Truyện viết cho thiếu nhi trong Văn học Việt Nam hiện đại

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 33 - 36)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Truyện viết cho thiếu nhi trong Văn học Việt Nam hiện đại

Nhìn lại quá trình lịch sử văn học Việt Nam, có thể thấy văn học thiếu nhi luôn đồng hành cùng văn học dân tộc. Đây là một bộ phận xuất hiện từ rất sớm, từ những bài vè, bài đồng dao, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn. Đến đầu thế kỷ XX, văn học thiếu nhi đã có những bước phát triển đầu tiên, đánh dấu mình trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ngay từ những năm đầu đã có những tác phẩm có giá trị như: Chân tướng quân của Phan Bội Châu viết năm 1917. Tiếp theo đó là thành công của nhiều tác giả như Phạm Hồng Thái, Tản Đà, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Nhật Ánh...

Trước Cách mạng, nhóm Tự lực Văn đoàn cũng có nhiều sách dành cho thiếu nhi như Tuổi xanh, Sách hồng... Tú Mỡ viết Tấm Cám, Nam Cao viết Bài học quét nhà, Thạch Lam có Hai đứa trẻ, Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu kí, Nguyên Hồng với Những ngày thơ ấu... Nhìn chung, ở thời kỳ này thể loại truyện dành cho thiếu nhi chưa nhiều và cũng chưa có nhiều đề tài phong phú.

Sau Cách mạng tháng Tám, truyện dành cho thiếu nhi có những bước phát triển mới, thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều nhà văn, nội dung và đề tài phong phú, toàn diện hơn. Chủ đề chính của những sáng tác cho thiếu nhi

thời gian này là những tấm gương dũng cảm của các em, công sức của các em trong sự thắng lợi của cuộc kháng chiến - công sức lớn lao của những con người nhỏ tuổi. Nhiều những tác phẩm nổi tiếng như: Hai bàn tay chiến sỹ,

Điện Biên của chúng em, Tìm mẹ của Nguyễn Huy Tưởng, Chú Giao làng Sen của Nguyễn Tuân, Dưới chân cầu mây của Nguyên Hồng, Hoa Sơn của Tô Hoài hay bài thơ nổi tiếng Lượm của Tố Hữu... Mọi tác phẩm đều hướng đến giáo dục lòng dũng cảm, đề cao sự mưu trí, thông minh và khẳng định vai trò to lớn của các em thiếu nhi trong cuộc kháng chiến của đất nước.

Đề tài kháng chiến chống Pháp vẫn tiếp tục được khai thác dù cuộc kháng chiến đã thành công. Vẫn có nhiều tác phẩm ca ngợi những tấm gương anh hùng nhỏ tuổi như: Vừ A Dính (Tô Hoài), Cái Thăng (Võ Quảng), Đội du kích thiếu niên Bình Đảng (Xuân Sách), Đất rừng Phương Nam (Đoàn Giỏi)... Cho đến những năm 60 của thế kỷ XX, khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới, văn học nói chung và truyện cho thiếu nhi nói riêng cũng hòa chung vào không khí đó. Lúc này xuất hiện nhiều tác phẩm ca ngợi những con người mới, những lao động chân chính giáo dục các em rèn luyện mình trở thành những người hữu ích trong tương lai: Chú bé sợ toán

(Hải Hồ), Mái trường thân yêu (Lê Khắc Hoan)... Các tác giả còn chú trọng đến việc nhắc nhở các em về truyền thống của dân tộc. Năm 1960, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã có những tá phẩm xuất sắc về đề tài này: Lá cờ thêu sáu chữ vàngKể chuyện Quang Trung.

Khi đất nước đã hòa bình nhưng dấu ấn chiến tranh dường như vẫn không nhạt đi trong các trang viết của các nhà văn. Các tác giả chủ yếu viết về kỉ niệm tuổi thơ thời kháng chiến chống Pháp như: Võ Quảng với Tảng sáng, Nguyễn Quang Sáng với Dòng sông thơ ấu. Với cuộc kháng chiến chống Mỹ, tác giả Nguyễn Thị Như Trang viết Hoa cỏ đắng, Dương Thu Hương viết

Hành trình ngày thơ ấu, Quang Huy viết Ngôi nhà trống, Ma Văn Kháng viết

Côi cút giữa cảnh đời.

Truyện dành cho thiếu nhi từ sau năm 1975 thực sự có nhiều những chuyển biến quan trọng. Với khả năng phản ánh xã hội trong phạm vi rộng lớn, với sự phong phú của các dạng loại biểu đạt, mô tả và tính phổ cập của nó, truyện dễ cập nhật với những đổi mới của xã hội... “Truyện thiếu nhi đã tiếp cận trực tiếp với cuộc sống mới sôi động từ nhiều phương hướng, đã quan tâm đến trẻ em một cách toàn diện, không chỉ trong học tập, lao động, chiến đấu mà cả trong cuộc sống bình thường hàng ngày, không chỉ ở phương diện một công dân mà còn ở phương diện một đứa trẻ, một nhân cách” [32,8]. Tác giả Tô Hoài khi nhận xét về những chuyển biến của truyện thiếu nhi giai đoạn này đã nói: “Các tác giả đã mạnh dạn đưa bạn đọc vào bao nhiêu phức tạp của đời thường, đã giúp bạn đọc tuổi thơ nhìn nhận thế nào, quan niệm thế nào trước những khó khăn và đau khổ đời người” [19,2-3]. Viết về cuộc sống mới khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các nhà văn chú ý nhiều tới vấn đề đạo đức con người, đặc biệt là những người nhỏ tuổi trước những đổi thay của cuộc sống. Những hoàn cảnh éo le, những bản tính riêng của từng nhân vật được chú ý khắc họa. Ở Tình thương, lần đầu tiên Phạm Hổ đã đưa ra một cái nhìn khách quan trong mô tả nhân vật. Mỗi nhân vật là một nét tính cách, một hoàn cảnh, một đời sống nội tâm riêng. Và mỗi nhân vật, cũng vì thế mà có những quá trình phát triển riêng của mình. Hay như ở Chú bé có tài mở khóa, tác giả Nguyễn Quang Thân đã xây dựng nhân vật Hùng “quăn” với nhiều nét tính cách trái ngược nhau: ham chơi, ngại học, nổi tiếng với chùm chìa khóa vạn năng đi ăn trộm nhưng lại luôn mủi lòng, thông cảm với nỗi bất hạnh của người khác... Có thể nói rằng, cuộc sống và con người giai đoạn này đang được các tác giả nhìn nhận ở nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau, thể hiện một cuộc sống đầy đặn hơn.

Một trong những đề tài thu hút nhiều quan tâm của các nhà văn là sáng tác lại những câu chuyện dân gian, truyện lịch sử gắn với huyền thoại, phong tục và văn hóa. Võ Quảng, Phạm Hổ, Tô Hoài là những tác giả thành công với mảng đề tài này. Những câu chuyện nối liền xưa và nay, truyền thuyết và hiện thực, dựng lại không khí của những buổi sơ khai dựng nước mang lại nhiều hứng thú cho độc giả nhỏ tuổi. Đồng thời cũng mang đến nhiều bài học quý báu về, quý trọng truyền thống, cội nguồn, lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với những người xây dựng và bảo vệ đất nước.

Như vậy, có thể khẳng định truyện dành cho thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu của văn học thiếu nhi nói riêng và văn học dân tộc nói chung. Nó làm nên diện mạo của văn học mỗi dân tộc. Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, bộ phận văn học này luôn được quan tâm hàng đầu. Đối tượng hướng đến là những độc giả lứa tuổi nhỏ, những nhân cách đang cần được phát triển và hoàn thiện. Bởi vậy, văn học dành cho thiếu nhi đóng một vai trò đặc biệt quan trọng để làm cho những mầm non đó lớn lên. Văn học Việt Nam với bộ phận văn học thiếu nhi, đặc biệt là truyện thiếu nhi đã hoàn thành tốt sứ mệnh đó của mình.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w