Tình huống thử thách

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 85 - 89)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Tình huống thử thách

Việc tạo ra những tình huống thử thách trong cuộc sống sinh hoạt đời thường để từ đó nhân vật tự bộc lộ phẩm chất và tính cách của mình là một thủ pháp trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tô Hoài. Đây cũng chính là thủ pháp Tô Hoài đã vay mượn của yếu tố thi pháp văn học dân gian. Đó chính là mô típ thử thách. Tác giả đặt nhân vật trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách để nhân vật tự bộc lộ mình. Kết thúc truyện, nhân vật sẽ chiến thắng mọi khó khăn, thử thách để hưởng thụ mọi thành quả lao động của chính mình. Cách kết thúc thể hiện niềm tin vào lẽ công bằng của truyện dân gian.

Nhân vật Mai An Tiêm trong Đảo hoang muốn tạo ra của cải vật chất, phải lao động, phải đánh đổi bằng mồ hôi, sức lực và cả máu thịt của mình. Cha mẹ mất sớm, An Tiêm phải tự kiếm sống nơi ven biển, phải trải qua bao nhiêu khổ cực và nguy hiểm nên An Tiêm không còn biết sợ điều gì nữa, chỉ tin vào sức mạnh hai bàn tay con người. Khó khăn và hiểm nguy nhất là khi

bị đầy ra đảo hoang. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy, sức mạnh và ý chí của con người mới bộc lộ rõ nhất. Cả gia đình An Tiêm phải chứng kiến bao nhiêu sự hãi hùng của thiên nhiên. Nào bão biển, giông cạn, rét mướt, lũ ống... Đứng trước những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể vượt qua được, An Tiêm vẫn bình tĩnh tháo gỡ, sắp xếp mọi việc. An Tiêm lấy nước từ cây cọ rừng, vào rừng đào củ mài, khuân đá, làm nhà, tìm ống vầu làm nồi nấu thức ăn, lấy vỏ sui làm quần áo và chăn đắp... Vậy là trong sự thiếu thốn, hiểm nguy mới thấy hết được sự sáng tạo của con người. Sức mạnh của An Tiêm còn thấy được ở chỗ trong suốt những ngày tháng gian nan, vất vả ấy An Tiêm vẫn luôn là một chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Sức mạnh bắt nguồn từ niềm tin vào bản thân, vào đôi bàn tay. Sức mạnh ấy được truyền sang cho mọi người bởi “không ai có thể đóng cửa cái sống của mình được”.

Những khó khăn buổi ban đầu trên đảo là thử thách thứ nhất mà các nhân vật đã trải qua bằng ý chí và nghị lực của mình. Nhưng thử thách nơi đất rừng hoang vu không bao giờ hết. Vượt qua thử thách này, lại có khó khăn khác. Ngay lúc cuộc sống đã trở lại yên bình, lúc mà gia đình An Tiêm mơ ước tìm ra bờ biển thì cơn lũ ống ập đến. Mọi xây dựng bấy lâu nay tan biến. Mon bị lạc. Hoàn cảnh ấy thử thách sự kiên cường, trí thông minh và lòng quyết tâm của con người. Nàng Hoa và cái Gái kiên cường sống, chống lại ốm đau và nén nỗi buồn và sự lo lắng khi tiễn chồng, tiễn cha đi tìm Mon. Mai An Tiêm chống lại mọi khó khăn thiên nhiên mang đến, xây dựng lại những gì đã mất và quyết tâm tìm lại đứa con trai của mình. Nhân vật thể hiện rõ nhất sự kiên cường là cậu bé Mon. Trong gian nan, Mon vẫn luôn ghi nhớ lời bố mẹ nói “con người phải tự làm ra cái ăn cái ở”, nhớ đến những việc cha làm và vượt qua nó. Thông qua việc tạo tình huống thử thách trong cuộc sống đời thường, Tô Hoài đã giúp nhân vật bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Cuộc sống không hề phẳng lặng, con người có thể gục ngã bất cứ lúc nào nếu họ không dám vượt lên để làm chủ cuộc sống. An Tiêm và Mon đã

sóng và chiến đấu trong mọi gian lao đến mức tài giỏi. Ở họ toát lên một cuộc sống đầy nghị lực.

Trong Chuyện nỏ thần, Tô Hoài đã xây dựng tình huống để thử thách nhân vật của mình bằng cách đặt nhân vật vào môi trường lao động trực tiếp. Ở đó nhân vật không có sự trợ giúp của các lực lượng siêu nhiên. Những ngày vua Thục xây thành, Cao Lỗ cũng đội đất, cũng trần lưng kéo đất đá. Khi đúc nỏ thần, tên thần, Cao Lỗ lại không quản ngày đêm, nắng mưa làm việc cùng phường đúc Hàm Hoan đẽo bệ, tỉa mũi tên, làm lẫy nỏ thần.

Tác giả còn đặt nhân vật vào tình huống thử thách tài trí. Đó là khi tướng giặc Đồ Thư đuối lương ăn phải xua quân trở về Núi Trâu. Mọi người nghĩ cách giết Đồ Thư. Cao Lỗ đã nghĩ ra diệu kế thui trâu để giết tướng giặc ngay trong dinh thự của hắn, trước mặt bao nhiêu quân Tần “một cơn gió dịu mát thổi tới. Đám lửa than trên mình trâu bỗng rực lên. Cao Lỗ đưa tay ấn cái trôn ống bương. Hai cánh tay nỏ ôm lấy đầu ống bật ra (...) tướng Đồ Thư ngã lăn trên kỷ xuống giữa sân. Máu cổ Đồ Thư phun òng ọc như con trâu bị chọc tiết lúc nãy” [23.551]. Qua tình huống thử thách ấy, nhà văn muốn khẳng định, con người không phải thánh nhân nhưng chính sức mạnh và trí tuệ sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn.

Đối với nhân vật Chử và gia đình Chử (Nhà Chử) - những con người cả đời gắn bó với vùng sông nước, Tô Hoài đã tạo ra tình huống thử thách ý chí và nghị lực của con người khi miêu tả cuộc sống của họ trên sông nước và hành trình vượt qua những ngọn thác, những con lũ để tìm đến ngọn nguồn sông Cái. Sống trên sông có biết bao nhiêu nguy hiểm rình rập. Đó là những con thuồng luồng, con giải dữ tợn, những con cá sấu nằm mốc meo phơi mình như đống củi chờ con người “vô ý dẫm phải, mất chân ngay”. Còn trên cạn là những con hổ xám, hổ vàng, hổ trắng lúc nào cũng trực cán người nếu “ai vô ý ngồi quay lưng lấp bóng nước”. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau

trong gang tấc. Con người muốn tồn tại không còn cách nào khác là phải mưu trí, dũng cảm chiến đấu lại với những hiểm nguy đó. Những trận đánh thuồng luồng, những cuộc bẫy hổ gian nan đã không làm nản chí những con người nơi đây. Để rồi, với sức lao động của chính mình, chẳng bao lâu sau, trên vùng nước khuất nẻo ngọn nguồn ấy đã hóa một bến nhà sàn chi chít, đông vui tấp nập.

Trên hành trình trở về bến Tự Nhiên, nơi cha mẹ Chử từng được sinh ra ở đó, nơi có ông nội đang ngày đêm ngóng trông, Chử đã phải vượt qua bao nhiêu tác, vực “thác Ông, thác Bà, thác Hủm, thác Giời Ơi, thác Rắn, thác Thuồng Luồng, không thể đếm xiết” [23,14]. Cuối cùng, với sự dũng cảm và lòng quyết tâm của mình, Chử đã vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách ấy. Như vậy, bằng việc tạo ra những tình huống vượt ghềnh, vượt thác, Tô Hoài đã để cho nhân vật dùng trí tuệ và sức mạnh của mình khắc phục khó khăn. Phẩm chất cao đẹp của nhân vật cũng được bộc lộ. Đó là sự dũng cảm và lòng quyết tâm.

Trong 101 truyện ngày xưa, nhiều tình huống thử thách trong nhiều câu chuyện được đặt ra. Nhân vật từ đó mà thể hiện được phẩm chất, tính cách của mình. Rõ nhất là tình huống thử thách lòng chung thủy của Nàng Thiết trong Vợ chàng Trương. Sự nghi ngờ ngày càng lớn của Trương Sinh và những hành động đánh đập, miệt thị nàng chính là thử thách khắc nghiệt nhất. Nàng đã vượt qua thử thách ấy và chứng minh lòng chung thủy của mình bằng cách trẫm mình xuống sông Hoàng tự vẫn. Sự dằn vặt, hối hận muộn màng của Trương Sinh và những nghi ngờ được giải quyết là nhân vật cũng vượt qua được những thử thách của mình. Hay như truyện Phượng hoàng đất, việc làm cho phú ông giận là một thử thách để nhân vật có thể cưới được con gái phú ông. Đây là một thử thách mang tính hài hước nhưng cũng là một phép thử trí thông minh và sự kiên trì, không nản chí của con người...

Như vậy, đặt nhân vật vào những tình huống thử thách là một sáng tạo dựa trên thi pháp truyện dân gian nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng của Tô Hoài. Nhân vật trong truyện dân gian vượt qua những thử thách với sự giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên, còn các nhân vật của Tô Hoài phải dựa vào chính sức mạnh và trí tuệ của mình. Nhân vật càng trải qua tình huống khó khăn bao nhiêu thì phẩm chất anh hùng, ý chí, nghị lực, niềm tin càng được bộc lộ rõ nét bấy nhiêu.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w