Nhìn chung về truyện viết cho thiếu nhi và truyện dân gian

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 36 - 44)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Nhìn chung về truyện viết cho thiếu nhi và truyện dân gian

lại cho thiếu nhi của Tô Hoài

Tô Hoài là nhà văn lớn của thiếu nhi. Bằng những câu chuyện ly kì, hấp dẫn, ông luôn đem đến cho các em một niềm vui, một bài học, một lời căn dặn, một bài học nhẹ nhàng, sâu lắng. Mối giao hòa giữa con người với con người, con người và loài vật, con người và thiên nhiên luôn được tác giả đề cập đến trong tác phẩm. Văn của Tô Hoài ấm áp, tươi trẻ. Thời gian không làm ông mệt mỏi khi sáng tác cho các em. Đối với tuổi thơ, ông luôn là người kể chuyện đầy hứng thú và sáng tạo. Truyện dành cho thiếu nhi của Tô Hoài là một mảng quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Và trong

bản thân mảng truyện thiếu nhi lại chia ra nhiều loại khác nhau. Việc phân loại truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài là một việc làm hết sức khó khăn bởi số lượng tác phẩm đồ sộ, trải suốt cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Phải nói rằng, trẻ thơ luôn được nhà văn quan tâm, dành cho một sự ưu ái đặc biệt. Để có một cái nhìn toàn diện và hệ thống, chúng tôi dựa vào đề tài mà nhà văn thể hiện để tìm hiểu và phân loại. Mảng truyện dân gian viết lại là một bộ phận nằm trong hệ thống những sáng tác dành cho thiếu nhi của ông. Nó nằm bên cạnh những bộ phận khác như hồi ký về tuổi thơ, truyện loài vật, truyện quê hương đất nước.

Thứ nhất, là bộ phận hồi ký về tuổi thơ. Thời gian vốn là một ông thầy vĩ đại, luôn biết chọn lọc và tôn vinh những gì lắng đọng nhất. Trong cuộc đời mỗi con người, quãng thời gian tuổi thơ luôn là quãng thời gian để lại trong mỗi chúng ta những ấn tượng sâu sắc, khó phai. Đối với các nhà văn cũng vậy, tuổi thơ luôn để lại ấn tượng nguyên thủy, có sức ám ảnh dai dẳng trong suốt cuộc đời. Cũng chính vì vậy mà Tô Hoài lựa chọn viết cho thiếu nhi bằng thể hồi ký, về chính tuổi thơ của mình. Bởi “viết về quá khứ bản thân, có người đi lại cả quãng đời, có người chỉ nhìn lại mình ở một phần trong cả cuộc đời dài dằng dặc, nhưng chính một phần ấy lại có sức chứa vô cùng lớn lao, có ý nghĩa quyết định cho cả một đời người... Tâm hồn trẻ thơ chưa hề bị hao mòn, pha tạp, và chính nó là cái thiêng liêng, sâu xa của sự sống” [32,108]. Những trang hồi ký về tuổi thơ của Tô Hoài cho các độc giả nhỏ tuổi thấy không chỉ việc nâng niu, giữ gìn kí ức tuổi thơ mà còn là một khả năng suy nghĩ, ý thức độc lập về cuộc sống hiện tại. Với tài năng tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, cùng với bản lĩnh của người cầm bút, những trang viết về chính bản thân mình của Tô Hoài đã mang đến cho người đọc những cảm xúc đến ứa nước mắt. Hình ảnh về quê ngoại, về mảnh vườn và căn nhà gạch cổ đã ăn sâu vào tiềm thức tác giả. Hình ảnh ông ngoại lặng lẽ uống rượu, người mẹ tần tảo, người em gái bất hạnh, người cha đi làm ăn xa, người bà sống như

cái bóng rất mực yêu thương cháu... Đó là những hình ảnh gắn liền với ông qua nhiều năm tháng tuổi thơ.

Nhà văn viết về tuổi thơ bằng một ấn tượng, cảm xúc chân thành và những chi tiết bình dị, mộc mạc. Qua hồi tưởng và những kỉ niệm, tác giả muốn đề cập đến cuộc đời của bao nhiêu con người và bao bọc họ trong tình yêu thương chân thành của mình. Những trang viết ấy đã bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm của trẻ thơ.

Thứ hai, là bộ phận truyện viết về loài vật. “Tô Hoài là nhà văn viết thành công nhất, hấp dẫn nhất về các loài vật” [27,465]. Thế giới loài vật trong truyện của ông đa dạng, phong phú. Nhà văn rộng lượng với ngòi bút của mình khi đưa những con vật vào trang viết. Ông không phân biệt loài xấu - loài đẹp, loài sạch - loài không sạch, loài hiền lành - loài hung dữ, loài to -loài nhỏ. Rất nhiều những con vật, bay trên trời có, sống dưới nước có, sống trên mặt đất có... xuất hiện trong tác phẩm của ông. Đọc truyện loài vật của ông, người đọc hiểu Tô Hoài muốn nói đến cuộc sống của con người. Thế giới loài vật cũng đa dạng, nhiều mối quan hệ như chính cuộc sống con người. Tác giả đưa vào tác phẩm của mình những con vật gần gũi, thân thuộc xung quanh con người. Đó đều là những con vật xoàng xĩnh nhưng mối quan hệ giữa chúng, cuộc sống của chúng lại mở ra cả một xã hội đa dạng. Ngay từ

Dế mèn phiêu lưu kí với chuyến viễn du của chú Dế mèn đến những miền đất xa lạ, tác giả muốn nói đến lẽ sống mà “nhân vật tí hon” khao khát cũng chính là khao khát của con người: đó là một thế giới đại đồng, một thế giới chỉ có công bằng, không có áp bức và chiến tranh. Hay như Đôi gi đá lại gợi kiếp sống tụ hội, ly tán của những người nông dân nghèo. Họ chăm chút xây dựng tổ ấm của mình nhưng không sao chống đỡ nổi những tai họa xung quanh...

Miêu tả thế giới loài vật ít ai có được sự tinh tế như Tô Hoài. Cái khó của viết truyện đồng thoại là có sự kết hợp giữa hiện thực và mơ tưởng. Bằng

trí quan sát tỉ mỉ, óc tưởng tượng phong phú, ông miêu tả thế giới loài vật chính xác đặc điểm, hình dáng, thói quen, tính cách của từng loài. Sau đó, biết gắn tính cách của con người sang cho con vật một cách phù hợp với đặc điểm của chúng. Sự khéo léo của nhà văn giúp khỏa lấp những chi tiết khiên cưỡng, làm cho đọc giả nhỏ tuổi được dịp lạc vào thế giới loài vật phong phú, sinh động và chân thực bằng biện pháp nhân hóa tài hoa. Trong truyện Tuổi trẻ,

Đôi gi đá, Ghi chép một ngày, Mụ Ngan, Một cuộc bể dâu... tác giả đã miêu tả gần như đầy đủ những con vật gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta: đó là gà trống tê tái, gà mái hoa, anh tía, mụ ngan đần độn, Ngỗng khề khà, vịt lạch bạch... Những con vật với những tính cách, đặc điểm riêng về loài đã làm nên một xã hội thu nhỏ trong mảnh vườn quen thuộc của con người.

Tác giả còn để ý đến những con vật nhỏ bé trong thiên nhiên rộng lớn: ếch kém cỏi, cào cào đỏm dáng, dế mèn hiếu thắng, bọ ngựa nghênh ngang... Mỗi loài mang đặc điểm sống, thói quen riêng. Tất cả một bức tranh sinh động, đầy màu sắc về thế giới loài vật.

Loài chim bay trên trời cũng không nằm ngoài tầm quan sát của nhà văn. Trong Mải vui quên hết bên cạnh việc miêu tả những đặc tính của loài chim hải âu tác giả còn giải thích vì sao có sự xuất hiện của hải âu ở những vùng biển xa xôi cung cấp cho các em những hiểu biết thú vị.

Trẻ em thường có những ấn tượng ghê sợ đối với những con vật to lớn, hung dữ. Nhằm xóa bỏ ấn tượng đó, nhà văn bằng ngòi bút tinh tế của mình đã khiến những con vật to lớn nơi rừng sâu đáng yêu, ngây ngô như những cô bé, cậu bé luôn khao khát tìm kiếm những điều mới lạ. Trong Gấu ăn trăng, chú gấu không hề hung dữ, độc ác, chú mắc phải thói quen xấu là hay ghen tị.

Các loài vật dưới nước cũng được Tô Hoài đưa vào tác phẩm của mình. Nào là cá giếc bảnh bao, cá chép vây đỏ, cá rô cường tráng, cá mè, cá mương... (Cá đi ăn thề).

Có thể thấy, khi viết truyện về loài vật, Tô Hoài đã khẳng định một tài năng quan sát hiếm có. Những tính cách mà ông phát hiện ra về loài vật thường gắn liền với những thói quen của các em. Những thói quen dù tốt hay chưa tốt tác giả đều khéo léo lồng vào những bài học nhẹ nhàng, mang tính giáo dục sâu sắc. Ông phát hiện ra sự ngộ nghĩnh, những tình cảm lạ, những tưởng tượng thú vị trong các em và đáp ứng điều đó một cách toàn vẹn nhất qua việc thể hiện thế giới loài vật. Các con vật trở thành bạn, thành hình tượng đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi đứa trẻ đọc Tô Hoài. Đúng như nhận xét của Phong Lê: “Thế giới loài vật, đó quả là nội dung đặc sắc và độc đáo trong thế giới truyện Tô Hoài. Có lẽ trước và sau ông ít ai có sức viết và tài viết như thế” [27,23].

Thứ ba, tác giả viết về quê hương đất nước. Truyện viết về quê hương của Tô Hoài thể hiện qua nhiều chủ đề phong phú: viết về giáo dục đạo đức, về thiếu nhi làm giao liên, tết Trung thu, về mùa xuân... Tác giả bộc lộ tình yêu quê hương đất nước sâu lắng của mình rồi truyền tình cảm thiêng liêng đó đến độc giả.

Nhà văn sống và trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt. Những mất mát đau thương vẫn luôn đau đáu trong lòng. Viết về chủ đề này, Tô Hoài chủ yếu khai thác những tấm gương người anh hùng nhỏ tuổi, gan dạ, dũng cảm - những người nhỏ bé đã góp phần công sức lớn lao làm nên chiến thắng: Vừ A Dính, Kim Đồng, Páo và Sua, Hoa Sơn. Từ những tấm gương người thật, việc thật, Tô Hoài đã dựng nên những tượng vàng lí tưởng, sáng ngời trong tác phẩm - một biểu tượng đẹp đẽ để các em noi theo.

Với chủ đề xây dựng miền Bắc, Tô Hoài đã khắc họa những đổi thay trong thời kỳ đầu hòa bình qua nhiều chi tiết đời thường. Ông lấy đối tượng khai thác là các em nhỏ với những cảm xúc ngây thơ, trong sáng và đầy khát vọng. Những thay đổi của cuộc sống sau những năm tháng chiến tranh gian

khổ mang lại niềm vui, sự háo hức nhiều nhất cho các em thiếu nhi. Hơn ai hết, là người trải qua tất cả những gian truân, tác giả hiểu sâu sắc và trân trọng những tình cảm đó của các em. Truyện Ò..ó..o, tác giả muốn nhấn mạnh niềm vui của một cậu bé đứng ngắm nhìn ánh điện sáng rực cả ngôi làng. Truyện

Lỗ tường hổng giải thích bằng quá khứ hào hùng những thắc mắc của cậu bé Trung về cánh cửa “lỗ tường hổng”, đó là con đường các anh bộ đội xung phong hành quân để đi đánh giặc. Câu chuyện thu hút các em, làm các em cảm thấy tự hào và trưởng thành hơn khi chơi trò trốn tìm xung quanh lỗ tường hổng. Câu chuyện là một thông điệp gợi nhắc, gợi nhớ các em hướng về quá khứ hào hùng của dân tộc....

Là nhà văn yêu trẻ, hiểu trẻ, Tô Hoài đặc biệt chú ý đến những cảm xúc của trẻ trước những sự đổi thay, trước những sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng đối với các em. Chẳng hạn như niềm vui của các em đón tết trung thu trong Bày cỗ rằm, đón chào năm mới trong A! Năm mới về...

Thiên nhiên tươi đẹp cũng là chủ đề mà nhà văn Tô Hoài viết nhiều. Ông yêu thương và tự hào về đất nước bao nhiêu thì ông gửi gắm cảm xúc đó vào trang viết bấy nhiêu. Truyện Cây bằng lăng, Mùa lê mùa đào cho thấy sự quan sát tỉ mỉ, chi tiết về tất cả những cành cây, ngọn cỏ, hoa thơm, trái ngọt. Truyện

Lên Sìn Hồ lại nói về cảm xúc mới lạ, thân thiết, những điều mới lạ, đẹp mắt nơi núi rừng Tây Bắc. Nó khiến cho các em thêm yêu hơn những cảnh vật xung quanh mình, yêu hơn những vùng quê trên dải đất thân yêu này.

Tô Hoài cũng dành nhiều trang viết về Bác Hồ. Tác giả viết về Bác thông qua những vật gần gũi với Người như suy nghĩ, cảm xúc của hình tượng tảng đá trên Việt Bắc, tiếng nói của cây gỗ quý nơi rừng Trường Sơn... Hình tượng Bác Hồ kính yêu sống mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ măng non của đất nước.

Tóm lại, truyện về quê hương đất nước của Tô Hoài rất phong phú về chủ đề. Mọi chủ đề đều khơi dậy ở các em những hiểu biết về quá khứ, lòng nhân ái ở hiện tại, niềm tin, niềm hy vọng ở tương lai, giúp các em hoàn thiện nhân cách, trau dồi tri thức để trở thành người có ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thứ tư, là bộ phận truyện dân gian viết lại. Không phải nhà văn nào cũng có thể thành công với mảng truyện này. Từ những cốt truyện có sẵn trong dân gian, nhà văn phải làm mới nó, phải tạo được sự hứng thú cho người đọc và quan trọng nhất, phải truyền tải được một nội dung thực sự mới mẻ qua cốt truyện đã “cũ” ấy. Đây là một thách thức đối với những ai yêu thích thể loại này.

Tô Hoài đến với thể loại này như một cái duyên. Tất cả các truyện dân gian từ miền xuôi đến miền ngược đều mang lại cho ông hứng thú sáng tạo lại. Ông sưu tầm các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của các dân tộc và viết lại. Truyện cổ dân tộc Kinh có: Chuyện nỏ thần, Nhà Chử, Đảo hoang, Các tướng tài của Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Lý Ông Trọng, Đồng tiền Vạn Lịch... Dân tộc Hà Nhì có: Rùa và Hươu... Dân tộc Nùng có: Kho báu trên núi Phia Mạ... Dân tộc Chăm có: Hòn chồng hòn vợ... Dân tộc Mường có: Chuyện cuội... Dân tộc Xê Đăng có: Nàng tiên gạo... Dân tộc Mạ có: Con cua đá, Con hươu sao, Sự tích thác Đam Bri... Qua những câu chuyện dân gian viết lại, “Tô Hoài đã đem đến cho bạn đọc nhỏ tuổi một cảm quan về lịch sử dân tộc qua nét vẽ tài hoa, tinh tế bức tranh phong cảnh và phong tục. Tác giả tìm hiểu quá khứ trên những tài liệu thư tịch và khảo cổ học, nhưng ông cũng đã phát huy cao độ khả năng tưởng tượng và hư cấu của người viết tiểu thuyết để làm sống động không khí xa xưa, cho chúng ta được sống lại, được hòa nhập tâm linh vào hào khí của dân tộc, được chiêm nghiệm những cảnh sắc, những phong tục và những hoạt động trong đời sống của người Việt cổ. Tô Hoài

khai thác lịch sử gắn với cái thực trong màu sắc kì ảo có tính chất huyền thoại” [32,11]. Những câu chuyện dân gian viết lại, bạn đọc nhỏ tuổi có cơ hội “vén tấm màn huyền thoại để biết sự thật cuộc sống và con người thuở xa xưa” [26,116], hiểu hơn các phong tục lễ hội và niềm vui của người dân. Nhìn chung, “Kế thừa và phát huy kho tàng cổ tích dân gian, truyện cổ tích hiện đại là một hướng khai thác mới, mở ra một cánh cửa đầy hứa hẹn của văn học thiếu nhi, một chân trời mênh mông, vừa gần gũi thân quen, vừa mới lạ sâu sắc” [26,130]. Tô Hoài đã nhận thức điều đó và làm giàu cho kho tàng văn học thiều nhi của dân tộc bằng nhiều tác phẩm ở thể tài mới lạ này.

Với khối lượng tác phẩm đồ sộ viết cho thiếu nhi, có thể khẳng định Tô Hoài là nhà văn của thiếu nhi và văn học dành cho thiếu nhi là một thành công làm nên tên tuổi của nhà văn này.

Chương 2

QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN DÂN GIAN VIẾT LẠI

DÀNH CHO THIẾU NHI CỦA TÔ HOÀI

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 36 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w