Đối với luồng vốn vào

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tự do hóa tài khoản vốn – kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại việt nam (Trang 98 - 101)

Tiếp tục khuyên khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào những lĩnh vực có lợi cho nền kinh tế. Tiếp tục nghiên cứu những biện pháp tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hướng vào những lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích, ưu tiên; nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các quy định theo hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có khả năng tái tạo ngoại tệ, sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực không đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài và vay trong nước của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hoàn thiện cơ chế báo cáo quy định tại Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

3.4.1.2. Đầu tư gián tiếp

Trong giai đoạn hiện tại cho đến năm 2015, cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, đặc biệt có thể nghiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ về đầu tư gián tiếp nhằm bổ sung các biện pháp để phân loại, sàng lọc nhà đầu tư và khuyến khích đầu tư dài hạn thông qua việc quy định điều kiện đối với nhà đầu tư là tổ chức, hạn mức, thời hạn đầu tư; quy định ký quỹ/thuế trên cơ sở thời hạn đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng các biện pháp ứng phó trong tình huống các luồng vốn vào/ra quá lớn, có khả năng gây bất ổn cho khu vực tài chính.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, cần nghiên cứu, chỉnh sửa các văn bản quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, có thể bổ sung quy định cho người không cư trú thực hiện các giao dịch phái sinh ngoại hối với người cư trú.

3.4.1.3. Vay nợ nước ngoài

Đây cũng là một nguồn quan trọng bổ sung vốn cho phát triển kinh tế, góp phần bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai và các cân đối của nền kinh tế. Trong thời gian qua, nguồn vốn ODA (vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ) đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên, hoạt động vay nước ngoài cũng gặp phải nhiều rủi ro như: (i) Mở rộng quá mức hoạt động vay của Chính phủ tạo ra gánh nặng nợ cho Ngân sách Nhà nước; (ii) Rủi ro tỷ giá và lãi suất trong hoạt động vay nước ngoài khi đồng tiền trong hợp đồng đi vay lên giá hoặc lãi suất vay thả nổi có xu hướng tăng, nghĩa vụ trả nợ tính bằng nội tệ sẽ tăng đáng kể, tác động không nhỏ đến dòng tiền trả nợ; (iii) Tác động tiêu cực của dòng vốn ngắn hạn đến sự ổn định của nền kinh tế.

Trong giai đoạn đến 2015, cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với vay nước ngoài ngắn hạn, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ.

Do đó, lộ trình tự do hóa giao dịch vay trả nợ nước ngoài cần được thiết kế theo hướng: Ưu tiên tự do hóa vay trung dài hạn trước, kiểm soát và hạn chế vay ngắn hạn; Ưu tiên các nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp, hạn chế vay thương mại với lãi suất cao. Tăng cường giám sát hoạt động vay nợ của doanh nghiệp thuộc khu vực công, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của khu vực tư nhân.

3.4.1.4. Đầu tư dưới dạng tiền gửi

Hiện tại, người không cư trú được phép mở tài khoản tiền gửi bằng VND tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Trong thời gian tới, cần bổ sung, chỉnh sửa quy định tại Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 hoặc ban hành hướng dẫn theo hướng tài khoản này chỉ dùng để thực hiện thanh toán, không được gửi có kỳ hạn hoặc gửi không hưởng lãi để hạn chế hoạt động đầu cơ tiền tệ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, gây bất ổn cho hệ thống. Việc tự do hóa đối với giao dịch này sẽ được cân nhắc tùy theo yêu cầu cụ thể phát sinh.

3.4.1.5. Người không cư trú phát hành chứng khoán bằng VND trên lãnh thổ Việt Nam

Trong điều kiện cán cân thanh toán quốc tế còn chưa cân bằng, đặc biệt là cán cân vãng lai còn thâm hụt lớn, việc cho phép các tổ chức người không cư trú phát hành chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là áp lực đối với cầu ngoại tệ và tỷ giá khi người không cư trú sử dụng lượng tiền đồng Việt Nam thu được từ phát hành chứng khoán để mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài. Ngoài ra, nếu không quản lý chặt việc sử dụng đồng Việt Nam của các tổ chức người không cư trú, sẽ có khả năng gây lũng đoạn thị trường tiền tệ thông qua việc sử dụng công cụ phái sinh giữa ngoại tệ và đồng Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới chưa đặt ra tự do hóa đối với giao dịch này.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tự do hóa tài khoản vốn – kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại việt nam (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w