7. Bố cục của luận văn
1.3.2. Phong trào Đồng Khởi ở Mỹ Tho trong những năm 1959 – 1960
1.3.2.1. Nguyên nhân và điều kiện lịch sử dẫn tới phong trào Đồng Khởi
Trong gần 4 năm, Mỹ - Diệm tăng cường đàn áp khốc liệt phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Ở Mỹ Tho, chính quyền Diệm đẩy mạnh việc kiện toàn bộ máy kiềm kẹp, tổ chức lại bộ máy hành chính. Ngày 1 tháng 3 năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh sáp nhập Mỹ Tho với tỉnh Gò Công đặt tên là tỉnh Định Tường. Từ đó, Mỹ Tho là phần phía tây của tỉnh Định Tường. Đồng thời, chúng đưa những tên tay sai đắc lực, có kinh nghiệm “tố cộng diệt cộng” về thay thế các chức vụ chủ chốt. Đó là Nguyễn Trân thuộc Đảng cần lao nhân vị, có kinh nghiệm “tố cộng diệt cộng” ở Bình Định về làm Tỉnh trưởng Định Tường, Nguyễn Trung Long làm Quận trưởng Châu Thành, La Khánh Hà làm Quận trưởng Chợ Gạo, Nguyễn Đỉnh Xướng làm Quận trưởng Cai Lậy [14, tr.39].
Đảng bộ ở tỉnh Mỹ Tho nói chung ở vùng Mỹ Tho nói riêng bị thiệt hại vô cùng to lớn. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập 2, “Từ giữa năm 1957 đến giữa năm 1958, tình hình ở Mỹ Tho hết sức khó khăn. Hơn 2000 cán bộ, đảng viên bị bắt tù đày hoặc phải đi nơi khác, một số hoang man, một số đầu thú làm cho Đảng bộ bị tổn thất nặng nề. Hệ thống cơ sở đảng ở xã bị đánh tan rã hoặc bị tê liệt,” [14, tr.46]. Tác giả Lê Hồng Lĩnh trong tác phẩm “Cuộc Đồng khởi kỳ diệu ở miền Nam” còn đưa ra con số thiệt hại cao hơn: “Ở Mỹ Tho (tên tỉnh – tác giả), từ tháng 10 năm 1957 đến tháng 5 năm 1958, địch bắn giết, bắt bớ, tù đầy gần 3.000 cán bộ, đảng viên, nòng cốt và quần chúng cách mạng. Đến cuối năm 1959 tại Mỹ Tho, lực lượng lãnh đạo ở cơ sở chỉ còn 9 chi bộ ( Châu Thành 7, Cái Bè 1, Chợ Gạo 1), 18 xã có từ 1 đến 2 đảng viên, 31 xã chỉ còn nòng cốt” [84, tr.97]. Như vậy, Mỹ Tho chỉ còn ba huyện còn chi bộ ở cơ sở, các đơn vị như thị xã Mỹ Tho, Cai Lậy, Châu Thành không còn chi bộ ở cơ sở.
Từ cuối năm 1959 đến năm 1960, Mỹ - Diệm càng tăng cường đàn áp phong trào cách mạng, khủng bố quần chúng nhân dân. Đỉnh cao là việc chính quyền Diệm ban hành Sắc luật 10/1959 công khai bắt bớ giam cầm quần chúng cách mạng, những người kháng chiến cũ mà chúng cho là “đe dọa đến an ninh quốc gia”; cán bộ, đảng viên, du kích bị truy lùng gắt gao, bị bắt giết hoặc phải đi “điều lắng”, hoặc mất liên lạc với tổ chức. Lực lượng
cách mạng và phong trào cách mạng đứng trước những khó khăn thử thách nghiêm trọng, bị tổn thất nặng nề.
Trước tình hình đó, Ban chấp hành trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 đề ra đường lối cách mạng miền Nam. Nghị quyết của Hội nghị - thường được gọi là Nghị quyết 15 đã xác định: “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến; thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [164, tr.183]. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam lúc này là dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực của kẻ thù, nghĩa là “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” [52, tr.47], [165, tr.84].
Tháng 11/1959, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy chủ trì để quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ cơ bản trước mắt của Đảng bộ Nam Bộ là “giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi và mạnh mẽ của quần chúng là chính, đồng thời kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống chính sách tàn bạo, chính sách khủng bố vơ vét của Mỹ - Diệm, ngăn chặn đẩy lùi từng bước mọi chính sách của địch, đẩy vào thế bị động, cô lập hơn nữa về chính trị, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm” [165, tr.995-996]. Ngay sau đó, tháng 12 năm 1959, Khu ủy Khu VIII triệu tập Hội nghị mở rộng để phổ biến Nghị quyết 15 của Trung ương, Nghị quyết tháng 11/1959 của Xứ ủy. Đồng chí Nguyễn Minh Đường, Bí thư Khu ủy đã nói trước Hội nghị: “Trung ương đã cho đánh, đánh thẳng tay, không sợ bị kiểm thảo nữa. Toàn khu sẽ tấn công và nổi dậy đồng loạt thống nhất vào ngày 15 tháng 1 năm 1960” [18, tr.94]. Do tỉnh Mỹ Tho không có đại biểu tham dự nên tháng 1 năm 1960, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Xứ ủy, của Khu ủy khu VIII tại kinh Ba, Cái Bè. Hội nghị “chủ trương đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đánh đổ chính quyền cơ sở của địch, làm chủ nông thôn” [14, tr.61]. Sau Hội nghị, công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang được gấp rút tiến hành. Ở tỉnh thành lập Ban quân sự tỉnh, các huyện trên địa bàn Mỹ Tho cũng nhanh chóng thành lập Ban quân sự huyện.
1.3.2.2. Phong trào Đồng Khởi ở Mỹ Tho
Ngay sau khi có Nghị quyết của Xứ ủy, Khu ủy Khu VIII, cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre đã nổ ra. Mở đầu là ngày 17 tháng 1 năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp thuộc huyện Mỏ Cày đã tiến hành khởi nghĩa, tấn công đồn bót, tiêu diệt lực lượng phòng vệ dân sự của địch, diệt trừ ác ôn, giành quyền làm chủ. Từ ba xã điểm, phong trào nhanh chóng lan ra toàn huyện Mỏ Cày và toàn tỉnh Bến Tre. Sự kiện này đã tác động mạnh đến Mỹ Tho vì chỉ cách nhau bởi sông Tiền.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, nhân dân các huyện, thị trên địa bàn Mỹ Tho đã nhanh chóng nổi dậy, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi trên cả tỉnh. Khu vực đầu tiên nổi dậy là khu vực phía bắc lộ 4 tiếp giáp Đồng Tháp Mười thuộc ba huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành dọc theo kinh Nguyễn Văn Tiếp. “Ngày 24 tháng 2 năm 1960, phong trào Đồng Khởi ở Mỹ Tho bùng nổ. Các xã dọc theo kinh Nguyễn văn Tiếp, từ xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành đến xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, quần chúng nổi dậy với khí thế rầm rộ và tinh thần cách mạng sôi sục. Băng, cờ được treo lên cành cây, bên đường đi hoặc cắm trên bè chuối thả theo dòng sông. Ở huyện Châu Thành có cuộc tuần hành của hơn 1.000 người tham gia. Đêm 24 rạng 25 – 2 và liên tục nhiều ngày sau đó, ở nhiều xã trong tỉnh tiếng trống, mỏ xen lẫn tiếng pháo tre nổi lên liên hồi, nhiều cuộc míttinh, tuần hành được tổ chức ở từng ấp, xã” [14, tr.63]. Ở thị xã Mỹ Tho, cờ Đảng, truyền đơn xuất hiện khắp nơi. Sáng ngày 25 tháng 2, nhân dân thị xã đốt pháo vang dậy và thả bồ câu mang theo cờ Đảng lên bầu trời. Liên tiếp trong các ngày 25, 26, 27 tháng 2, nhiều cuộc bãi công, bãi thị đã nổ ra.
Cuối tháng 6 năm 1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho họp tại xã Tân Hòa Thành, huyện Châu Thành triển khai chỉ đạo của Khu ủy và tiếp tục chủ trương “phát động quần chúng nổi dậy mạnh mẽ bức hàng, bứt rút đồn bót địch, diệt ác ôn phá thế kìm kẹp, giải phóng xã, ấp, làm chủ nông thôn” [14, tr.65]. Nổi bật là cuộc mít tinh tại Ngã Sáu, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè trong đêm 20 tháng 7 để kỉ niệm ngày kí Hiệp định Genève. Cuộc mít tinh với khoảng 15.000 người tham dự, sau biến hành cuộc tuần hành khổng lồ kéo dài hơn 15 km trên bờ Kinh 28. Cuộc tuần hành có lực lượng vũ trang hỗ trợ làm cho hàng loạt đồn bót địch trong khu vực hoảng sợ bỏ chạy.
Rút kinh nghiệm và phát huy thắng lợi, các huyện thị trên địa bàn Mỹ Tho mở tiếp đợt từ 25 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10 năm 1960 – đợt chung của toàn Khu VIII.
Trong đợt này, các xã nam lộ của hai huyện Châu Thành, Cai Lậy nổ ra mạnh mẽ nhất. Chỉ trong 4 ngày 8 xã ở huyện Châu Thành và 11 xã ở huyện Cai Lậy quần chúng nổi dậy mạnh mẽ, diệt ác, phá thế kìm kẹp của địch, bao vây đồn bót, xây dựng lực lượng chiến đấu… Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, 7 xã vùng ven thị xã Mỹ Tho, quần chúng nổi dậy làm chủ từng bước (làm chủ ban đêm, làm chủ buổi chiều, khí thế mạnh lên thì làm chủ ban ngày). Ngày 27 tháng 9, địch cho các đơn vị bảo an mở 2 cuộc hành quân càn quét vào các xã của 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành, nhưng bị lực lượng vũ trang của ta chặn đánh phải rút lui.
Bên cạnh việc nổi dậy diệt ác phá tề ở thôn ấp, các cấp ủy Đảng trên địa bàn Mỹ Tho còn lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị với địch. Ngày 27 tháng 9, hơn 2.000 quần chúng biểu tình ở các xã Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành thuộc huyện Châu Thành kéo ra Tân Hiệp đấu tranh, buộc địch phải rút hai khẩu đại bác khỏi Tân Hiệp.
Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân thị xã Mỹ Tho vào ngày 29 tháng 9 năm 1960. Dưới sự lãnh đạo của Thị xã ủy, hơn 7.000 người tham gia cuộc biểu tình đòi chấm dứt các cuộc càn quét khủng bố, bỏ khu trù mật, đòi tăng lương cho binh lính và các quyền dân sinh, dân chủ khác. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của thị xã, khoảng 45.000 quần chúng ở ngoại ô và dọc theo lộ 4 kéo ra đường cùng làm tắc hơn 10 km đường trong 4 giờ. Sang ngày hôm sau, quần chúng tiến hành bãi thị để phản đối và đòi thả những người bị bắt. “Chợ Mỹ Tho thường ngày có từ 200 đến 300 người đi chợ buôn bán, nhưng buổi sáng hôm đó chỉ có từ 10 đến 20 người. Trước tình hình đấu tranh quyết liệt của quần chúng, Tỉnh trưởng Mỹ Tho buộc phải ra lệnh trả tự do cho những người bị bắt” [14, tr.68 -69].
Cuối năm 1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức Hội nghị mở rộng ở xã Tân Hòa Đông, huyện Châu Thành đánh giá cao phong trào nổi dậy trên địa bàn Mỹ Tho thuộc ba huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành, riêng Chợ Gạo thì phong trào còn tương đối yếu. Như vậy, so với phần Gò Công, trên địa bàn Mỹ Tho phong trào nổ ra mạnh mẽ hơn, đạt kết quả tốt hơn. Vì thế, Hội nghị, sau khi đánh giá tình hình chung toàn tỉnh, tiếp tục chủ trương đối với khu vực Mỹ Tho: “Các huyện Cái Bè, Châu Thành, Cai lậy và Chợ Gạo phải nâng cao phong trào lên mức tiêu diệt, bức hàng, bức rút đồn bót địch, kể cả các đồn bót và căn cứ lớn” [14, tr.70]. Hội nghị còn chỉ đạo: tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng tự vệ ở xã, ấp, xây dựng các ngành của chính quyền tự quản để quản lý vùng giải phóng; chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh và các huyện; thường xuyên tổ chức mít tinh, biểu tình để biểu dương khí thế nổi dậy của quần chúng.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 12 tháng 8 năm 1961, Tỉnh ủy tổ chức Đại hội đại biểu thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Mỹ Tho tại xã Bàn Long, huyện Châu Thành. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh, thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng. Tiếp đó, Ủy ban Mặt trận tổ chức buổi mít tinh ra mắt trước 25.000 quần chúng tại xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy. Chào mừng sự kiện Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh ra đời, phong trào nổi dậy của nhân dân diễn ra hết sức mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú như tập trung đưa đơn, đi chợ nhồi (tổ chức nhiều đoàn người tập trung đi chợ, số lượng người đi chợ đông hơn bình thường), mít tinh, biểu tình…
Tiêu biểu ngày 20 tháng 2 năm 1961, cuộc mít tinh của hơn 13.000 quần chúng tổ chức tại ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy để làm lễ ra mắt của Tiểu đoàn 514 tỉnh. Sau khi dự mít tinh, các đơn vị vũ trang về đóng ở xóm Cò, xã long Định, huyện Châu Thành thì sáng ngày 21 tháng 2, địch cho 2 đại đội phòng vệ số 41 và 42 càn vào, chúng bị các đơn vị vũ trang chặn đánh tiêu diệt một số tên và thu 20 súng.
Ở Cái Bè, đơn vị vũ trang huyện đánh diệt 1 trung đội cảnh sát địch và kết hợp trung đội vũ trang tỉnh đánh 2 xe nồi đồng (V.100) trên lộ 20 (Hậu Mỹ), sau đó phát động quần chúng nổi dậy bao vây Khu trù mật Hậu Mỹ suốt 3 ngày làm cho địch phải rút chạy. Khu trù mật Hậu Mỹ được giải phóng.
Cuối tháng 2 năm 1961, Tiểu đoàn 261 chủ lực Khu được thành lập, đứng chân trên địa bàn Mỹ Tho. Trung đội 514 kết hợp với trung đội huyện Cái Bè thành lập Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Lực lượng vũ trang cách mạng cũng phát triển nhanh chóng. Mỗi huyện, thị trên địa bàn Mỹ Tho đều 1 trung đội, mỗi xã đều có từ 1 đến 2 tiểu đội tự vệ chiến đấu.
Tháng 3 năm 1961, Tiểu đoàn 261 kết hợp Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 đánh diệt đồn Kinh Xáng, tổ chức phục kích diệt 1 đại đội bảo an ở xã Tân Hòa Thành. Ở phía nam lộ 4, đơn vị vũ trang tỉnh kết hợp với đơn vị vũ trang huyện Châu Thành phục kích diệt 1 trung đội địch ở khu phố Vĩnh Kim, sau đó phát động quần chúng bao vây, bức rút 15 đồn bót khác ở các xã Hữu Đạo, Bình Trưng, Dưỡng Điềm.
Qua phong trào nổi dậy trong Đồng Khởi trên địa bàn Mỹ Tho, với phương thức “phá hoang: lực lượng vũ trang chia nhau đi vận động quần chúng tổ chức biểu tình mít tinh trong phạm vi từng ấp, rồi lấy lực lượng ấp này lan ra thu hút lực lượng ấp khác” [173, tr.366- 367]. Cứ thế, từ một ấp lan ra toàn xã, từ xã này lan ra xã khác. Tuy cuối năm 1960, Tỉnh ủy kết luận: “ta giành được thắng lợi, song so với yêu cầu thì chưa đạt” [173, tr.367] nhưng qua phong trào Đồng khởi, nhân dân Mỹ Tho đã giành quyền làm chủ một vùng rộng
lớn, giải phóng khu trù mật Hậu Mỹ và hàng chục xã khác. Thế tiến công 3 mũi: quân sự, chính trị và binh vận hình thành. Lực lượng vũ trang có khả năng chống lại 1 tiểu đoàn đến 1 trung đoàn địch. Lực lượng tự vệ chiến đấu ở xã ấp kết hợp lực lượng chính trị, binh vận có khả năng bao vây, bứt rút, bức hàng đồn bót.
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi của nhân dân Mỹ Tho đã đưa phong trào cách mạng chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp, liên tục tạo ra thế và lực mới. Thắng lợi đó góp phần to lớn đẩy mạnh phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, tạo ra bước ngoặt mới có ý nghĩa làm thay đổi cục diện ở các tỉnh Trung Nam Bộ. Chính thắng lợi của nhân dân miền Nam nói chung, cũng như của nhân dân Mỹ Tho nói riêng đã buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt” hòng dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân.
1.4. Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và thực hiện “quốc sách ấp chiến lược” ở Mỹ Tho