Các nguyên tắc xây dựng biện pháp

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS thành phố bắc giang, tỉnh bắc giang (Trang 55 - 56)

* Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống: Các trường THCS ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang không nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc dân và hệ thống các trường phổ thông trong tỉnh. Vì vậy các biện pháp tổ chức thực hiện phải không trái với chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các qui định chung trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi biện pháp phải thống nhất, không trái ngược, không mâu thuẫn với các biện pháp khác. Biện pháp này phải là cơ sở, là điều kiện hỗ trợ để thực hiện có hiệu quản biện pháp khác.

* Nguyên tắc phải đảm bảo tính lịch sử: Đội ngũ cán bộ quản lý trường học được hình thành cùng với lịch sử hình thành và phát triển trường học, lịch sử xã hội. Vì vậy ở bất cứ thời điểm nào đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cũng có sự phân hoá như: Chênh lệch về độ tuổi, chênh lệch về trình độ đào tạo, chênh lệch về chuyên môn nghiệp vụ.

CBQL cao tuổi thường trình độ đào tạo thấp (hệ đào tạo cũ), việc tiếp cận với kiến thức mới, tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại có nhiều khó khăn bất cập. Song đội ngũ này có một bề dày kinh nghiệm được tích luỹ trong quá trình công tác. Ngược lại đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, tư duy nhạy bén, được trang bị và cập nhật các kiến thức hiện đại, năng động sáng tạo nhưng ít kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn công tác.

Như vậy công tác phát triển đội ngũ CBQL cần phải đảm bảo tính kế thừa của lịch sử. Đó là cần phát huy tối đa những kinh nghiệm và các thành tựu mà thế hệ đi trước tích luỹ được, cập nhật và bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là

ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong quản lý giáo dục. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bổ sung, bồi dưỡng những kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ trẻ, đội ngũ cán bộ mới được bổ nhiệm CBQL và đội ngũ nhà giáo trong qui hoạch cán bộ quản lý.

* Nguyên tắc đảm bảo tính phù hợp, khả thi và có tính xã hội hoá cao: Công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương; điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và giảng dạy; điều kiện hoàn cảnh riêng của từng đối tượng cụ thể; chế độ chính sách và đãi ngộ cho đội ngũ; phụ thuộc vào phân cấp quản lý giáo dục và quản lý đội ngũ…

Trong thực tế như phân cấp hiện nay ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang thì nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Giáo dục thành phố trong việc quản lý đội ngũ CBQL giáo dục ở thành phố còn rất hạn chế. Công tác tuyển lựa và qui hoạch đội ngũ; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển đội ngũ CBQL, việc khen thưởng và xử lý kỷ luật cán bộ thì Phòng Giáo dục không là cơ quan quyết định mà chỉ tham mưu, đề xuất giúp UBND thành phố.

Vì vậy việc xây dựng các biện pháp quản lý của Phòng Giáo dục phải có tính xã hội hoá cao, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Giáo dục theo phân cấp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Có như vậy thì các biện pháp quản lý được xây dựng trong luận văn mới có tính khả thi cao.

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS thành phố bắc giang, tỉnh bắc giang (Trang 55 - 56)