7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người
“Văn học là khoa học về con người” (M.Gorky). Con người trở thành đối tượng trung tâm của văn học. Nó vừa là yếu tố nhận thức chủ yếu của văn học lại vừa là cái đích nhà văn hướng tới để sáng tạo. Quan niệm nghệ thuật không gì khác hơn ngoài việc biểu hiện, phản ánh con người, vì con người. Đó còn là một phương thức không thể thiểu để khám phá giá trị đích thực của tác phẩm văn học. Chính vì vậy, quan niệm nghệ thuật về con người luôn là một vấn đề được quan tâm, chú ý hàng đầu của nhà văn khi sáng tạo nghệ thuật, của các nhà nghiên cứu, phê bình và cả độc giả khác khi tiếp nhận tác phẩm. Đi sâu tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người của một nhà văn cũng chính là đi vào khám phá một phương diện quan trọng có vai trò chi phối các yếu tố khác của nội dung và hình thức nghệ thuật trong thế giới nghệ thuật của nhà văn đó.
Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học. Tuy nhiên từ trước đến nay người ta chỉ chú ý phương diện khách thể của nó như phẩm chất, tính cách, tâm lý, ngôn ngữ... Từ đó cũng có nhiều khi người ta phân tích nhân vật như những con người thật ở ngoài đời. Quan niệm nghệ
thuật về con người hướng người ta khám phá cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng.
Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hóa tư tưởng. Quan niệm con người là hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật, trong đó thể hiện sự tác động qua lại của nghệ thuật với các hình thức ý thức xã hội khác. Mỗi một thời đại luôn luôn có một mẫu người chung cho thời đại mình. Trong khi đó mỗi nhà văn lại luôn tìm cho mình một quan niệm nghệ thuật mang dấu ấn sáng tạo riêng trên cái nền chung của thời đại đó. Vì vậy, “con người là hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật đối với các hình thức ý thức xã hội khác. Và mỗi thời đại văn hóa ra đời bao giờ cũng làm nảy sinh con người mới” (E.Kapeachesko).
Quan niệm nghệ thuật về con người, một phương diện quan trọng của thi pháp học, nó giúp chúng ta hình dung đầy đủ về tư tưởng nghệ thuật của một nhà văn trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định. Quan niệm nghệ thuật về con người giúp tìm hiểu nội dung tác phẩm văn học cụ thể, đồng thời cung cấp một cơ sở để nghiên cứu sự phát triển, tiến hoá của văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người chính là điểm khởi đầu của hoạt động sáng tạo mà thiếu nó thì nhà văn không thể xây dựng được một tác phẩm hoàn chỉnh. Bởi vậy, khi nghiên cứu tác phẩm chúng ta phải nghiên cứu quan niệm nghệ thuật con người trong tác phẩm đó để đi sâu khám phá tác phẩm, khám phá phong cách, tài năng của nhà văn.
Như vậy, quan niệm nghệ thuật xét đến cùng là toàn bộ quan niệm về con người trên mọi bình diện: ngoại hình, tính cách, số phận, bản chất xã hội của nhân vật, lý tưởng thẩm mỹ mà nhà văn thể hiện qua nhân vật... Do đó, đi sâu khám phá quan niệm nghệ thuật về con người sẽ cho ta một cách tiếp cận mới mẻ và có ý nghĩa sâu sắc trên góc độ thi pháp. Tuy nhiên, thực chất quan
niệm nghệ thuật về con người là gì? Cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu chưa thống nhất.
Trần Đình Sử cho rằng: “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho hình tượng nhân vật trong đó” [51].
Trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu ông viết: “Vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người thực chất là vấn đề tính năng động của nghệ thuật trong phản ánh hiện thực, lý giải con người bằng các phương tiện nghệ thuật, là vấn đề giới hạn, phạm vi chiếm lĩnh đời sống của một hệ thống nghệ thuật, là khả năng xâm nhập nó vào các miền khác nhau của cuộc đời”.
Tiếp thu các quan niệm trên, chúng ta có thể hiểu rằng, quan niệm nghệ thuật về con người là một phạm trù cơ bản của thi pháp học, là cách cắt nghĩa, lý giải của nhà văn, nhà thơ, là cách đánh giá, cảm nhận, giải thích, phát hiện của người nghệ sỹ về con người. Vấn đề con người luôn là một vấn đề trung tâm của mọi nền, mọi giai đoạn văn học dù cho mỗi giai đoạn văn học lại có một kiểu con người khác nhau. Thời đại văn học nào cũng bắt nguồn từ việc tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người bởi “văn học là nhân học” (M.Gorky).