện mặt hàng cà-phê của Đaklak có mặt trên thị trường 60 nước và
vùng lãnh thổ, thậm chí đã có mặt và được ưa chuộng ở những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…
Như vậy, sau nhiều năm trồng, chế biến cà phê xuất khẩu, Đaklak đã có một mặt hàng thế mạnh nhờ lợi thế của vùng đất ba-zan. Song trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số địa phương trong tỉnh còn bất cập, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Năm 2006, Đaklak đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi ba nghìn ha cà-phê ở những vùng kém hiệu quả do nhân dân tự phát trồng để đến năm 2010 sản lượng cà-phê đạt 400 nghìn tấn với diện tích trên dưới 160 nghìn ha (năng suất bình quân đạt hơn 2,5 tấn/ha).
Theo đánh giá, mặc dù sản xuất nông nghiệp trong mấy năm gần đây (2009- 2010) liên tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn có bước phát triển mạnh mẽ cả chất lẫn lượng. Năm 2010 này, Đaklak chính thức gia nhập Câu lạc bộ 1 triệu tấn lương thực là minh chứng sinh động nhất. Cùng với sự phát triển của nông – lâm nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng đạt được những tiến bộ đáng kể.