7. Bố cục của luận văn
1.4.1. Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt”
Năm 1961, Kennedy lên làm Tổng thống Mỹ, tình hình chính trị và quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn xấu đi nghiêm trọng. Ở Miền Nam, sau phong trào Đồng Khởi, hình thái chiến tranh du kích cục bộ và khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện và ngày càng phát triển thành cao trào. Đảng chủ trương: “đẩy mạnh hơn nửa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự” [166, tr.163].
Chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ – Diệm bị phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam giáng cho một đòn chí mạng. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn gần như tan rã hoàn toàn, nhất là ở Nam Bộ, buộc chúng phải chuyển sang sử dụng bạo lực chiến tranh để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. “Ngày 11 tháng 5 năm 1961, Tổng thống Mỹ G.Kennedy quyết định chuyển từ chính sách “tố cộng, diệt cộng” sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt” [82, tr.52]. “Chiến tranh đặc biệt” là một trong ba cấp độ chiến tranh trong chiến lược toàn cầu của Mỹ lúc bấy giờ. Đó là chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và chiến tranh tổng lực.
Để thực hiện chiến lược này, Mỹ – Diệm chủ trương: - Tăng cường cố vấn và viện trợ.
- Mở rộng quyền hạn của phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự, bao gồm quyền hạn cố vấn và chi viện cho lực lượng bảo an, dân vệ.
- Tăng quân chính quy cho quân đội Sài Gòn lên 20 vạn, trong đó thành lập thêm 2 sư đoàn bộ binh, phát triển thêm lực lượng không quân và hải quân, cũng như các binh chủng khác nhằm đủ sức bình định nội địa và đủ khả năng kiểm soát vùng giới tuyến, biên giới và vùng biển tiếp giáp.
- Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phá hoại miền Bắc bằng biệt kích, do thám, gián điệp…
Đây là kiểu chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới, nhằm ngăn chặn sự nổi dậy và đàn áp phong trào cách mạng. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” được tiến hành ở miền Nam Việt Nam mở đầu bằng việc triển khai thực hiện Kế hoạch Staley – Taylor. Mục tiêu cơ bản của kế hoạch này là bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (từ tháng 6/1961 đến cuối năm 1962), gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Là giai đoạn cơ bản nhất của kế hoạch, nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng bằng nhiều biện pháp, chủ yếu nhất là biện pháp gom dân, lập “ấp chiến lược” hòng “tát nước bắt cá”, đánh phá cơ sở cách mạng ở nông thôn. Tăng cường lực lượng quân đội Sài Gòn và lực lượng yểm trợ Mỹ nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang còn non trẻ của cách mạng. Lập hệ thống cứ điểm dọc biên giới, giới tuyến nhằm ngăn chặn sự xâm nhập từ ngoài vào. Tăng cường hoạt động tình báo, gián điệp.
Gia đoạn 2: Phục hồi kinh tế, tăng cường quân đội Sài Gòn và tiếp tục phá hoại miền Bắc.
Giai đoạn 3: Phát triển kinh tế.
Mục tiêu của “chiến tranh đặc biệt” là dùng quân sự kết hợp chính trị, tâm lý, đàn áp kết hợp với mị dân nhằm cô lập, tiến tới tiêu diệt lực lượng vũ trang và cơ sở Đảng, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân, giành lại vùng nông thôn đông dân, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vành đai Sài Gòn. Trên cơ sở đó, đánh bại cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam, bóp chết phong trào cách mạng quần chúng giành thắng lợi trong thời gian ngắn.
Tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã đúc kết từ những kinh nghiệm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở Philippin, Malaysia,… và qua việc nghiên cứu những đặc điểm của chiến tranh du kích ở một số nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Họ cho rằng sức mạnh của lực lượng du kích ở các nước nông nghiệp lạc hậu chủ yếu xuất phát từ
phong trào nông dân, du kích nằm trong nhân dân như cá lội trong nước. Từ đó, họ đi đến kết luận rằng muốn thắng được du kích thì phải: “tát nước để bắt cá”.
Như vậy, “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang tiến hành ở miền Nam Việt Nam là chiến tranh phối hợp tác chiến giữa quân đội chính quy với các lực lượng không chính quy và lực lượng biệt kích người bản xứ dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ. Biện pháp chính của “chiến tranh đặc biệt” là hành quân càn quét của quân đội kết hợp với bình định gom dân, lập ấp chiến lược của lực lượng bảo an, dân vệ ở địa phương để làm nhiệm vụ bình định, kiểm soát các ấp chiến lược. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là loại hình chiến tranh phối hợp toàn diện các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý. Trong đó, việc thực hiện chính sách gom dân, lập ấp chiến lược được xem là công cụ chủ yếu, được ví là “xương sống” của chiến lược đó.