b. Mô hình quản trị theo cơ cấu quản lý: Cơ cấu quản lý trong mô hình này được xác định theo
3.2 Giải pháp vi mô tăng cường quản trị công ty đối với Ngân hàng TMCP niêm yết trên thị
hàng TMCP niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam 3.2.1 Xác định mô hình quản trị công ty phù hợp
Mỗi quốc gia khác nhau thường có những đặc điểm và mô hình phát triển kinh tế khác nhau. Vấn đề này đã tạo ra sự khác nhau trong hình thức huy động vốn, cơ cấu sở hữu và cấu trúc quản lý của từng doanh nghiệp, từ đó quyết định mô hình quản trị công ty ở mỗi nước. Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy có hai mô hình hình quản trị công ty chính là mô hình sở hữu bên trong và bên ngoài. Mỗi mô hình có những ưu điểm và nhược điểm riêng, song xét về tổng thể thì mô hình sở hữu bên ngoài có ưu thế vượt trội hơn. Điều này được minh chứng bằng một thực tế là nhiều quốc gia trước đây có mô hình sở hữu bên trong đang có xu hướng chuyển sang mô hình sở hữu bên ngoài.
Đối với Việt nam, phần nghiên cứu thực trạng tại chương III cho thấy mô hình quản trị công ty hiện nay tại Việt nam là mô hình sở hữu bên trong và hầu hết các công ty đều có những yếu kém trong hoạt động quản trị. Cần đánh giá một cách khách quan rằng, nguyên nhân của sự yếu kém này không phải xuất phát từ mô hình quản trị công ty mà chủ yếu do việc chưa thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quản trị công. Mô hình quản trị thực chất chỉ là kết quả của mô hình phát triển kinh tế mà thôi. Song cần lưu ý rằng, mô hình quản trị công ty cũng là một chất xúc tác giúp cho tình hình quản trị được cải thiện. Do vậy, việc chuyển đổi mô hình quản trị có
thể giúp nâng cao hơn hiệu quả quản trị công ty tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải chờ cho các điều kiện kinh tế đạt độ chín muồi vì ta không thể ngay một lúc thay đổi các yếu tố cơ bản của một thể chế kinh tế đã được hình thành từ lâu đời. Vậy thì vấn đề đặt ra ở đây là Chính phủ hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước không thể sử dụng các biện pháp hành chính để chỉ thị cho các doanh nghiệp phải lựa chọn mô hình quản trị này hay mô hình quản trị kia được. Điều quan trọng là cần xác định đúng các điều kiện thực tế để thực hiện những chính sách vĩ mô phù hợp để tác động vào môi trường kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản trị hiện hữu và định hướng dần cho các doanh nghiệp đi theo những mô hình quản trị hiệu quả nhất trong từng giai đoạn cụ thể.
Vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay là cần có những chính sách giúp các doanh nghiệp khắc phục những nhược điểm và phát huy tối đa những ưu điểm của các mô hình QTCT bên trong. Trước mắt, cần giảm thiểu tối đa yếu tố sở hữu nhà nước và yếu tố sở hữu gia đình trong mô hình QTCT của các doanh nghiệp hiện nay, nghĩa là cần tiến tới một mô hình người sở hữu bên trong lành mạnh hơn. Để thực hiện mục tiêu này, đối với mỗi loại công ty cần có biện pháp chính sách riêng. Các Ngân hàng TMCPNY trên TTCK Việt Nam hiện nay là những công ty đại chúng nhưng lại bị chi phối bởi một số cổ đông nắm quyền kiểm soát. Trong trường hợp này cơ chế QTCT cần có thêm các quy định thành viên HĐQT
có những thành viên độc lập hoàn toàn (không nắm giữ cổ phiếu của công ty), thực hiện bỏ phiếu theo phương thức dồn phiếu và những nguyên tắc hạn chế đặc quyền kiểm soát của những người trong nội bộ công ty.
Đối với những doanh nghiệp cổ phần hoá mà Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt, sự mập mờ về ranh giới giữa đâu là người sở hữu thực sự và đâu là người đại diện sở hữu vẫn luôn là một khó khăn đối với việc nâng cao hiệu quả QTCT. Vì vậy, Nhà nước cần giảm bớt quyền sở hữu tại các doanh nghiệp cổ phần hoá mà Nhà nước không cần chi phối, cụ thể là bán lại cho công chúng phần vốn sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp này. Sự đa dạng hoá cơ cấu sở hữu thông qua thị trường vốn sẽ giúp cho các doanh nghiệp này loại bỏ những rủi ro từ cơ chế sở hữu nhà nước. Đồng thời, các nhà đầu tư trên có thể thị trường gây sức ép đối với việc QTCT của các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn qua cơ chế giá cả.
Đối với những doanh nghiệp mang đặc điểm của mô hình sở hữu gia đình, cần phải ban hành các quy định hạn chế việc người trong cùng một gia đình nắm giữ các vị trí chủ chốt trong công ty nhằm tránh tình trạng các gia đình đó lạm dụng quyền lực, thao túng hoạt động của công ty, vi phạm quyền lợi của những cổ đông nhỏ lẻ. Ngoài việc quy định chức danh Chủ tịch HĐQT và TGĐ điều hành không được phép do cùng một người đảm nhận, nên đưa thêm quy
định hạn chế tình trạng hai người đảm nhiệm vị trí này là người trong một gia đình.
Ngoài ra, xét trên phương diện mô hình quản trị hai cấp dựa trên chế độ quản lý có sự hiện diện của BKS trong công ty, cần khắc phục tình trạng lệ thuộc vào HĐQT và hầu như không phát huy được vai trò giám sát của BKS này. Trong thời gian tới, cần làm cho mô hình này tại các doanh nghiệp phát triển theo đúng nghĩa của nó. Cần đưa vào các văn bản pháp quy và Điều lệ công ty những quy định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của BKS, cơ chế giám sát và những thẩm quyền của tổ chức này cũng như thành phần tham gia BKS để có thể loại bỏ tình trạng hoạt động hời hợt, không hiệu quả như hiện nay.
Tóm lại, do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt của Việt Nam mà trong thời gian trước mắt, tại các doanh nghiệp cổ phần nói chung các Ngân hàng TMCPNY nói riêng vẫn tồn tại những đặc điểm của mô hình sở hữu bên trong (xét theo cơ cấu sở hữu) và mô hình quản trị hai cấp (xét theo cấu trúc quản lý). Giải pháp hợp lý nhất trong ngắn hạn là phát huy những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm của mô hình này thông qua các cơ chế chính sách hợp lý; đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp tiến tới một mô hình quản trị lâu dài phù hợp hơn với xu hướng phát triển chung của thế giới – đó là mô hình QTCT dựa trên cơ chế huy động vốn trên TTCK và cơ cấu sở hữu đại chúng.
Đối với mô hình sở hữu đại chúng, cơ cấu sở hữu mang tính chất phân tán với một số lượng lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào công ty thông qua TTCK. Trong mô hình quản trị công ty này. Cơ chế chủ yếu để bảo vệ các cổ đông là hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý này phải bao gồm Điều lệ công ty và các văn bản pháp quy liên quan, trong đó quan trọng nhất là Luật doanh nghiệp. Phương tiện để các cổ đông đại chúng thực hiện việc quản trị CTCP chính là Hội đồng quản trị. Các thành viên của Hội đồng quản trị được bổ nhiệm thông qua ĐHĐCĐ và nắm toàn quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Chức năng của Hội đồng Quản trị là giám sát các hoạt động của công ty vì quyền lợi của các cổ đông. Cần phải có một cơ chế, một phương tiện để các cổ đông có thể tham dự vào việc thảo luận, quyết định thành phần của Hội đồng quản trị và việc trả thù lao cho các nhà quản lý. Cơ chế đó chính là ĐHĐCĐ thường niên và phương tiện đó là quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, mô hình người sở hữu bên ngoài cũng có những nhược điểm riêng. Nhược điểm lớn nhất là cổ đông đại chúng có xu hướng thụ động trong quản trị công ty. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty là do kỳ vọng về mức tăng giá trong tương lai và mức cổ tức mà họ sẽ nhận được. Nếu công ty hoạt động kém, họ hiếm khi đưa ra các biện pháp nhằm tác động nâng cao hiệu quả quản trị công ty mà thường chỉ có lựa chọn biện pháp duy nhất là bán cổ phiếu. Bên cạnh đó, sự thiếu tích cực của những cổ đông nhỏ
lẻ còn có nguyên nhân phát sinh từ tình trạng thiếu kiến thức đầu tư, thiếu nhận thức đúng đắn về quyền lợi và trách nhiệm của một cổ đông và cuối cùng là thiếu thông tin. Để giúp những cổ đông nhỏ phát huy vai trò của mình trong việc quản trị công ty, cần phải phát triển những định chế đầu tư chuyên nghiệp, những nhà đầu tư có tổ chức, có đủ kinh nghiệm, kiến thức và có khả năng tập hợp thông tin để tác động tích cực đến hệ thống quản trị công ty cuả doanh nghiệp. Cần tạo điều kiện và khuyến khích sự ra đời của các quỹ đầu tư chứng khoán, một trong những nhân tố thị trường có thể gây sức ép đáng kể buộc các doanh nghiệp niêm yết phải thực thi những thông lệ quản trị công ty tốt. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho công chúng đầu tư và tạo những điều kiện để phát triển một môi trường CBTT minh bạch, đầy đủ cũng là một biện pháp nhằm giúp mô hình quản trị công ty dựa trên cơ cấu sở hữu đại chúng phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, cách thức chủ yếu mà các nhà đầu tư đại chúng có thể áp dụng để thiết lập kỷ cương đối với ban lãnh đạo công ty là mua và bán cổ phiếu công ty. TTCK giúp các nhà đầu tư thực hiện biện pháp này. Nếu một công ty được quản lý không tốt, nếu như các quyền lợi của của cổ đông bị vi phạm thì các nhà đầu tư phản ứng gián tiếp bằng cách bán cổ phiếu. Phản ứng bán cổ phiếu của công ty hàng loạt sẽ làm cho giá chứng khoán nhanh chóng giảm xuống và trong tình huống xấu nhất, công ty sẽ bị thâu tóm bởi các đối thủ cạnh tranh. Khi này, thị trường quyền kiểm soát công ty với
các giao dịch thâu tóm và sáp nhập bắt đầu phát huy tác dụng. Như vậy, thị trường thâu tóm và sáp nhập lại là một phương tiện nữa để giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ gián tiếp tác động vào chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp. Cơ chế thâu tóm và sáp nhập công ty sẽ tạo ra sự cạnh tranh có hiệu quả giữa những nhà quản trị công ty. Những nhà quản trị yếu sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi những nhà quản trị tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại TTCK của Việt nam còn đang rất nhỏ bé nên cơ chế này khó phát huy tác dụng. Để cơ chế này phát huy tác dụng, trước hết cần phải phát triển TTCK, đồng thời Luật doanh nghiệp cần có những điều chỉnh nhằm cấm việc hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu trong các công ty. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường sự quản lý của Uỷ ban chứng khoán nhà nước đối với các CTCP đại chúng và tạo ra thị trường giao dịch cho cổ phiếu của tất cả các công ty này. Đồng thời, vấn đề này đòi hỏi phải có một quy chế về sáp nhập và thâu tóm công ty. Mục tiêu của quy chế này là tạo ra một hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi chuyển nhượng quyền kiểm soát và khuyến khích hoạt động này một cách hiệu quả, đặt ra cho các nhà điều hành doanh nghiệp trước sự lựa chọn hoặc là quản trị công ty tốt hơn, hoặc là phải chuyển quyền kiểm soát cho người khác.
Thị trường chuyển nhượng quyền kiểm soát công ty chỉ có thể hoạt động dựa trên qua những giao dịch mua bán cổ phiếu của một công ty nhất định. Để có thể đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu một cách hợp lý, điều cần thiết nhất là nhà đầu tư phải có được
thông tin chính xác, kịp thời về tình hình hoạt động cũng như bộ máy điều hành của công ty. Vấn đề CBTT lại một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của mình. Do vậy, mô hình người sở hữu bên ngoài công ty đòi hỏi một chế độ CBTT rộng rãi, các nguyên tắc giao dịch nghiêm ngặt và TTCK có tính thanh khoản cao. Trong tương lai, Nhà nước cần có văn bản pháp luật quy định nghĩa vụ bắt buộc kiểm toán và công khai hoá thông tin đối với các CTCP, đồng thời có biện pháp để cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ này nhằm tạo ra một hệ thống CBTT chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu của quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Mô hình quản trị công ty dựa trên cơ cấu sở hữu đại chúng hay mô hình người sở hữu bên ngoài công ty có thể khắc phục được nhược điểm của những mô hình khác bằng việc duy trì một Hội đồng quản trị với ít nhất là 1/3 số thành viên Hội đồng là những thành viên độc lập và việc thuê những giám đốc điều hành trên thị trường quản lý chuyên nghiệp. Hội đồng Quản trị có sự hiện diện của các thành viên độc lập hoạt động hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn đối với lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ. Như vậy, việc phát triển một thị trường các nhà quản lý chuyên nghiệp có tầm quan trọng đáng kể đối với việc duy trì mô hình quản trị công ty này.
Từ đó, có thể thấy rằng mô hình quản trị công ty dựa trên cơ cấu sở hữu đại chúng chỉ có thể phát triển một cách lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế nếu như chúng ta có một TTCK phát triển
hoàn chỉnh với các nhà đầu tư định chế, một hệ thống CBTT chính xác, kịp thời, hệ thống giao dịch hiện đại. Bên cạnh đó, mô hình này chỉ có thể phát huy tác dụng khi đã có một thị trường nhà quản lý chuyên nghiệp để cung cấp cho các doanh nghiệp những thành viên Hội đồng quản trị độc lập, các giám đốc điều hành, một thị trường thâu tóm và sáp nhập phát triển để tạo ra một cơ chế cho nhà đầu tư có thể gián tiếp tác động vào chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình người sở hữu ngoài công ty chỉ có thể được áp dụng một cách phù hợp khi công chúng đầu tư đã có kiến thức và nhận thức đầy đủ, đúng đắn về doanh nghiệp và thị trường, về trách nhiệm và quyền lợi của bản thân họ cũng như về vấn đề quản trị công ty. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của Nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tạo ra những cơ chế để thị trường phát triển đúng hướng.
3.2.2 Tăng cường kiểm soát nội bộ
Việc kiểm soát nội bộ của các công ty hay nói cách khác là việc phân định trách nhiệm giữa HĐQT, BGĐ điều hành và BKS công ty trong các CTCP và niêm yết hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tình trạng này xảy ra là do trong các văn bản pháp luật và trong điều lệ của các công ty chưa có sự phân định trách nhiệm một cách rõ ràng, thể hiện ở những mặt như: HĐQT can thiệp quá sâu vào công việc điều hành hàng ngày của các công ty; Các thành viên của BGĐ điều hành cũng đều là thành viên của HĐQT; BKS có rất ít vai trò thực tế trong các công ty.
Những điều nêu trên gây ra một tình trạng là mặc dù công tác giám sát được thực hiện ở cả hai cấp là HĐQT và BKS nhưng vẫn không có hiệu quả. Do vậy, để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới cần phải yêu cầu các công ty phân định rõ trách nhiệm của HĐQT, BGĐ điều hành và BKS. Để tránh tình trạng người giám sát đồng thời cũng là người điều hành công ty cần phải có quy định nhằm hạn chế việc tham gia của HĐQT vào BGĐ điều hành. Do