6. Bố cục luận văn
2.1.1. Vai trò của “tiếng” trong ngữ pháp tiếng Việt
Trong ngữ pháp học, hình vị được coi là đơn vị gốc, đơn vị tế bào, là kiểu đơn vị “có tổ chức tối đơn giản dùng làm thành tố trực tiếp hay gián tiếp tạo nên tất cả mọi kiểu đơn vị khác còn lại” ([10], tr.11). Có nhiều nhà ngôn ngữ đã định nghĩa về hình vị - đơn vị ngữ pháp cơ sở của Ngữ pháp học. Trong cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” (Nguyễn Như Ý chủ biên) có nêu một số cách định nghĩa của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam như: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Anh Quế, Hữu Quỳnh, Phan Thiều, Trần Ngọc Thêm, Hồ Lê, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Võ Bình, Đái Xuân Ninh. Xin được dẫn ra một số cách định nghĩa :
“Hình vị là đơn vị nhỏ nhất mà có mang ý nghĩa, mang giá trị ngữ pháp”
([10] , tr.67)
“Hình vị là đơn vị hai mặt, có đầy đủ tính chất tín hiệu. Đã là tín hiệu
thì cái quan trọng, về mặt chức năng là phần nội dung biểu đạt, nó quyết định sự tồn tại của bản thân tín hiệu” ([65], tr.54 ).
28
“Hình vị là một đơn vị ngôn ngữ có nghĩa, nhỏ nhất và không độc lập
về cú pháp” ([71], tr.54).
“Hình vị là những đơn vị được tạo ra từ các âm vị, tự thân có nghĩa
nhưng không được dùng trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu” ([11], tr.5 ).
Ju. X. Xtêpanov [84] từ phương diện cấu tạo, đưa ra định nghĩa: “Hình vị là lớp các hình tố tương đồng mà mỗi hình tố lại gồm nhiều âm vị nhánh và được gặp trong một vị trí nhất định nào đó”.
Tóm lại, dù định nghĩa hình vị ở góc độ và phương diện nào thì các nhà ngôn ngữ cũng dễ thống nhất với nhau ở những đặc điểm của hình vị :
- Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị gốc để tạo thành từ. - Hình vị được cấu tạo bởi các âm vị.
- Hình vị là đơn vị không độc lập về cú pháp.
- Ý nghĩa tồn tại ở dạng tiềm năng (không được dùng trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu).
Xét trên các đặc điểm đó, hình vị trong tiếng Việt chính là đơn vị mà chúng ta thường gọi là “tiếng”. Về mặt ngữ pháp, mỗi “tiếng” làm thành một chỉnh thể, không thể xé nhỏ hơn, chỉ có xét về mặt ngữ âm học mới có thể tách nó thành các âm vị. Mỗi “tiếng” bao giờ cũng giúp ta giải thích và phân tích được tổ chức bên trong của những đơn vị trực tiếp lớn hơn nó.
Theo Nguyễn Tài Cẩn ([10], tr.14), “Tiếng” còn có những vai trò và cương vị đặc biệt trong tiếng Việt:
- Tiếng có khả năng giải thích về mặt ngữ nghĩa, có những tiếng tự thân mang nghĩa và cũng có những tiếng tự thân không mang nghĩa, mà phải đặt trong cả đơn vị, khi được ghép với tiếng khác. Khi đem đối chiếu các đơn vị chỉ giống nhau một bộ phận (vừa có tiếng giống nhau, vừa có tiếng khác nhau), có thể thấu được ý nghĩa của tiếng và tách tiếng ra được. Đơn vị càng
29
có nhiều tiếng thì càng phải tiến hành nhiều bước đối chiếu. Mỗi bước đối chiếu sẽ cho ta xác định được nghĩa của một thành phần.
- Tiếng còn có khả năng giải thích mặt tổ chức đơn thuần hình thái. Đó là trường hợp những tổ hợp gồm các tiếng tự thân đều vô nghĩa. Giữa các tiếng này có một đường ranh giới đi qua, tách thành hai đơn vị ngữ pháp riêng biệt, khác hẳn với kết hợp đơn thuần ngữ âm giữa các âm vị trong từng tiếng.
Trong cuốn “Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa” (tr.210, 211) của Cao Xuân Hạo, từ những phân tích về cương vị của các đơn vị ngôn ngữ khác đã có sự so sánh và kết luận về vai trò của “tiếng” trong tiếng Việt: “tiếng” vừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ và là một trục hợp nhất của ba trục chính âm vị, hình vị và từ.
Diệp Quang Ban đề nghị, nếu bắt buộc phải tìm cái làm đơn vị cơ sở cho ngữ pháp Việt Nam thì dùng “tiếng” là hợp lí nhất. Ông cho rằng: “Tiếng là đơn vị cơ sở của cấu tạo ngữ pháp Việt Nam. Tiếng có thể có nghĩa, phai nghĩa và không có nghĩa;…Tiếng có cấu tạo bằng một âm tiết và tham gia vào hệ thống ngôn ngữ với tư cách một thành tố trong các cơ chế tạo từ”.
Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng đơn vị hiển nhiên nhất đối với người Việt là “tiếng”. Do đó, “tiếng” là đơn vị cơ sở của ngữ pháp Việt Nam.
Như vậy, “tiếng” có một cương vị đặc biệt, có vai trò quan trọng, và là một điểm đặc trưng của tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác. Mặt khác, việc xác định “tiếng” có phần dễ dàng hơn so với các đơn vị ngữ pháp khác, vì đối với người Việt, dùng “tiếng” có vẻ quen thuộc và gần gũi hơn. Từ những lí do đó, việc dạy “tiếng” cho học sinh tiểu học là cần thiết và có giá trị.