3.3.1.1. Tiếp tục thực hiện chính sách tự do hoá các giao dịch vốn
Trong điều kiện tiết kiệm trong nước còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển để tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam đã lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dựa vào các nguồn vốn nước ngoài. Với lựa chọn này, Việt Nam đã phải chấp nhận đánh đổi sự mất cân bằng đối ngoại để có nguồn lực tài chính giải quyết những mất cân đối bên trong nền kinh tế và qua đó giải quyết một trong những vấn đề xã hội bức xúc nhất là giải quyết việc làm cho người lao động. Từ khi thực hiện chính sách đổi mới và mở của đến nay, Việt Nam đã thực hiện một cách nhất quán chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Mục đích chính của chính sách trên là góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước thông qua việc thực hiện các mục tiêu sau: huy động đủ vốn với các điều kiện thuận lợi; vốn nước ngoài được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; đảm bảo khả năng trả nợ cho nước ngoài; và vốn nước ngoài ít/hoặc không tác động xấu đến sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.
Muốn huy động được các nguồn vốn nước ngoài thì cần thực hiện tự do hóa các giao dịch vốn. Quá trình tự do hóa các giao dịch vốn ở Việt Nam đã được thực hiện từ từ và có chọn lọc tuỳ theo tính chất của mỗi nguồn vốn. Đến nay, các giao dịch vốn liên quan đến đầu tư trực tiếp gần như đã được tự do hóa hoàn toàn. Đối với các luồng vốn khác như đầu tư gián tiếp và vay nợ hiện vẫn còn có một số hạn chế nhất định do tính chất linh hoạt và rủi ro tiềm ẩn cao của các luồng vốn này.
Giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, là giai đoạn nền kinh tế chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và tiếp tục vượt xa khả năng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Để tiếp tục thu hút được vốn nước ngoài thì phải tiếp tục thực hiện chính sách tự do hoá các giao dịch vốn.
3.3.1.2.Thực thi một chính sách huy động thận trọng và sử dụng vốn nước ngoài có hiệu quả hơn để phát triển kinh tế-xã hội
Để hạn chế các mặt trái của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dựa vào các nguồn vốn nước ngoài và tránh rơi vào bẫy của nước có thu nhập trung bình thì Việt Nam cần phải hoặch định, thực thi một chính sách huy động thận trọng và sử dụng vốn nước ngoài có hiệu quả hơn để phát triển kinh tế-xã hội. Việc huy động vốn đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cần phải quán triệt những quan điểm chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, coi trọng vị trí quyết định của vốn trong nước xét về mặt chiến lược lâu dài, phải tạo cho được một môi trường kinh tế và pháp lý thuận lợi để khuyến khích đầu tư trong nước, đa dạng hóa các hình thức, các kênh huy động vốn để có thể huy động tối đa các nguồn vốn sẵn có trong nước;
Thứ hai, việc huy động vốn từ bên ngoài chỉ nên thực hiện nếu nguồn vốn trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Khối lượng vốn huy động từ bên ngoài trong từng thời kỳ không được tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trước mắt cũng như lâu dài;
Thứ ba, trong những năm có sự thiếu hụt vốn đầu tư, phải tích cực huy động vốn nước ngoài để bù đáp sự thiếu hụt giữa nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế trong nước, nhưng trước hết cần chú trọng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Thứ tư, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài theo điều kiện thương mại, đặc biệt là vay tài chính ngắn hạn nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ sự luôn chuyển vốn đầu tư gián tiếp (FII). Chúng ta thực hiện chính sách này là nhằm thực hiện đồng thời hai mục tiêu: vừa tranh thủ thu hút vốn nước ngoài bổ sung cho
nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế -xã hội; vừa kéo dài thêm thời gian cần thiết để có giải quyết các tồn tại, yếu kém trong nước và tạo ra đủ các điều kiện về tự do hoá các giao dịch vốn.
3.3.1.3.Thúc đẩy sự phát triển của các thị trường vốn
Để tăng khả năng huy động vốn trong nước, tạo điều kiện và tiền đề thực hiện chủ chương giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài thì trước hết phải thúc đẩy sự phát triển của các thị trường vốn.
Trước hết là thị trường chứng khoán Chính phủ (tín phiếu, trái phiếu Chính phủ), thị trường sơ cấp và thị trường bảo hiểm nhằm huy động tối đa và có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài để tài trợ ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ. Với sự phát triển của thị trường tín phiếu và trái phiếu Chính phủ, những thiếu hụt của ngân sách nhà nước sẽ được thị trường vốn tài trợ thay vì phải tài trợ từ Ngân hàng Nhà nước, qua đó góp phần làm giảm bớt sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản; thúc đẩy hiệu quả quản lý nợ công của Bộ Tài chính; giúp việc hình thành đường cong lãi suất chuẩn và qua đó sẽ giúp cho việc phân bổ các nguồn lực tài chính trong nền kinh tế có hiệu quả hơn. Mặt khác, thị trường này còn là cơ sở để xây dựng cấu trúc kỳ hạn của lãi suất trong nước.
Đẩy nhanh sự phát triển thị trường sơ cấp. Sự yếu kém của thị trường sơ cấp là một trong số vật cản lớn khác đối với sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam. Để phát triển thị trường này cần phải: (i) phát triển nhanh chóng các tổ chức tài chính phi ngân hàng; (iii) tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thanh tra của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhằm đảm bảo rằng các ngân hàng thương mại duy trì mức chênh lệch kỳ hạn ở mức thấp; (iii) thiết lập hệ thống hoạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính minh bạch và thực thi chính sách quản trị doanh nghiệp tốt; và (iv) cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hoá các thủ tục phát hành chứng khoán.
Để phát triển các thị trường vốn cần phải tiến hành rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý và giám sát toàn bộ các thị trường; nâng cao tính độc lập cho
hoạt động của UBCKNN; xây dựng chính sách về quản lý nợ công và chính sách phát hành nợ chính phủ; đa dạng hoá việc phân phối các chứng khoán chính phủ trên thị trường sơ cấp; phát triển các hệ thống giao dịch, đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ hiệu quả; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của thị trường tiền tệ để thúc đẩy giao dịch các công cụ trên thị trường tiền tệ. Phát triển khu vực doanh nghiệp dân doanh và đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước để tăng hàng hoá và phát triển thị trường vốn trong nước. Nghiên cứu phát triển hệ thống quỹ hưu trí cho khu vực kinh tế phi nhà nước nhằm tăng tiết kiệm dài hạn trong nước và bảo đảm an sinh xã hội.