7. Bố cục của luận văn
2.3.3. Chủ trương mới của Đảng về chống, phá ấp chiến lược trong thời kỳ mới
Trước âm mưu, thủ đoạn và biện pháp tiến hành chiến tranh mới của Mỹ, tháng 12 năm 1963, Hội nghị trung ương lần thứ 9 ra Nghị quyết. Hội nghị đã tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh trong những năm qua và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam trong thời gian tới. Hội nghị đã đánh giá kết quả chung của hai năm qua ở miền Nam là: “Kế hoạch Staley – Taylor nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng đã bị thất bại: một nội dung quan trọng của kế hoạch đó là lập ấp chiến lược ở miền Nam không thực hiện được như chúng dự định, không những địch không gom được 2/3 dân vào ấp chiến lược mà những ấp chiến lược của chúng bị ta phá từng mảng lớn, nhiều ấp chiến lược đã biến thành ấp chiến đấu của ta” [66, tr.178-179]. Nghị quyết xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam vẫn là: “Đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đi đôi”, trong đó “đấu tranh chính trị đóng vai trò rất cơ bản và rất quyết định, đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định trực tiếp” [168, tr.827].
Xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, Hội nghị nhấn mạnh hai nội dung chủ yếu và cũng là hai mục tiêu phải quyết tâm đạt được. Đó là:
“- Tiêu diệt một bộ phận quân đội địch, tạo điều kiện làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân sự, chỗ dựa chính của đế quốc Mỹ và tay sai.
- Làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch, phá phần lớn ấp chiến lược, giành nhân, tài, vật lực cho cách mạng, làm chủ rừng núi và phần lớn đồng bằng” [168, tr.839-840].
có phá ấp chiến lược mới tạo điều kiện để tiêu hao sinh lực địch. Thực hiện hai nhiệm vụ này cũng làm thất bại âm mưu có tính chất chiến lược của địch đối với toàn bộ cuộc chiến tranh là kiểm soát nhân dân bằng ấp chiến lược và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta bằng lực lượng quân sự.
Để thực hiện nhiệm vụ chung trước mắt nói trên, Hội nghị đã chỉ rõ tám nhiệm vụ cụ thể cần phải thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ chống, phá ấp chiến lược đặc biệt được chú trọng. Sau khi nghe báo cáo về tình hình công tác chống, phá ấp chiến lược ở các địa phương miền Nam, Hội nghị đã nhận định: “Mấy tháng gần đây, ở đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là miền Trung Nam Bộ, ta thành công lớn trong việc phá hàng loạt ấp chiến lược của địch. Điều đó chứng minh khả năng to lớn của lực lượng chính trị và quân sự của nhân dân trong việc phá ấp chiến lược, chứng minh sự phá sản không thể tránh khỏi của “quốc sách ấp chiến lược” của địch” [66, tr.192].
Hội nghị cũng chỉ rõ: hiện nay, địch tuyên bố không từ bỏ “quốc sách ấp chiến lược” và có thể sẽ cố gắng đem toàn lực để củng cố ấp chiến lược. Để làm việc đó, địch dùng nhiều chính sách kìm kẹp ác liệt với nhiều thủ đoạn mị dân, nhưng chủ yếu vẫn dùng lực lượng quân sự. Đồng thời cũng chỉ rõ chỗ yếu của địch là: càng bị thất bại, càng phải dùng một số binh lực khá lớn để giữ ấp chiến lược. Điều đó làm cho chúng lâm vào thế phải phân tán lực lượng trên nhiều tuyến và diện rộng. Lập ấp chiến lược là cố gắng tạo thế mạnh, nhưng trái lại trước sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh của nhân dân ta, ấp chiến lược lại trở thành chỗ yếu của địch và là nơi dễ đánh phá. Vì vậy, đến lúc phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh đấu trang vũ trang trong phá ấp chiến lược; phá ấp chiến lược phải phát triển song song với phát động chiến tranh du kích làm tan rã dân vệ, làm tê liệt quân địa phương và hạn chế quân chủ lực của địch, phải biết sử dụng hết khả năng của lực lượng quân sự kết hợp đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân và công tác binh vận.
Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 9 là sự tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và cụ thể hóa đường lối cách mạng miền Nam cho phù hợp với tình hình mới. Vấn đề được Hội nghị nhấn mạnh nhất là phải “xây dựng bộ đội chủ lực, tạo quả đấm đủ sức mạnh đánh bại lực lượng nòng cốt của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là quân đội chính quy ngụy, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi quyết định”[66, tr.208].
Quán triệt tinh thần của Trung ương, tháng 3 năm 1964, Trung ương Cục họp Hội nghị lần thứ 2. Hội nghị đã đánh giá tình hình khẳng định những thắng lợi của quân và dân miền Nam, cũng như những thất bại của địch trong thời gian qua. Hội nghị khẳng định: ta
có thời cơ thuận lợi hơn trước nhiều, với sức và thế đang lên, với những kinh nghiệm đã có, với sự nổ lực quyết tâm của ta, được sự chi viện ngày càng tăng của miền Bắc, chúng ta có khả năng không những đánh bại kế hoạch Staley – Taylor mà còn có thể tranh thủ thời cơ phát triển phong trào và thực lực của ta, tiến tới đánh tiêu diệt tan rã từng bộ phận quân đội địch, phá rã về căn bản hệ thống ấp chiến lược của địch, làm thay đổi căn bản so sánh giữa ta và địch, giành thắng lợi quyết định. Hội nghị cũng xác định nhiệm vụ trong năm 1964 là phải kiên quyết đánh bại kế hoạch Johnson - Mc.Nammara, làm cho mưu đồ tập trung quân tấn công trọng điểm gom dân lập ấp chiến lược bị thất bại, khẩn trương xây dựng lực lượng của ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang, tạo ra những điều kiện cần thiết để sang năm 1965 có thể mở ra cục diện mới của phong trào tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Về công tác chống, phá ấp chiến lược, Hội nghị nêu ra yêu cầu trong năm 1964: “phải bẽ gãy những mũi lấn chiếm gom dân lập ấp chiến lược của địch vào vùng ta kiểm soát, san bằng đại bộ phận khu ấp chiến lược trong vùng tranh chấp và chuyển thành xã chiến đấu, phá lỏng nặng hầu hết các ấp chiến lược trong vùng địch còn kiểm soát ở nông thôn… Cần gắn liền yêu cầu phá ấp chiến lược với các yêu cầu mở rộng vùng, đẩy mạnh phong trào dân chủ và đấu tranh chính trị, động viên nhân tài vật lực để xây dựng và phát triển lực lượng” (Nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai (tháng 3 năm 1964) – dẫn lại theo [82, tr.180].)
Để thực hiện chủ trương trên, Trung ương Cục cụ thể hóa 6 công tác cụ thể trước mắt trong Chỉ thị gửi cho các Khu ủy trực thuộc. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: “Chống phá ấp chiến lược là công tác trọng tâm hàng đầu phải ra sức thực hiện. Ngay trong lúc địch đang đặt kế hoạch, đang điều quân và làm thí điểm, ta phải tập trung sức thọc sâu vào các khu ấp chiến lược phá mạnh mẽ, đều khắp, phá thường xuyên, phá đợt, phá mảng, phá cả hình thức lẫn nội dung làm cho địch không kịp trở tay ngay từ đầu. Hiện nay, sau đảo chính và trước khí thế mạnh mẽ của phong trào chính trị vũ trang của ta, địch trong các khu ấp chiến lược đang hoang mang dao động, nhiều nơi tê liêt, ta lại sẳn có nhiều kinh nghiệm phong phú là điều kiện thuận lợi cho chúng ta đẩy mạnh công tác này ... ấp chiến lược phá đến đâu cần xây dựng ngay thành xã chiến đấu chuyển thành thế đấu tranh chính trị, không để chúng khôi phục lại thế kìm kẹp”(Nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai (tháng 3 năm 1964) – dẫn lại theo [82, tr.182].).
Ngoài ra, để hỗ trợ tích cực cho công tác chống, phá ấp chiến lược trong tình hình mới, Trung ương Cục còn đề ra những kế hoạch chi tiết, cụ thể về công tác binh vận, về công tác vũ trang, công tác phát động phong trào nổi dậy của nông dân.
Quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 9, Nghị quyết của trung ương Cục tháng 3/1964, Ban thường vụ Tỉnh ủy họp và đề ra chủ trương: “Kiên quyết tập trung lực lượng đối phó và đánh bại âm mưu bình định chiếm đóng của địch, hướng chính là Gò Công và tuyến lộ Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Yêu cầu của đánh phá bình định là tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch ngay từ khi chúng mới chiếm đóng. Vì tương quan lực lượng ta không thể có khả năng giữ vững toàn bộ vùng giải phóng nên cố gắng hạn chế việc chiếm đóng tràn lan của địch. Đối với những đồn bót chiếm đóng thì phải tổ chức lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận tại chỗ tấn công bao vây ngay từ đầu, để khi địch chiếm đóng xong là ta bao vây không cho địch bung ra hoạt động quấy phá, giữ thế làm chủ sát đồn; xây dựng và phát triển lực lượng ba mặt tại chỗ như du kích mật, du kích ngầm, du kích thoát ly, các tổ chức binh vận, các tổ chức đoàn thể mật. Phân công một số đảng viên có điều kiện ra sát đồn địch để lãnh đạo quần chúng tấn công bao vây địch” [14, tr.133].
Thực hiện chủ trương trên, các Huyện ủy trên địa bàn Mỹ Tho nhanh chóng triển khai và quán triệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đẩy mạnh phong trào cách mạng trên địa bàn. Các lực lượng vũ trang đã tích cực xây dựng, và củng cố. Tháng 4 năm 1964, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 514 của tỉnh được củng cố và bổ sung quân số lên gần 500 cán bộ, chiến sĩ được trang bị mạnh. Các huyện, thị xã trên địa bàn Mỹ Tho đã xây dựng và củng cố được 1 đại đội bộ đội địa phương mạnh có quân số từ 150 – 200 quân. Các cấp tỉnh, huyện, xã đã xây dựng các đơn vị binh chủng đặc công, công binh, trinh sát, biệt động. ..