Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 93 - 102)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật

Ngoại hình là một khái niệm chỉ tất cả những gì tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, đó là hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… Ngoại hình của nhân vật là một gợi ý cho việc tìm hiểu nhân vật. Ngoại hình của nhân vật có thể được khắc họa trực tiếp thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện, cũng có thể được miêu tả qua cái nhìn, sự đánh giá của các nhân vật khác trong tác phẩm. Nhà văn có thể tập trung miêu tả ngoại hình của nhân vật trong một đoạn văn, cũng có thể miêu tả rải rác ở các chương, các đoạn, các tình huống và hoàn cảnh khác nhau của nhân vật. Để nêu bật đặc điểm tính cách, thần thái của nhân vật và giúp cá biệt hóa các nhân vật, nhà văn phải chọn được các chi tiết tiêu biểu về ngoại hình.

Nếu Nam Cao, Thạch Lam thường đi sâu miêu tả thế giới bên trong của nhân vật thì Tô Hoài lại có biệt tài miêu tả ngoại hình nhân vật. Khi miêu tả ngoại hình của các nhân vật, Tô Hoài đã quan sát rất kĩ, tìm ra đặc điểm riêng và vận dụng vốn ngôn ngữ đời sống phong phú của mình để lột tả nhân vật.

Dù tác phẩm ít hay nhiều nhân vật, đối tượng nhân vật giống hay khác nhau thì ta đều tìm thấy bộ mặt riêng của mỗi nhân vật.

Chàng Chử (Nhà Chử) được tác giả miêu tả thông qua cái nhìn của nhiều nhân vật khác nhau và ở những thời điểm khác nhau. Cách miêu tả này làm cho nhân vật hiện lên toàn diện hơn. Trong buổi hoàng hôn, khi bước từ sông lên bãi, nhân vật được miêu tả “trần trùng trục, đóng khố một, sợi thừng thắt lưng buộc con dao. Người dưới sông lên mà dắt dao đi rừng khác kiểu cách người các bến dưới đây” [23,22] làm cho người dân trên bến không khỏi ngạc nhiên. Sáng hôm sau, “ban nhày ban mặt ai nấy mới trông rõ Chử người cao to, vạm vỡ, đứng bằng đầu cây cọ đương tuổi. Khuôn mặt rạng rỡ, cười nói như hoa nở” [23,30]. Dân làng nhìn Chử là “chàng trai lạ, người hiên ngang cao lớn như cây đình liệu. Chưa nhìn mà tưởng ra đã như thấy được dáng ngồi thảnh thơi trên chiếc độc mộc nhẹ nhõm như chiếc lá tre, mà khỏe bằng trâu, bằng voi” [23,46]. Còn trong con mắt của bà già bến quê, Chử “cũng cao cao thế, vành tai to như cánh dơi bà,... hai con mắt long lanh” [23,43]. Nét mặt ấy rất giống với ông Chử ngày trước gợi một niềm nhớ thương day dứt. Qua những ấn tượng của người dân trên bến, Chử hiện lên là một chàng trai sông nước khỏe mạnh, đầy sức sống.

Miêu tả vẻ đẹp của Nàng Dong, Tô Hoài sử dụng phương pháp đòn bẩy. Ông miêu tả và ca ngợi vẻ đẹp mê hồn của người con gái Mường Nưa:

“Ở Mường Nưa có một nàng Bước chân dẻo như nai lượn Miệng nói vui hơn suối reo

Tóc dài, một bước, tóc leo lên gót Khuôn mặt lá trầu không

Da cổ trắng, rơi nước bọt vào còn thấy bọt Nàng ra suối, suối bỏ đường đi

Nàng ngồi bên lửa, lửa quên reo cháy Nàng vào rừng, nai quên theo đàn Hoẵng thôi chạy lang thang

Gấu lạc đến quấn quýt bên chân Nàng cất tiếng hát bên núi Voi đội ngà ra nghe

Nàng cất tiếng hát bên đá con đá mẹ Cá khếnh quên bơi

Cá trôi bỏ đàn vơ vẩn

Nàng cất tiếng hát bên rừng Chim quên ăn trái xanh trái chín”

Và đưa ra kết luận “nhưng Nàng Dong con vua chủ còn đẹp hơn người đẹp Mường Nưa nhiều” [23,10]. Không cần phải miêu tả chi tiết, tỉ mỉ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nàng Dong đẹp như thế nào.

Mai An Tiêm trong Đảo hoang “Mình lẳn mình trắm. Đôi mày dựng ngược. Con mắt sắc. Nước da đỏ lịm như đồng hun. Một trang quắc thước, hiên ngang lạ lùng”. [23,156]. Có khi nhân vật hiện lên dưới con mắt và giọng điệu của người kể chuyện, cũng có khi người kể chuyện đóng vai trò là nhân vật miêu tả về nhân vật khác trong truyện. Mai An Tiêm dưới cái nhìn của người kể chuyện là một trang anh hùng, một người có sức khỏe vô song, thần thái hiên ngang, từ bé “đã dày dạn lắm, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt”, lớn lên Mai An Tiêm trở thành người có chí khí, sống độc lập và luôn tin vào khả năng của mình, nhưng chàng cũng là một người giàu tình cảm, yêu thương và che chở cho vợ con hết mực “An Tiêm cười, quen tay xoa mớ tóc đuôi bò nhỏ mướt, lưa thưa trên đầu con gái”[23,196]. Trải qua bao nhiêu những gian truân, gia đình thất lạc nhưng tấm lòng, tình yêu dành cho nhau không thay đổi. Khi gặp lại nhau tình cảm ấy được khẳng định qua việc nhận

ra những đổi thay về mặt ngoại hình mà thời gian, cuộc sống vất vả đã tạo ra. An Tiêm đã để ý thấy Mon đã lớn “Mon đã cao bằng bố. Tóc nó đen nhánh, rối một nắm dài xuống quá lưng. Lông mày lông má trổ ra vàng xuộm như mặt con đười ươi...bắp chân nó nổi chão, nó đã trở nên người lớn thực sự” [23,376]. An Tiêm cũng nhận ra sự “tinh nhanh, tháo vát” của Mon và vui mừng vì con đã là một chàng trai khỏe mạnh. Trong niềm hân hoan vui mừng cùng bố trở về gặp mẹ và em, Mon cũng đã để ý tới bố, Mon thấy “bố đã già thật rồi”, sự già nua ấy thể hiện rõ nhất qua mái tóc, và bộ râu “tóc bố dài xõa giữa lưng, ngày trước dày đen một đệp, bây giờ chỉ thấy lơ thơ lốm đốm bạc. Hai bên tóc mai đã bạc hẳn như bông” rồi “râu ria mọc kín mặt, cả đến hai bên lông mày cũng đã có như giắt bông” [23,382]. Sự thay đổi đó chứng tỏ quãng thời gian bố con xa cách đã rất lâu, song Mon cũng nhìn thấy bên cạnh đó, bố vẫn khỏe mạnh như xưa “khắp mình các bắp tay, lốt xăm chàm mới vẫn vằn lên và răng bố đen nhoáng” và Mon biết “hằng ngày bố vẫn xuống biển săn cá, bước bố đi còn khỏe lắm, nhanh như vượn” [23,382]. Thời gian cũng mang lại nhiều thay đổi trên mái tóc mẹ: “tóc mẹ đã rụng thưa trên đỉnh đầu và bạc cả xuống hai mái”. Còn cái Gái thì “cao ngồng....mặt nó trắng hồng, hai mắt sáng tươi cười và mái tóc dài mượt xõa kín xuống tấm lưng trần lực lưỡng” [23,383-384].

Ngoại hình là vẻ bên ngoài của nhân vật, nhưng nó cũng thể hiện thần thái, tính cách của nhân vật, do đó Tô Hoài đã chọn lọc các chi tiết rất nhỏ, rất cụ thể để chỉ bằng mấy dòng có thể làm cho nhân vật đó hiện lên sắc nét, sinh động như thực.

Trong khi miêu tả ngoại hình của nhân vật, Tô Hoài thường chú ý nhiều đến miêu tả các chi tiết trên khuôn mặt. Tô Hoài chú ý đến An Tiêm ở “đôi mày dựng ngược. Con mắt sắc” rồi qua cái nhìn của Mon, Mon thấy bố “chỉ còn hai con mắt lay láy giữa bộ râu quai nón lốm đốm bạc mọc trùm lên

cả đuôi mắt”. Còn với Mon thì ánh mắt được miêu tả với nhiều sắc thái khác nhau, khi thì “mắt Mon rưng rưng”, lúc lại “mắt mở choàng, rồi khép như chờ đợi”. Cái gái thì “mặt nó trắng hồng, hai mắt sáng tươi cười”. Đặc biệt khi miêu tả về anh thợ chài chết đuối được gia đình Mai An Tiêm vớt lên, Tô Hoài đã tập trung miêu tả con mắt, thể hiện tất cả những cảm giác khác nhau của người này khi nhìn thấy gia đình An Tiêm. Khi người ấy dần dần tỉnh lại thì “hai mắt từ từ mở. Con mắt nhợt nhạt mở ra. Rồi lơ láo nhìn quanh”; rồi mấy ngày sau, “người này đờ đẫn, mặt trắng bệch ra như mặt nạ gỗ”, đặc biệt liên tiếp tác giả chú ý đến miêu tả con mắt người này khi họ dần dần tỉnh “hai con mắt hôm qua lim him nhắm, bây giờ cứ mở tráo trâng, không biết nhắm nữa. Mí mắt đã cứng lại, con ngươi dại đi, hai tròng mắt cứ trô trố muốn long ra. Suốt ngày, người ấy ngồi rục đầu một xó. Hai mí mắt lúc nãy căng rách, muốn rơi con ngươi xuống, bây giờ mới sụp lại, đóng khít lại” [23,411]. Qua các chi tiết miêu tả về khuôn mặt, đôi mắt như trên, ta biết được vốn ngôn ngữ phong phú của tác giả, tài quan sát, khả năng liên tưởng tuyệt vời. Ở mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống ta lại bắt gặp một đôi mắt khác nhau. Tác giả miêu tả những đôi mắt như “biết nói”, chúng thể hiện được hết thần thái, tính tình của nhân vật.

Bên cạnh việc miêu tả khuôn mặt và đôi mắt của các nhân vật, Tô Hoài cũng thường quan sát và khoác lên các nhân vật những bộ trang phục khác nhau, qua đó người đọc vừa nhận dạng nhân vật, vừa thấy được những nét bản sắc của từng vùng miền, từng thời kì. Khi miêu tả gia đình An Tiêm ở ngoài đảo, Tô Hoài đặc biệt chú ý đến vẻ “rách lướp tướp” như những con “ma rừng trần truồng, đóng khố, cái khố cỏ vàng sạm” của họ; dưới con mắt của người trai chài lưới thì mẹ con nàng Hoa hiện ra với trang phục “Những người đàn bà trần trùng trục, da đen nhánh, không giống da người. Những cái váy bùng nhùng, váy da dê núi hay da trăn” [23,407]; và cái Gái sau bao năm xa cách

anh Mon, giờ đây thể hiện vẻ dậy thì của mình qua “cái váy khép vạt cồng kềnh từng nan nâu nan mây vồng trước vồng sau” [23,383-384]. Trang phục mà những người trong gia đình An Tiêm khoác lên mình cho ta thấy cái hoang dã, thấy những khó khăn mà họ đang chịu đựng. Cách miêu tả của Tô Hoài có lúc cảm tưởng như thoáng qua, nhưng những nét vẽ đó gọn gàng ít khi thừa, đúng là có dụng ý nghệ thuật. Cách miêu tả ngoại hình của Tô Hoài chứng tỏ thế mạnh của ông trong việc khắc họa nhân vật. Và sở trường ấy có được là bởi ông luôn quan sát không ngừng nghỉ, lắng nghe không mệt mỏi, chăm chỉ học hỏi để hoàn thiện văn phong và tạo cho mình một phong cách riêng.

Trong Chuyện nỏ thần, để miêu tả Lý Ông Trọng, một cụ già đã ngoài

trăm tuổi nhưng vẫn có tầm vóc và sức khỏe khác thường, nhà văn đã chọn các chi tiết tiêu biểu về diện mạo: “một cụ già quắc thước. Tóc râu và lông mày bạc trắng. Cố cao lớn khác hẳn mọi người, đến độ trông như không phải người thật. Cố cởi trần, da mồi đỏ hắt. Hai hàm răng đen rức, vẫn chưa rụng chiếc nào. Con mắt cố sáng ngời...” [23,481]. Miêu tả vua Thục, vị thủ lĩnh của nhân dân Âu Lạc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược được nhà văn chú ý nhiều đến vóc dáng và trang phục: “vua Thục cao lớn, cằm bạnh râu quai nón rậm kín nửa mặt....Tóc xõa liền hàm râu quai nón” và luôn “mặc tấm áo chàm không dải, phanh ngực, hai ống tay xắn lên tận khuỷu” [23,567,587]. Đặc biệt, với nhân vật trung tâm Cao Lỗ “mình cao chín thước, tóc búi ngược, diện mạo cương nghị.... hai vai trần lực lưỡng.”[23,570,637] cho thấy phong thái lẫm liệt của một vị tướng chỉ huy quân đội. Hầu hết các nhân vật anh hùng trong các tác phẩm(anh hùng chống thiên tai, anh hùng mở mang bờ cõi, anh hùng chống giặc ngoại xâm) đều có chung một nét ngoại hình khác thường, lẫm liệt nhằm thể hiện sức mạnh, ý chí và nhấn mạnh thành công của các nhân vật đó.

Cùng với việc tập trung, khắc họa nhân vật ở ngoại hình, Tô Hoài cũng thường miêu tả hành động của các nhân vật. Không chỉ là yếu tố cần thiết để nhân vật bộc lộ tính cách, hành động còn là yếu tố thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Nó là mối dây liên kết các nhân vật trong cốt truyện. Đó là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hành động của nhân vật có khi được miêu tả thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện, cũng có khi qua ngôn ngữ của các nhân vật khác trong truyện. Và quan trọng là các hành động của nhân vật phải nhất quán, liền mạch trong một chuỗi, có thế thì tính cách mới bộc lộ rõ nét. Do đó bên cạnh việc mô tả hành động của nhân vật nhà văn còn phải để ý xâu chuỗi các việc làm đó theo một trình tự thống nhất trước sau phù hợp với quy luật tất yếu của đời sống.

Tô Hoài miêu tả hành động của nhân vật như là các bước để phát triển cốt truyện, đặc biệt trong các truyện dân gian viết lại. Do đó, các hoạt động của nhân vật thường diễn ra nhiều hơn là tâm lí. Từ hành động nhỏ nhặt, thường ngày, tới những hành động lớn chi phối tạo nên sự kiện trong cốt truyện.

Đảo hoang, khi kể về cuộc sống của gia đình An Tiêm ở đảo, tác giả miêu tả rất nhiều hoạt động của nhân vật trong đó tập trung vào nhân vật An Tiêm và Mon. Câu chuyện được kể theo hành động của gia đình An Tiêm trên đảo, từ lúc bước xuống thuyền, sau đó là hành trình chia nhau vào rừng đi tìm nước uống. Qua các hành động của nhân vật, cuộc sống của nhân vật và những khó khăn vất vả mà nhân vật phải chịu dần dần hiện ra. Một chuỗi các hành động của An Tiêm được mô tả: “bíu đá, nhón chân bước ra”, rồi “hai chân bước mò”, gặp cơn sóng thì “vội nằm xuống” và khi tìm được túi bánh thì “vác bổng lên một bên vai” và “ré chân trèo thốc lên”, sau đó “sờ xem nút buộc có chắc không”. An Tiêm và Mon đi xuyên vào rừng, An Tiêm “ngẩng lên nhìn những cây cọ” rồi không ngần ngừ chàng “tót lên một cây rậm và cao nhất (…)

cầm dao, vạch vào giữa bẹ cọ” và “đâm dao liền hai nhát vào nõn cọ”. Sau đó An Tiêm “bưng ngược”, “đặt lá”, rồi “phủ lên”. Hành động của An Tiêm là những hành động tìm cách để sinh tồn. Những hoạt động đó của An Tiêm là những chi tiết thúc đẩy sự vận động của cốt truyện, và qua đó thấy được bản tính của An Tiêm, đó là một con người không sợ chết, luôn thích nghi được với mọi hoàn cảnh, can đảm trước sự dữ tợn của thiên nhiên, sự hoang vu của biển đảo, luôn biết tìm ra cách để tồn tại. Bên cạnh việc mô tả hành động của An Tiêm, Tô Hoài tập trung bút lực thuật lại các hành động của Mon - người con trai nối được chí cha. Khi lưu lạc, sống một mình không có gì ngoài cái thang gỗ hỏng, Mon vẫn tìm được cách để sống tốt. Khi miêu tả hành động của Mon, tác giả dùng một loạt các động từ “cúi xuống, nhặt hòn cuội đập, hút hết hơn chục con ngán to”; “tước mo nang thành sợi”, “tìm được hòn cuội to, mài vạt đi một phía, làm con dao đá”; rồi Mon “chọn mấy cây tre to, đẽo hai đốt một làm ống đựng nước, vác ra suối, vục nước đem về”; “Mon cặm cụi làm lều ở, Mon xếp đá cao lên, dựng sáu cái cột sàn to. Và sau đó “tìm đẵn những tàu dứa dại, gỡ mạng lá dứa đã rữa ra thành xương lá, lấy dao đá đập dẹt lại”. Qua các hành động của Mon cũng giống như Mai An Tiêm, ta thấy các hoạt động đó được miêu tả một cách liên tục, phản ánh cuộc sống một mình của Mon trên đảo. Một chuỗi các hành động đó là để thích ứng với cuộc sống ngoài đảo và chuẩn bị cho sự trưởng thành, cho ngày gặp lại gia đình. Sự phát triển của cốt truyện không theo thời gian mà theo hành động của nhân vật. Qua hành động, ta thấy Mon là một chàng trai trẻ thừa kế được tính kiên trì, chăm chỉ, can đảm và đặc biệt là nghị lực phi thường của bố. Mon đã khẳng định bản lĩnh của mình trong hoàn cảnh gia khổ và khắc nghiệt nhất. Trong truyện, tác giả đặc biệt chú ý đến

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 93 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w