Sự vận dụng kết hợp các thao tác lập luận trong văn nghị luận

Một phần của tài liệu rèn luyện kỹ năng lập luận trong văn nghị luận cho học sinh 11 trung học phổ thông (Trang 39 - 42)

Các thao tác lập luận không thể tách rời nhau mà luôn có quan hệ hợp tác hỗ trợ nhau. Thao tác phân tích có thể được triển khai với sự phù trợ của yếu tố so sánh để làm nổi bật vấn đề, chứng minh để lí lẽ phân tích đủ sức thuyết phục,

bình luận để vấn đề được đem ra phân tích được tiếp nhận cặn kẽ, thấu đáo, đa chiều.

Thao tác lập luận có vai trò rất lớn trong việc tạo lập văn bản nghị luận.Vì vậy muốn HS hình thành được kỹ năng viết văn nghị luận tốt thì các em phải vận dụng được các thao tác lập luận một cách thành thạo.

Nhiều khi bắt gặp những ý kiến sai lầm, những lời nói, những bài viết không chính xác, bộc lộ những cách hiểu lệch lạc, không nhất quán. Đứng trước những tình huống đó, chúng ta tiến hành trao đổi, tranh luận với những cách hiểu đúng đắn, cách nhận thức nhất quán đã được công nhận, từ đó có quan điểm đồng tình hay bác bỏ. Khi bác bỏ cũng phải có lí lẽ để giải thích và đưa ra những dẫn chứng đúng đắn, khoa học để chỉ rõ những sai lầm, lệch lạc, thiếu khoa học của một quan điểm, một ý kiến nào đó. Có như vậy thì vấn đề đưa ra nghị luận mới sâu sắc và giàu sức thuyết phục.

Trình bày bố cục một bài văn nghị luận trong chương trình phổ thông truyền thống thường theo các bước giải thích, chứng minh, bình luận. Nếu nhận định một bài văn nghị luận nào đó là bài văn chứng minh, giải thích hay bình luận là căn cứ vào thao tác lập luận chính được sử dụng trong đó, thực sự muốn hoàn thành bài văn ấy rất cần các thao tác: so sánh, phân tích, chứng minh, giải thích, bình luận, bác bỏ hỗ trợ.

Bước giải thích vấn đề là giảng giải nội dung, ý nghĩa của vấn đề được đưa ra bình luận. Khi đó thao tác phân tích được vận dụng để có thể chia tách vấn đề đó ra thành những vấn đề chi tiết hơn, làm cho vấn đề được nhận thức trên nhiều phương diện, xem xét kỹ lưỡng nội dung và các mối quan hệ bên trong của đối tượng, chỉ ra được giá trị, ý nghĩa nhiều mặt giá trị hoặc phi giá trị của đối tượng. Riêng đối với tác phẩm, một vấn đề hay một trào lưu văn học thì phân tích là để khám phá giá trị nhận thức, tư tưởng, thẩm mĩ.

Bước chứng minh vấn đề là dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm người khác tin vào ý nghĩa những vấn đề đã được giải thích.Thường là sẽ có nhiều dẫn chứng

được đưa ra để phục vụ cho lập luận. Những dẫn chứng đó có thể sẽ được phân tích, đối chiếu, đánh giá nhằm đưa vấn đề đã được phân tích đến mức độ tin cậy hơn.

Bước bình luận của bài văn thường được sử dụng thao tác lập luận chính là bình luận. Nhưng muốn đánh giá vấn được vấn đề đúng-sai đưa ra được ý nghĩa chung hay riêng, đánh giá một vấn đề lớn hay nhỏ đều phải được căn cứ trên cơ sở những luận điểm, luận cứ đã được giải thích, phân tích, chứng minh, đối chiếu. Đối với những vấn đề đúng thì cần lí lẽ để khẳng định giá trị, đối với những vấn đề sai hoặc không đồng tình thì cũng cần những lập luận đủ sức thuyết phục để bác bỏ.

Ví dụ: Khi bàn về vấn đề “Vào đại học có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên không?” Để viết bài lập luận này, cần phải kết hợp nhiều thao tác lập luận đề thuyết phục được người nghe, người đọc. Trước hết là giải thích vấn đề “vào đại học là con đường lập nghiệp”. Vì sao nói vào đại học là con đường đáng mơ ước? Giải thích vấn đề ở nhiều khía cạnh góc độ khác nhau. Kết hợp với lập luận và phân tích đánh giá những thực trạng điều thuận lợi cũng như những bất cập của con đường “vào đại học” của thanh niên hiện nay, đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để làm rõ vấn đề: “vào đại học là con đường lập nghiệp đáng mơ ước nhưng không phải là con đường duy nhất”. Chỉ ra những tác hại của việc theo đuổi con đường không phù hợp. Khi muốn làm sáng tỏ ý “vào đại học không phải là con đường duy nhất” thì lại cần tới thao tác lập luận bác bỏ, có nghĩa là phải dùng tới lí lẽ, dẫn chứng chắc chắn để chỉ ra sai lầm của quan niệm này. Đồng thời, nêu và phân tích: “dù không vào đại học, cũng có thể tạo lập sự nghiệp cho mình”.

Tóm lại, dù sử dụng phương thức lập luận nào thì mục đích cuối cùng cũng là thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề nào đó. Hơn nữa, trong quá trình lập luận luôn vận dụng kết hợp các thao tác, vì vậy cần một quá trình rèn luyện vận dụng các thao tác lập luận.

Thao tác lập luận có vai trò rất lớn trong việc tạo lập văn bản nghị luận. Vì vậy, muốn HS hình thành được kỹ năng viết văn nghị luận tốt, người GV phải định hướng giảng dạy sao cho HS có thể nhận biết và vận dụng được những thao tác lập luận.

Một phần của tài liệu rèn luyện kỹ năng lập luận trong văn nghị luận cho học sinh 11 trung học phổ thông (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)