7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Tình huống phiêu lưu
Đóng góp của Tô Hoài trong các tác phẩm dân gian viết lại không chỉ là xử lý chất liệu dân gian, rút ngắn khoảng cách giữa những câu chuyện trong truyền thuyết với đời sống mà còn là việc sáng tạo ra những tình huống phiêu lưu để các nhân vật qua đó bộc lộ mình. Mỗi một câu chuyện là một tình huống phiêu lưu khác nhau. Những chuyến xuôi ngược dòng sông Cái của các thế hệ trong gia đình Chử thực sự là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn của những con người suốt một đời gắn bó cùng sông nước. Tiếp nối ý chí cha ông, cuộc phiêu lưu của Chử về với bến Tự Nhiên và tìm ra cửa bể trải qua biết bao gian nan, vất vả. Nhưng trong chính những chuyến đi đó, phẩm chất gan dạ, sáng tạo của nhân vật mới được bộc lộ rõ nét nhất. Cũng từ những chuyến đi mà khát vọng chinh phục thiên nhiên, khát vọng xây dựng những miền đất mới. Cuộc phiêu lưu của Nàng Dong dù không gian nan, vất vả, không phải vượt qua nhiều những thử thách nhưng lại thể hiện rõ nhất tính cách của một con người yêu tự do, yêu quê hương, đất nước và đặc biệt yêu vô cùng nền văn hóa Việt. Cuộc gặp gỡ nên duyên của Chử và nàng Dong là kết thúc đẹp của một chặng đường phiêu lưu và mở ra những chặng phiêu lưu mới. Ở đó trí tuệ, sức mạnh và lòng dũng cảm và khát vọng khám phá, chinh phục thử thách của con người được khẳng định.
Chất phiêu lưu rõ nhất được thể hiện trong Đảo hoang. Đó là sự kiện bị đày ra đảo hoang của gia đình An Tiêm. Những cuộc tìm kiếm nơi có nước, có thức ăn và nơi có thể làm nhà ở là những cuộc phiêu lưu đầy gian khổ thử thách sự kiên cường của con người. Ban đầu, An Tiêm cùng vợ con sống trong một mỏm đá sát bờ biển. Nhưng nơi đó đầy sóng gió và không có thức ăn, họ lại cùng nhau kiếm tìm một chỗ mới. Mỗi lần tìm kiếm là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà ở đó sức mạnh và niềm tin của mỗi người trong gia đình An Tiêm được khẳng định. Đặc biệt, cuộc phiêu lưu của Mon để lại nhiều ấn tượng sâu đậm nhất. Mon bị lạc cũng là lúc cậu bé dũng cảm này bắt đầu một cuộc khám phá và chinh phục đảo hoang. Chi tiết tìm cái ăn dưới biển, làm nhà gần suối, tìm suối vàng làm dao, nuôi và làm bạn với gấu... thực sự là những thành công được làm nên bởi lòng dũng cảm của Mon. Cuộc phiêu lưu của Mon đã tạo nên sức cuốn hút đặc biệt đối với người đọc, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi.
Tuổi thơ của nhân vật Tàm trong Chuyện nỏ thần cũng là một tình huống phiêu lưu. Khi cha mẹ Tàm bị giặc giết, Tàm sợ hãi, cứ chạy mãi, chạy mãi, đến khi vào rừng lúc nào không hay. Từ đó, Tàm sống cùng bầy vượn. Tàm cùng vượn đi hái quả ăn, sau nhiều năm về làm nàng hầu công chúa. Cuộc đời Tàm trải qua bao biến cố dữ dội. Nhưng cũng từ đó mà khát vọng sống của người con gái này càng mãnh liệt hơn.
Cũng như tình huống thử thách, tình huống phiêu lưu cũng là thuốc thử cho nhân vật bộc lộ phẩm chất của mình. Tô Hoài đã thành công khi dùng thứ thuốc thử này trong tác phẩm của mình.