Khái niệm nhân vật văn học

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 73)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Khái niệm nhân vật văn học

Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là “cách thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng”, là “phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của tác phẩm ấy, quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa phương tiện ngôn ngữ, thậm chí cả kết cấu nữa”. Xây dựng nhân vật văn học là một công việc quan trọng hàng đầu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Vậy khái niệm nhân vật văn học được hiểu như thế nào?

“Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh, Thúy Kiều, Kim Trọng, Chị Dậu, anh Pha, AQ, Ácpagông, Gia Cát Lượng, Tôn Ngộ Không... Đó là những nhân vật không tên như thằng bán tơ, một mụ nào... Đó là những con vật trong cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật mang nội dung và ý nghĩa con người... Khái niệm nhân vật có khi được sử dụng một cách ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Chẳng hạn, có thể nói nhân dân là nhân vật chính của Chiến tranh và hòa bình, chiếc quan tài là nhân vật chính của truyện Chiếc quan tài của Nguyễn Công Hoan. Nhưng chủ yếu vẫn là hình tượng con người trong tác phẩm” [31,277].

Nhân vật văn học là một nhân vật nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống. Mỗi nhân vật đều được xây dựng trên những “công thức” bao gồm cái tên, tiểu sử, nghề nghiệp hoặc một đặc điểm riêng nào đó. Chẳng hạn, ở truyện Trương Chi, đó là “Ngày xưa có anh Trương Chi. Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay”...

Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát những quy luật cuộc sống của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kỳ vọng về con người. Hay nói cách khác, nhân vật văn học là sự khái quát tính cách

của con người. Trong Nghệ thuật thi ca, Arixtốt viết: “Tôi hiểu tính cách là cái lí do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một cái tên nào đó”. Tính cách là đặc điểm, khuynh hướng xã hội và là quy luật hành động của nhân vật. Do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sử nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sử. Trong thời cổ đại xa xưa, nhân vật văn học của thần thoại, truyền thuyết thường khái quát năng lực và sức mạnh của con người (Nữ Oa đội đá vá trời, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng...). Ứng với xã hội phân chia giai cấp, nhân vật của truyện cổ tích lại khái quát những chuẩn mực giá trị đối kháng trong quan hệ giữa người với người như thiện với ác, trung với nịnh, thông minh với ngu đần...

Vì tính cách là kết tinh của môi trường nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các thế giới khác nhau của đời sống. Qua tính cách của một nhân vật, người đọc nhận ra môi trường mà nhân vật tồn tại và phát triển trong đó như thế nào. Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.

Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật khác. Cho nên nhân vật luôn luôn gắn liền với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua xung đột, mâu thuẫn nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất quá trình. Nó luôn hứa hẹn những điều sẽ xảy ra, những điều chưa biết trong quá trình giao tiếp. Đồng thời, nhân vật văn học còn mang tính chất hồi cố, bởi vì mỗi bước phát triển đều làm nhớ lại cái “công thức” ban đầu, làm cho nó sâu thêm, điều chỉnh cho nó xác đáng hơn trên cái nền cũ. Nhân vật văn học chính là con người được thể hiện bằng phương tiện văn học. Nội dung của nhân vật văn học nằm ở sự thể hiện của nó [10,279].

Tóm lại, nhân vật văn học là hình thức khái quát đời sống. Đọc tác phẩm cần tìm hiểu hết nội dung đời sống và nội dung tư tưởng thể hiện trong nhân vật [10,282].

Từ những góc độ khác nhau có thể chia nhân vật văn học thành nhiều loại khác nhau:

Dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ.

Dựa vào đặc điểm của tính cách, việc truyền đạt lí tưởng của nhà văn, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.

Dựa vào thể loại văn học ta có nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình và nhân vật kịch.

Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng.

Tuy nhiên, nhân vật trong các tác phẩm văn học là vô cùng đa dạng và ranh giới để phân loại nhân vật không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vì vậy, việc phân chia nhân vật thành các loại cũng mang tính chất tương đối.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w