7. Bố cục của luận văn
2.3.1. Tình hình miền Nam và Mỹ Tho sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm
Sau Chiến thắng Ấp Bắc, với phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” và cao trào phá ấp chiến lược trong năm 1963, lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh. Hầu hết vùng nông thôn đều do lực lượng cách mạng kiểm soát. Chính quyền Sài Gòn chỉ còn kiểm soát các thành thị, các thị xã, thị trấn và vùng ven, các trục lộ giao thông. Tình hình đó lại dẫn đến những mâu thuẫn giữa Mỹ với chính quyền Sài Gòn về phương thức tiến hành chiến tranh, cũng như mâu thuẫn trong nội bộ giới tướng lãnh quân đội ngày càng sâu sắc; dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, triền miên của chế độ Sài Gòn sau ngày đảo chính Ngô Đình Diệm. Nhiều cuộc đảo chính, “chỉnh lý”, âm mưu đảo chính, thay đổi trong giới lãnh đạo chóp bu liên tiếp diễn ra. “Chỉ trong 18 tháng, từ tháng 11 năm 1963 đến tháng 6 năm 1965, đã có 14 cuộc đảo chính, riêng trong năm 1964 đã có 5 cuộc đảo chính và 9 lần âm mưu đảo chính, 4 lần thay đổi bọn cầm đầu ngụy quyền” [82, tr.124].
Trước từ một chính quyền dân sự, Mỹ đã chuyển sang một chính quyền quân sự vẫn không ổn định được tình hình; rồi phải chuyển sang một chính quyền kết hợp giữa dân sự và quân sự để tạo bộ mặt dân chủ giả hiệu. Song những thay đổi đó vẫn không tránh khỏi cho chế độ Sài Gòn sự khủng hoảng triền miên và ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, lực lượng của Mặt trận dân tộc giải phóng ngày càng lớn mạnh, vùng kiểm soát ngày càng mở
rộng. Những vùng thành thị do chế độ Sài Gòn kiểm soát thì thường xuyên bất ổn do những cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân, của học sinh, sinh viên và kể cả của lực lượng thứ ba. Chính quyền trung ương thì thay đổi liên miên. Tình hình khủng hoảng của chế độ Sài Gòn làm cho một số người trong giới lãnh đạo Mỹ cho rằng việc Mỹ ủng hộ đảo chính Ngô Đình Diệm là một sai lầm. Chính Taylor thừa nhận: “Điều mà chúng tôi không thể biết được là vào năm 1963, một cuộc đảo chính do Mỹ ủng hộ đã lật đổ Diệm và thả lũ hung thần ra gây rối về chính trị. Một khi đã được tự do, lũ hung thần đã xé nát miền Nam Việt Nam trong những năm 1964 và 1965 và đặt ra cho chúng ta hàng loạt vấn đề chính trị khác hẳn …”. Taylor đã kết luận: “Mỹ đã phải trả giá quá cao để giữ một cam kết ở nước ngoài, ủng hộ một chế độ ốm yếu” [53, tr.84].
Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 11 năm 1963, Mỹ mở Hội nghị ở Honolulu (Haoai) để bàn về tình hình miền Nam sau đảo chính. Tham gia hội nghị này về phía Mỹ có mặt đại sứ Mỹ ở miền Nam Cabot Logde, Bộ trưởng quốc phòng Mc.Namara; về phía chính quyền Sài Gòn có đại diện Hội đồng quân nhân cách mạng và đại diện chính quyền trung ương mới. Hội nghị cho rằng không nên tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội mới ở miền Nam, vì nếu tổ chức một cuộc bầu cử như thế sẽ chỉ làm rối chính trị, gây ảnh hưởng đến chiến tranh, mà lúc này cần phải đẩy mạnh chiến tranh mới là yêu cầu cấp bách nhất; phải tiếp tục chương trình ấp chiến lược dưới một tên khác.
Về phía cách mạng, sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, khí thế đấu tranh chính trị đang sôi nổi khắp nông thôn, thành thị. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi giải tán các khu khóm, ấp chiến lược diễn ra mạnh mẽ. Các hoạt động vũ trang, công tác binh vận … đã kịp thời chuyển lên hỗ trợ cho phong trào nổi dậy phá ấp chiến lược của quần chúng. Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt sách lược mới và chính sách mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc, đồng thời với đấu tranh quân sự, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, nhất là những vùng còn bị địch kìm kẹp như trong các khu, ấp chiến lược, trong các thành phố, thị xã, thị trấn.
Cuối tháng 11 năm 1963, Bộ chính trị điện gửi Trung ương Cục tăng cường chỉ đạo phong trào sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính.
Cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, đánh dấu một bước thất bại căn bản của toàn chính sách của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Mặc dù bị thất bại nặng nề nhưng Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý đồ đối với miền Nam Việt Nam. Mỹ kỳ vọng việc thay Diệm sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp tục đường lối của Mỹ ở miền Nam theo ý đồ của họ
bằng cách tăng cường can thiệp sâu hơn vào miền Nam Việt Nam, kể cả việc can thiệp vũ trang hạn chế.
Không lâu sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát vào ngày 22 tháng 11 năm 1963. Johnson lên thay làm Tổng thống vẫn tiếp tục đường lối của Kennedy. Quyết định đầu tiên trên cương vị Tổng thống là “kiên trì theo đuổi các chính sách và những hành động mà Mỹ đã cam kết giành thắng lợi ở Nam Việt Nam” [53, tr.85]. Đây thực chất là đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với một mức độ cao hơn và có điều chỉnh.
Tháng 12 năm 1963, Tổng thống Mỹ Johnson cử Bộ trưởng quốc phòng Mc.Namara sang Việt Nam để vạch ra kế hoạch tác chiến mới. Mc.Namara đã cùng với Hội đồng quân lực Sài Gòn đề ra kế hoạch tác chiến mới gồm 5 điểm:
- Một là, rút bớt các đồn bót không cần thiết, không có tác dụng; tập trung xây dựng các đồn bót trọng điểm ở những vùng nông thôn quan trọng và ven các tỉnh lỵ, thành phố.
- Hai là, lập ra những đơn vị cơ động được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm đối phó kịp thời trong cuộc chiến chống lại chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân đang phát triển ở miền Nam.
- Ba là, bình định có trọng điểm, không dàn trải, dồn dân, lập ấp chiến lược ở các vùng nông thôn quan trọng, ven các tỉnh lỵ, thành phố.
- Bốn là, tăng cường hơn nữa các cuộc hành quân càn quét với những quy mô và thời gian khác nhau vào các vùng căn cứ của cộng sản, không sợ bị tấn công tiêu diệt.
- Năm là, triệt để tận dụng quân dù, và sử dụng chiến lược “phượng hoàng bay”, “bủa lưới phóng lao” trong các cuộc hành quân càn quét.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch tác chiến mới, Mỹ đã điều chỉnh, sắp xếp lại nhân sự chỉ huy ở miền Nam. Tháng 1 năm 1964, Mc.Namara cử tướng Westmorland sang miền Nam thay Harkins làm Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV). Đến tháng 8 năm 1964, Mỹ cử Taylor sang thay Cabot Logde làm đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Cũng trong tháng 8 năm 1964, thành lập Bộ chỉ huy liên quân Việt – Mỹ để dễ dàng nắm quyền điều khiển quân đội Sài Gòn.
Kế hoạch tác chiến mới được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc.Namara thông qua và khẩn trương thực hiện cũng không đem lại kết quả sáng sủa, khả quan hơn. Tháng 12 năm 1964, quân đội Sài Gòn liên tiếp bị thất bại thảm hại trên các chiến trường khắp miền Nam. Trong khi đó, lực lượng vũ trang cách mạng không ngừng lớn mạnh và ngày càng được
trang bị đầy đủ nhờ viện trợ từ miền Bắc. Đồng thời, nội bộ chính quyền trung ương Sài Gòn lại liên tiếp nổ ra đảo chính quân sự càng làm cho xã hội miền Nam rối ren hơn.
Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Johnson vội vã cử ngay một phái đoàn quân sự cao cấp sang miền Nam để nghiên cứu tình hình, hoàn chỉnh kế hoạch chiến tranh mới vào tháng 2 năm 1964. Phái đoàn quân sự Mỹ gồm 15 nhân vật cao cấp do Bộ trưởng quốc phòng Mc.Namara dẫn đầu với sự có mặt của tướng M.Taylor, nguyên tham mưu trưởng liên quân. Mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và củng cố lại chương trình gom dân lập ấp chiến lược.
Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, phái đoàn đưa ra một kế hoạch chiến tranh mới – Kế hoạch Johnson – Mc.Namara. Ngày 17 tháng 2 năm 1964, Tổng thống Mỹ Johnson thông qua kế hoạch này gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Một là, để tăng cường hiệu lực chỉ huy, Mỹ lập ra một “Ủy ban liên bộ” thuộc Nhà Trắng chuyên lo về chiến trường ở miền Nam, đặt Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam trực thuộc thẳng Bộ quốc phòng và lập Bộ tư lệnh hỗn hợp Việt – Mỹ; đưa cố vấn Mỹ xuống cấp đại đội để chỉ huy các cuộc hành quân càn quét, tăng cường trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân đội Sài Gòn lên gấp hai lần so với trước; khẩn trương đưa ngay sang Sài Gòn 100 máy bay khu trục, 135 máy bay lên thẳng, 4.000 cố vấn quân sự.
- Hai là, để tăng cường quyền lực chỉ huy của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, lực lượng bảo an được nâng lên chính quy và sáp nhập vào quân chủ lực, đổi bảo an đoàn thành địa phương quân, chuyển hệ thống chỉ huy trước đây từ Bộ nội vụ sang Bộ quốc phòng, lập Bộ chỉ huy địa phương quân trực thuộc Bộ tổng tham mưu; tiến hành trang bị mới (cả vũ khí, phương tiện và trang thiết bị) cho 100.000 quân bảo an và 200.000 quân chủ lực. Hợp nhất 120.000 dân vệ và 130.000 thanh niên chiến đấu thành đội tự vệ xã, Như vậy, lực lượng quân đội Sài Gòn đã được Mỹ xây dựng lên gần 550.000 quân (chưa kể 50.000 cảnh sát có vũ trang) đủ sức hoạt động chống lại phía cách mạng.
- Ba là, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý trên cả 2 mặt: một mặt tăng lương 20% cho binh lính và hạ sĩ quan, phong cấp hàm hàng loạt cho các cấp úy, cấp tá, cho lực lượng bảo an được hưởng lương và hưởng trợ cấp giống như quân chủ lực. Mỹ tìm mọi cách để giảm bớt gánh nặng nhưng đây là vấn đề chủ yếu để nâng cao tinh thần cho quân đội Sài Gòn. Mặt khác, Mỹ đầu tư nhiều tiền của để thực thi chính sách “chiêu hồi, dụ dân vào các vùng do họ kiểm soát
- Bốn là, đẩy mạnh việc đồn dân, lập ấp chiến lược với hình thức mới “ấp tân sinh”; coi đây là vấn đề chủ yếu, quan trọng; đi đôi với quân sự phải dựa vào lực lượng hành chính để cố gắng cũng cố số ấp chiến lược còn lại, khôi phục một số ấp bị Việt cộng phá. Thực hiện kế hoạch bình định miền Nam trong hai năm (1964 - 1965), trong đó thu hẹp phạm vi bình định lại một số vùng, một số tỉnh chủ yếu có vị trí quan trọng, nhất là các vùng xung quanh Sài Gòn.
- Năm là, khiêu khích, đe dọa và đánh phá miền Bắc Việt Nam và Lào nhằm ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc quân Mỹ can thiệp trên quy mô lớn vào miền Nam Việt Nam.
Trên tinh thần cơ bản của kế hoạch chiến tranh mới, lại được Quốc hội Mỹ nới rộng quyền hạn hành động, Tổng thống Mỹ Johnson liền giao cho Taylor – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, người được mệnh danh là “quân nhân số một” của nước Mỹ sang Sài Gòn làm đại sứ, và được toàn quyền hành động về mọi mặt nhằm thực thi có hiệu quả hơn chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, sản phẩm của Taylor đề ra.
Để thực hiện kế hoạch trên, Mỹ tăng cường lực lượng cố vấn, yểm trợ từ 22.400 người (1963) lên 26.200 người (1964), trong đó có 10.400 cố vấn quân sự Mỹ, trong đó, quân ngụy tăng từ 417.000 người (1963) (với 206.000 chủ lực và 211.000 quân địa phương), lên 561.000 người 1964 (với 267.000 chủ lực và 294 địa phương quân). Cùng với việc tăng nhanh quân số, trang bị kĩ thuật cũng được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng: máy bay năm 1963 có 627 chiếc (trong đó có 344 trực thăng) sang năm 1964 tăng lên 989 chiếc (có 392 trực thăng); xe cơ giới tăng từ 582 chiếc năm 1963 lên 732 chiếc năm 1964; pháo từ 248 khẩu (1963) lên 415 khẩu(1964); pháo các loại từ 348 khẩu năm 1963 lên 700 khẩu năm 1964 … [173, tr.290 - 291].
Kế hoạch Johnson – Mc.Namara có tham vọng lớn là đề ra mục tiêu tiêu diệt toàn bộ tổ chức quân sự, chính trị, kinh tế của lực lượng cách mạng bắt đầu từ tháng 4 năm 1964, kéo dài trong hai năm và bằng hai giai đoạn. Thực chất đây là kế hoạch Staley – Taylor được cải biên lại, với cố gắng cao hơn nhằm đẩy mạnh tiến công quân sự và gom dân lập ấp chiến lược (với tên gọi mới là ấp Tân sinh). Nhưng so với kế hoạch trước, kế hoạch bình định lần này có thời gian kéo dài hơn (2 năm so với 18 tháng trước đây), bình định có trọng điểm, tập trung vào các tỉnh xung quanh Sài Gòn, có vị trí chiến lược trọng yếu: Thủ Dầu
Một, Gia Định, Tây Ninh, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An và vùng Đồng Tháp Mười, trong đó Long An là trọng điểm.
Trên chiến trường Miền Nam, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn tăng cường lực lượng càn quét, đánh phá ác liệt, kết hợp gom dân lập ấp chiến lược. Họ còn tổ chức hành quân phối hợp giữa quân đội Sài Gòn và quân đội Viên chăn (Lào) với Hạm đội 7 của Mỹ để tiến hành phong tỏa biên giới, giới tuyến và ven biển. Đây là bước phát triển cao nhất của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Tuy có điều chỉnh so với trước, kế hoạch này vẫn thể hiện tham vọng lớn. Phong trào cách mạng miền Nam đã có bước chuyển biến lớn, dồn quân địch vào thế bị động. Hơn nữa, tình hình nội bộ của chính quyền Sài Gòn không ổn định, chia rẽ trầm trọng nên Kế hoạch Johnson – Mc.Namara triển khai hết sức khó khăn.
Điểm mới của Kế hoạch Johnson – Mc.Namara là: đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam ở cấp lữ đoàn, từng bước đưa cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, chuyển sang bước quá độ từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”.