Quan niệm nghệ thuật về con người của Tô Hoài

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 48 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3.Quan niệm nghệ thuật về con người của Tô Hoài

2.1.3.1. Con người với ý chí, nghị lực sống mãnh liệt

Những truyện mà Tô Hoài “viết lại” dựa trên các câu chuyện dân gian đều hướng về các đề tài như công cuộc xây dựng, mở mang bờ cõi, bảo vệ chủ quyền của dân tộc, khẳng định sức sống mãnh liệt của con người, giải thích về nguồn gốc của con người, loài vật, sự vật... Ở đó, tác giả gửi gắm nhiều niềm tin yêu vào con người trong buổi đầu sơ khai của đất nước. Với tác giả, họ đều là những người có một ý chí, khát vọng và nghị lực sống mãnh liệt. Đó là các thế hệ trong gia đình Nhà Chử nối tiếp nhau, cùng nhau chung sức với dân làng chống chọi với thiên nhiên ác nghiệt, chống thú dữ trên cạn và dưới nước, vượt ghềnh thác đi khai sơn lập địa tạo nên những làng quê trù phú, thanh bình; Là ý chí, nghị lực và cuộc chiến đấu sinh tồn của gia đình Mai An Tiêm nơi Đảo hoang; Là sức mạnh của nhân dân và sự mưu trí của các tướng trong Chuyện nỏ thần chống lại cuộc xâm lược của quân Tần, quân Triệu Đà hay những người anh hùng chống phong kiến tài trí tuyệt vời, dũng cảm và mưu trí trong 101 truyện ngày xưa như Nguyễn Hữu Cầu, chàng Lía, Lê Lợi...

Mai An Tiêm - một chàng trai mồ côi nơi vùng biển Ninh Hải, được người dân chuyền tay nhau nuôi lớn. An Tiêm lớn lên trong sóng gió của biển “Những đợt sóng cao lù lù từ ngoài khơi chạy vào, vừa chạy vừa gào, ập xuống lôi ngay thằng bé ra khơi. Nhưng thằng bé vẫn bám được vào đất. Thằng bé vẫn lang thang sống dọc trên bờ biển Đông” [23,193]. Sự kiên gan và hành động cố bám vào đất cho thấy một nghị lực sống mãnh liệt của con

người này. “Bồng bềnh giữa cái sống và cái chết như thế, thằng bé trải gian truân từng ngày, vừa lớn lên, vừa lưu lạc...” và nó mạnh lên theo từng ngày gian truân ấy “trong cái chết mà không chết, thì cái sống phải mạnh” [23,195] để trở thành một chàng trai “mình lẳn mình trắm. Đôi mày dựng ngược. Con mắt sắc. Nước da đỏ lịm như đồng hun. Một trang quắc thước, hiên ngang lạ lùng” [23,156]. An Tiêm dùng sức mạnh và tài trí của mình cùng với nhân dân chống chọi với thiên tai, dời núi đắp đê ngăn lũ. Dòng sông Cái thuở ban đầu “là con sông dữ, nó như con trăn vùng lên, cuốn vào lòng những làng xóm, những đồi nương, những cánh rừng, cả trâu, cả người”. Nhưng bàn tay con người đã thuần hóa được con quái vật hung dữ ấy, biến nó thành một dòng chảy hiền hòa. An Tiêm mở làng lập xóm đông vui, trù phú rồi lại giành giải nhất trong các cuộc thi đấu vật, thổi cơm tổ chức tại kinh đô...

Thế nhưng, bị kẻ xấu dèm pha, cả gia đình An Tiêm bị đầy ra đảo hoang. Cuộc vật lộn với những khó khăn ở vùng đất không dấu chân người này mới cho thấy hết sức mạnh, niềm tin và ý chí của một con người lớn lên trong gian khổ như thế nào. Ngày lên thuyền ra đảo, bọn lính còn khám kỹ không cho họ mang theo gì nhằm tuyệt đường sống. Ra đến đảo, chúng chỉ cho một tay nải bánh dày. Nhưng An Tiêm có những món quà vô giá của người dân Bãi Lở: đôi giày cỏ, một con dao, hòn đá cuội và chiếc sừng trâu để đánh lửa. Cuộc sống của gia đình An Tiêm bắt đầu những thử thách không lường hết được.

Đó là khi gặp bão cạn “từ các đỉnh núi, như cùng một lúc, khạc ra một tiếng gầm chuyển động...Những đầu gió va vào nhau, vập vào núi, phát ra những tiếng kinh rợn....Những cơn gió lại ầm ầm giựt lên, đánh cả những tảng đá to đổ rào rào xuống biển” [23,214-215]; rồi khi cái rét cắt da cắt thịt tràn đến “Cái rét trên núi cao luồn vào khe đá, cứ thấm dần, nửa đêm về sáng, buốt như châm gai” [23,232]; khi không có nước uống; khi cái Gái ốm mà lại

không có thức ăn, cả nhà phải ăn ngót rừng nướng; khi gặp lũ ống, gia đình ly tán.... Đảo hoang với những núi đá, rừng rậm, sóng gió, bão lũ chứa đầy những thử thách của thiên nhiên, đồng thời cũng là nơi thăm dò ý chí, lòng can đảm và năng lực của con người. Nó thách thức con người khám phá, phát hiện ra mầm sống giữa nơi hoang vu, khắc nghiệt. Sức mạnh, lòng can đảm và khát khao sống của con người sẽ làm cho hạt mầm sự sống bật lên tươi tốt. Phẩm chất ấy hội tụ nơi Mai An Tiêm.

Những ngày đầu sống trên đảo, thiếu thốn khổ sở nhưng An Tiêm đã từng bước tháo gỡ những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được đó, làm một chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Ban đầu là tìm nước uống. Kinh nghiệm cuộc sống dạy con người biết nơi đâu có nước. Những giọt nước đầu tiên tìm được thấm vào chiếc áo lẫn mồ hôi khét chát của An Tiêm đã mang lại sự sống cho con gái. Khó khăn đầu tiên đã vượt qua. Đến việc tìm chỗ ở cho cả nhà, làm giường, làm vách chống lạnh bởi “dù ở hang mình cũng là con người, phải có chỗ ăn nằm tử tế” [23,234]. An Tiêm cùng Mon khuân đá lát nền, lấp hai bên vách kín rồi chặt cọ, xả ra từng thanh để làm giường, làm vách. Hình ảnh cuộc sống của gia đình An Tiêm những ngày đầu chính là sự tái hiện lại cuộc sống của loài người nói chung và người dân Việt Nam thuở khai thiên lập địa. Bằng bàn tay con người, cuộc sống dần được xây dựng. Và giờ đây, An Tiêm cũng đang gây dựng cuộc sống mới bằng chính bàn tay của mình.

Khó khăn cũ chưa hết, khó khăn mới lại đến. Cái ăn đã cạn dần, không thể tồn tại mãi trong hang đá. An Tiêm lại dẫn gia đình đi tìm chỗ đất mới. Sau nhiều ngày lặn lội, An Tiêm quyết định dựng nhà bên bờ suối, cạnh rừng tre, rừng trúc. Ngôi nhà mới của gia đình An Tiêm “như cái tổ chim to” dựa vào những cây nghiến, có bậc cầu thang đi lên để tránh thú dữ, có bếp giữa nhà để sưởi ấm và nướng ngót, có thịt hươu treo trên bếp, có những ống vầu, ống mai làm nồi nấu thức ăn, có dải dây buộc nút để đánh dấu thời gian, có con rùa báo trời mưa hay nắng...

Không phải lo cái ăn, cái uống, lại phải lo cái mặc. “Đến độ rét mướt ấy thì xống áo vợ chồng con cái bạc và rách như sơ mướp... mới mấy hôm rét mà đã không ai ló được ra khỏi lỗ cửa, chỉ quanh suốt ngày trong lều với lửa ở lưng chừng cây” [23,261]. An Tiêm đi tìm vỏ cây sui về phơi khô, lấy đá ghè kỹ cho sợi bung ra. Nhờ bàn tay khéo léo của nàng Hoa, cả nhà có áo mặc, có chăn đắp “miếng nách buộc lên vai lại khoanh lưng mấy nạm, vắt lại, vạt trước, vạt sau không còn một chỗ hở. Riêng vạt trước xòe xuống có miếng vỏ sui dày phủ kín đầu gối” [23,263]. Cuộc sống lại bắt đầu như ngày mới dựng nên Bãi Lở, lại “được làm người như thường” [23,287]. Những đổi thay từ khi đặt chân lên đảo cho đến ngày hôm nay của gia đình An Tiêm là kết quả của một nỗ lực phi thường, của ý chí sắt đá, bắt nguồn từ chân lý “Cái nghĩa làm người, có chí thì nên”, “làm người ở đời chỉ có mình làm nên mình”, “đâu có người thì ở đó có tất cả”. Những chân lý đó đốt lên ngọn lửa của niềm tin và hy vọng khơi dậy sức mạnh của con người trong những năm trơ trọi trên đảo hoang. Qua đó, tác giả muốn dựng lại quá trình phấn đấu, nỗ lực của con người trong cuộc tìm kiếm sự sống, thoát dần khỏi cuộc sống hoang dã để có cuộc sống văn minh hơn trong buổi đầu sơ khai.

Ý chí “con cua con cáy bấy thế mà còn biết bò kiếm ăn, con hà phải đóng vỏ vào tảng đá suốt đời đứng một chỗ mà vẫn sống, huống chi con người đầy đủ tai mắt chân tay thế này” và “không thể chết, nhưng cũng không thể chịu khổ mãi, cứ mãi chịu chui rừng thế này, cứ lay lắt thế này. Bàn tay vợ chồng mình đã từng làm cho đất Bãi Lở nên cái ăn, bây giờ chúng mình cũng sẽ làm cho cái đảo này thành cái ăn, sẽ thành nơi có người đến ở đông vui, như đất Bãi Lở” [23,266]. An Tiêm quyết định đưa gia đình mình đi tìm một nơi có sông, có bãi như Bãi Lở. Nhưng một tai nạn đã ấp đến, cơn lũ ống khủng khiếp đã phá tan tành những gì bấy lâu nay gây dựng. Chi tiết cơn lũ đến khi cuộc sống gia đình Mai An Tiêm đang sống ổn định và mơ ước đi tìm một vùng đất mới, tác giả lại đặt các nhân vật vào một thử thách khắc nghiệt khác.

Mon lạc khỏi bố mẹ và em gái. Trong khó khăn đó, họ lại phải dựng xây lại từ đầu. Ý chí, nghị lực và bản lĩnh con người thêm một lần nữa được khẳng định. Những chân lý của Mai An Tiêm, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, khó khăn một lần nữa được chứng minh. Tinh thần ấy, ý chí ấy còn được tiếp nối bởi Mon. Khi tỉnh dậy biết mình đã bị cuốn ra bờ biển, nơi cách nhà không biết xa bao nhiêu, Mon trực khóc nhưng dòng nước mắt bị ngăn lại bởi ý nghĩ phải sống và đi tìm cha mẹ. Ý nghĩ ấy tiếp thêm sức mạnh cho Mon. Mon nghĩ đến câu nói của bố “trong rừng dưới bể, con người ở đâu mà biết chịu khó cũng tìm ra cái nuôi sống mình” [23,281]. Câu nói ấy vang lên trong đầu Mon tạo nên một sức mạnh và sự quyết tâm phải sống. Mon tìm cách đập con hà, con hàu, bắt ngán, nhặt sò để ăn, để sống. Nhớ lời bố dặn “con người phải biết làm ra cái ăn, cái ở”, Mon đã biết cách tìm kiếm những thứ cần thiết cho cuộc sống, khắc phục những khó khăn. Mon còn biết lấy vàng làm dao, làm nhà, dệt quần áo từ sơ rứa... Đặc biệt, Mon đã cứu hai chú gấu và nuôi nấng, làm bạn với chúng cho thấy Mon không những can đảm, gan dạ, thông minh mà còn là một cậu bé chứa chan tình cảm. Dù ở một mình nơi hoang vu nhưng Mon hề xuề xòa, tạm bợ. Mon đang bước tiếp truyền thống quý báu của gia đình, tiếp nối ý chí, nghị lực của cha ông, không chịu khuất phục trước khó khăn của cuộc sống. Xây dựng hình ảnh cậu bé Mon, Tô Hoài đã mang đến cho những người đọc nhỏ tuổi một cái nhìn đầy tự hào và khâm phục lứa tuổi nhỏ can đảm, thông minh. Đó còn là một minh chứng khẳng định sức sống mãnh liệt của con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở lứa tuổi nào nếu họ có ý chí và nghị lực. Mon tiêu biểu cho nghị lực của lứa tuổi nhỏ. Và cũng chính từ Mon, giống dưa lạ được phát hiện và gieo trồng. Những con chim mang hạt dưa lạ là chiếc cầu nối cha mẹ, anh em, giúp họ tìm thấy nhau sau bao năm xa cách “những hạt dưa này đã làm cho Nam Bắc tìm lại nhau, cha mẹ con cái gặp lại nhau” [23,385].

Gia đình An Tiêm lại làm nhà mới trên mảnh đất gần biển như mơ ước “nếp nhà năm gian có giại che và đến cả những cái giát phên nằm cũng bằng hóp đá. Mái nhà lợp vầu úp, đơn sơ như nhà sàn, nhà đất ven sông Cái” [23,393], “quanh nhà, những tấm lước dây móc đánh cá, ngả nghiêng những chiếc cần lưỡi câu vàng chóe. Nhà thật thoáng, nhà ở ngoại nội Phong Châu chỉ khang trang đến thế. Phên cửa trúc đan trông ra, có mấy con rùa đương nằm sưởi nắng. Ống vầu, bìu da hươu và bong bóng đựng nước, đựng rượu xếp cao ngang góc cột. Những xâu thịt thòng lòng tỏa xuống khắp vách. Góc trong, một khung sợi móc dệt đương mắc. Nồi, trã, bát cả chồng, hàng trăm người ăn cũng có đủ”. Đúng là “người ở đến đâu ra cơ ngơi rõ người đến đấy” [23,443].

Khi đã dựng xây được cuộc sống đầy đủ, nhớ quê, nhớ những phong tục khôn nguôi trong lòng mỗi người. Hằng năm, Mon và Cái Gái làm pháo đất nổ vang trời ngày tết, mẹ và con gái xâu lỗ tai đeo khuyên, đi lấy tổ cảnh kiến về nhuộn răng cánh gián, nhuộm cả răng đen cho cả nhà, lấy lá chàm về xăm chàm lại mình... An Tiêm, Mon và cả Gấu em cũng vào xới vật như ngày còn ở Bãi Lở. “Chỉ có bốn người và con Gấu mà tương đương đám hội to” [23,384]. Không khí ấy càng làm cho họ nhớ về quê hương nhiều hơn và khát khao trở về trong họ cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Những năm sống trên đảo hoang là những năm gia đình An Tiêm phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Họ phải đối mặt với thiên tai, cái đói, cái rét, thú dữ... Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó, với ý chí và nghị lực phi thường, niềm tin vào bàn tay người, gia đình An Tiêm đã biến mảnh đất hoang thành nơi trù phú. Khi trở về gặp vua Hùng, An Tiêm nhắc lại câu nói của mình ngày trước: “người ta đầu đội trời chân đạp đất, có người có sức thì có của. Tâm sự bao nhiêu năm nay của tôi chỉ có vậy thôi” [23,458]. Đúng như Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Tiểu thuyết Đảo hoang của Tô

Hoài muốn thông qua câu chuyện Mai An Tiêm nêu lên sức mạnh của ý chí và nghị lực con người gắn chặt với truyền thống chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm của dân tộc” [27,494].

Trong Nhà Chử, cuộc vật lộn với thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, cuộc đi tìm ngọn nguồn con sông Cái và cuộc trở về với quê cũ - bến Tự Nhiên, tìm ra bể Đông cũng là những chặng đường đầy gian nan, thử thách ý chí và nghị lực của con người. Cuộc đời mỗi con người đều gắn với những chuyến đi, những vật lộn khó khăn để chiến thắng thiên nhiên, bảo vệ và mở mang cuộc sống. Bắt đầu bằng cuộc đời của Ông Chử. Đời ông Chử trôi nổi, phiêu dạt. Quanh năm gắn với con sông Cái “miệt mài bay lượn bốn bên sông nước” [23,81] và ấp ủ một khát vọng “am tường” hết mọi ngọn nguồn của con sông bởi “những người quê sông nước, chưa hề yên một chỗ” [23,13]. Ý chí đó được truyền sang cho bố mẹ Chử “con sẽ ngược lên cho đến tận nơi chân con đạp được vào chỗ nước róc rách nhích từng giọt trong khe đất ra”[23,57]. Chuyến đi của bố mẹ Chử cùng những người muốn xem “chỗ nào thì giẫm chân được vào đầu con sông Cái” trải qua nhiều gian lao, vất vả. Họ phải vượt ghềnh, thác, sóng gió. Đến khi tìm được mảnh đất “đẹp mượt mà... đất phì nhiêu, ngả vào đâu cũng được cái ăn” [23,83] thì họ lại phải chiến đấu với từng đàn gấu, hổ, báo trên rừng, cá sấu, thuồng luồng, con giải dưới nước. Dần dần, bằng sức mạnh và mưu trí của con người, cuộc sống đã trở nên bình yên “người ta thong dong đi phá bãi, trồng củ từ, tra ngô”, “làng xóm mọc như bát úp”... Sự trù phú, yên bình được gây dựng nên từ chính bàn tay và khối óc của con người.

Tiếp nối ý chí của bố mẹ, Chử lại xuôi theo dòng sông trở về quê cũ. Những ghềnh thác nơi cha mẹ từng vượt qua, giờ Chử cũng vượt qua. Có những đoạn “con sông bị chặt khúc, vùng vằng lao thẳng vào cánh núi, bọt nước bốc lên một làn sương phủ mờ. Nước xiết, tiếng kêu, tiếng gào, tiếng

gầm rú, như tiếng ốc đinh tai”, “con thuyền lăn lộn giữa dốc đá” nhưng Chử vẫn bình tĩnh “ngồi ngay ngắn, thoăn thoắt múa sào, đâm, đẩy các vách núi, hai bên, dưới lòng. Có lúc ngụp giữa làn nước. Tưởng cả người cả thuyền đã tan tành. Một chốc, lại thấy thình lình ngoi ra dưới kia. Chử vẫn y nguyên, cánh tay gân nổi cuồn cuộn, như nối vào chiếc sào chống vào đá, đẩy lách

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 48 - 70)