Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện chương trình “ấp Tân sinh”

Một phần của tài liệu cuộc đấu tranh chống, phá ấp chiến lược ở mỹ tho (tây tiền giang) 1961 1965 (Trang 90 - 93)

7. Bố cục của luận văn

2.3.2. Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện chương trình “ấp Tân sinh”

Ngay sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, ngày 16 tháng 11 năm 1963, chính phủ mới đã triệu tập một phiên họp về ấp chiến lược tại phòng họp Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, do Trung tướng Dương Văn Minh, chủ tịch “Hội đồng quân nhân cách mạng” làm chủ tọa với đầy đủ thành phần lãnh đạo chính phủ tham dự. Nội dung cuộc họp đã xem xét lại toàn bộ quá trình thực hiện ấp chiến lược, những ưu khuyết điểm và nguyên nhân thất bại, những tiêu chuẩn cũ cần phải thay đổi thế nào cho phù hợp với tình hình mới, và những đề nghị kế hoạch tương lai.

Trong cuộc họp đó, “Hội đồng quân nhân cách mạng” đã rút ra hai nguyên nhân dẫn đến thất bại trong quốc sách ấp chiến lược: Một là khuyết điểm làm quá nhanh và cưỡng bức dồn dân làm cho dân oán ghét. Hai là dân phải đóng góp nhiều cho chương trình xây dựng ấp chiến lược. Vì vậy, dân bất mãn không ủng hộ. Từ sự phân tích đó, chính quyền “Hội đồng quân nhân cách mạng” quyết định:

- Chương trình ấp chiến lược sẽ tiếp tục.

- Sẽ chấm dứt sự cưỡng bách định cư những gia đình trung thành. - Sẽ chấm dứt cưỡng bách lao động liên quan đến ấp chiến lược.

Để vạch ra một đường lối mới cho chương trình ấp chiến lược, Thủ tướng chính phủ Sài Gòn, Nguyễn Ngọc Thơ đã chỉ thị cho các tướng lãnh đi viếng thăm, kiểm tra tình hình

ấp chiến lược ở 12 tỉnh miền Tây từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 11 năm 1963. Sau khi kiểm tra các ấp chiến lược trên, các Tỉnh trưởng trình lên chính phủ: “tỉ lệ số ấp chiến lược có giá trị rất kém, nhứt là tại Kiên Giang (chỉ còn 37/197 ấp) nhưng trước kia không dám trình sự thật. Nay cần cho một thời gian cũng cố các ấp chiến lược còn yếu và bỏ số không thể tiếp tục nuôi dưỡng được để có đủ phương tiện giữ an ninh” [97, tr.1].

Sau khi các tướng lĩnh gặp gỡ, trao đổi với các “cán bộ ấp chiến lược” và đồng bào các tỉnh, tìm hiểu thực chất của quá trình thực hiện ấp chiến lược, chính quyền mới ở Sài Gòn nhận thấy: “Danh từ cũ “ấp chiến lược đã hoàn thành” và “sáu tiêu chuẩn” đang được coi như là cứng rắn, không phù hợp với cục diện xã hội đang phát triển” [98, tr.1].

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, sự phân loại ấp chiến lược cũng thay đổi: không phân chia theo ba loại: xanh, vàng, đỏ hay A, B, C như trước nữa. Giờ đây, “Sự chia vùng an ninh phải căn cứ trên sự hoàn bị hiện tại của các công sự phòng thủ, thái độ hiện hữu cũng như sự hưởng ứng của nhân dân và đời sống xã hội kinh tế tốt đẹp hiện tại của họ … Ấp chiến lược nào có đủ mấy tiêu chuẩn tối thiểu nhằm ba mục tiêu trên thì cần nên được xếp vào các ấp chiến lược thuộc vùng A. Những ấp không phòng thủ được và nhân dân có xu hướng theo Việt cộng thì cần xếp vào vùng C, còn dư thì cho vào vùng B. Vùng D thì sẽ dành cho các vùng có căn cứ Việt cộng và cho dân chúng bị lệ thuộc Việt cộng hoàn toàn” [98, tr.1].

Để tiếp tục thực hiện chương trình bình định giành dân, cũng cố lại lực lượng, ngày 5 tháng 3 năm 1964, Ủy ban bình định trung ương của chính quyền Sài Gòn đã gửi công điện cho địa phương yêu cầu xúc tiến mạnh mẽ chương trình ấp tân sinh với phương châm: “Duy trì những ưu điểm của chương trình ấp chiến lược cũ với những sửa đổi cần thiết” [99, tr.1]. Để phù hợp với chương trình bình định mới, chính quyền Sài Gòn đã thay đổi cả hệ thống tổ chức ấp chiến lược cũ. Ngày 9 tháng 3 năm 1964, Nguyễn Khánh đã ký sắc lệnh “Giải tán Ủy ban liên bộ đặc tránh ấp chiến lược và Ủy ban đặc tránh ấp chiến lược khu chiến thuật”, thay tên gọi ấp chiến lược bằng ấp tân sinh, lập Tổng nha tân sinh nông thôn làm công việc của Ban thường vụ ấp chiến lược. Cũng như ấp chiến lược trước đây, Chính phủ Sài Gòn gửi tài liệu diễn giải về ấp tân sinh đến tận cơ sở để học tập và thi hành.

Thực chất ấp tân sinh cũng chính là ấp chiến lược trước đây, nhưng trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải hạ thấp các tiêu chuẩn, về những biện pháp hình thức gom dân, chủ trương đóng góp cũng như những thủ đoạn kìm kẹp nhân dân. Hình thức “ấp tân sinh” là sự điều chỉnh thủ

đoạn chiến lược của địch nhằm tiếp tục thực hiện mục đích theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược. Theo “Quan điểm của Hoa Kỳ và phái bộ BRIAM” (12 - 1963) đó là: “Sự khác biệt giữa chế độ cũ và mới là sự hành động để diễn tả ý chí của chính phủ trong việc thi hành chính sách ấp chiến lược một cách có hiệu quả hơn trước. Dù muốn hay không, thành công hay thất bại, tự do hay nô lệ của Việt Nam cũng tùy thuộc nơi chính sách đã thu hút đại đa số tài nguyên (nhân – vật – lực) của đất nước” [34, tr.3].

Từ chỗ thực hiện “bằng bất cứ giá nào”, “đạp lên oán hờn” để gom dân lập ấp chiến lược, đến chỗ “chú ý đến yếu tố đắc nhân tâm”, “hạn chế tối thiểu gom dân”; từ chỗ tiến hành ào ạt càn quét để lập ấp chiến lược, đến chỗ phải tiến hành dần đần theo “vết dầu loang”; từ tiêu chuẩn đầu tiên của một ấp chiến lược là “đã thanh toán cộng sản nằm vùng” đến tiêu chuẩn đầu tiên của một ấp tân sinh chỉ là “đã khám phá và thanh toán hạ tầng cơ sở của Việt cộng”… điều đó chứng tỏ ấp tân sinh so với ấp chiến lược là một bước lùi, một sự thừa nhận thất bại trong chính sách bình định. Nhưng với tên gọi mới, “ấp tân sinh” thể hiện những yếu tố mị dân mang màu sắc “dân chủ” giả hiệu hơn so với ấp chiến lược. Mặc dù vậy, về thực chất, ấp tân sinh cũng chẳng khác gì so với ấp chiến lược. Cả hai đều nhằm mục đích gom dân, kiểm soát nông dân và tách dân ra khỏi cách mạng.

Theo Kế hoạch Johnson – Mc.Namara, Định Tường là một trong tám tỉnh vùng ven Sài Gòn mà chính quyền Sài Gòn tiến hành bình định. Kế hoạch này gọi là bình định có trọng điểm. Trong đó khu vực Mỹ Tho là một trong những điểm then chốt vì có quốc lộ 4 đi ngang qua. Về hành chính, chính quyền Sài Gòn quyết định tách phần Gò Công (hai quận Gò Công và Hòa Đồng) ra khỏi Định Tường, tái lập tỉnh Gò Công kể từ ngày 20 tháng 12 năm 1963. Như vậy, Mỹ Tho giờ đây trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh của chính quyền Sài Gòn với tên gọi Định Tường. Về mặt quân sự, Mỹ Tho trở thành Tiểu khu Định Tường, thuộc Khu chiến thuật Tiền Giang.

Để tiến hành triển khai chương trình ấp tân sinh, chính quyền Sài Gòn ở Mỹ Tho cho thành lập Ủy ban bình định tỉnh thay thế cho Ủy ban đặc tránh xây dựng ấp chiến lược trước đây; thành lập Phòng Tân sinh nông thôn. Ấp tân sinh sẽ xây dựng theo nguyên tắc “vết dầu loang, khởi từ nơi dân cư đông đúc lan dần ra vùng thưa thớt” [99 ,tr.2]. Như vậy, theo nguyên tắc trên, ở Mỹ Tho, quốc lộ 4 và các khu vực quanh thị trấn, thị xã, các chợ nông thôn, các khu vực đông dân cư sẽ là một trọng điểm xây dựng ấp tân sinh của địch. Đến cuối tháng 1 năm 1964, “số ấp tân sinh đã lập 213/420 trên toàn tỉnh Mỹ Tho” [48, tr.314].

Từ tháng 4 năm 1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn triển khai mạnh mẽ kế hoạch mới ở tỉnh Mỹ Tho với các bước sau: tách Gò Công thành tỉnh mới có 3 đơn vị hành chính cấp huyện, lấy Hòa Đồng, Gò Công làm trọng điểm bình định, đưa 4 chiến đoàn về vùng này; bình định lộ Phú Kiết từ Bến Tranh đi Hòa Tịnh thuộc huyện Chợ Gạo; chiếm lại chi khu Phú Mỹ huyện Châu Thành và chi khu Ba Dừa, huyện Cai Lậy; liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, bình định để chiếm lại các vùng đã mất trong năm 1963, thay ấp chiến lược bằng ấp tân sinh.

Từ tháng 3 năm 1964, địch tiến hành bình định có trọng điểm, tăng cường càn quét, phản kích. Chúng đánh phá sâu vào căn cứ kháng chiến, khôi phục đường giao thông, củng cố vành đai chia cắt chiến trường hòng xoay chuyển tình hình có lợi cho chúng.

Một phần của tài liệu cuộc đấu tranh chống, phá ấp chiến lược ở mỹ tho (tây tiền giang) 1961 1965 (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)