- Đàm thoại nghĩa là sự trao đổi, hỏi đáp giữa người dạy và người học hoặc giữa người học với người học. Có những quan niệm khác nhau về phương pháp đàm thoại ở trường phổ thông.
+ Quan niệm 1, cho rằng: Đàm thoại nhằm làm cho học sinh nhớ lại, tái hiện lại các kiến thức có trước để xây dựng kiến thức mới.
+ Quan niệm 2, cho rằng: Đàm thoại phải có ý sáng tạo, tức là phải đòi hỏi học sinh có sự tư duy, so sánh, phân tích, lập luận để tìm ra kiến thức mới. Xuất phát từ 2 quan niệm khác nhau về phương pháp đàm thoại nên thường chia ra làm 2 loại đàm thoại trong dạy học.
+ Đàm thoại nhập đề: Nói chung mức độ yêu cầu thấp, thường chỉ yêu cầu học sinh tái hiện lại kiến thức cũ làm cơ sở cho việc dạy kiến thức mới. Để trả lời học sinh chỉ việc nhớ lại bài ai, hoặc dựa vào sách giáo khoa hoặc dựa vào thực tế. Những câu hỏi thuộc đàm thoại nhập đề thường dễ đặt. Đa số câu trả lời của học sinh đều trả lời đúng theo ý định hỏi của giáo viên (vì dễ, không phải tư duy), nên nó được sử dụng nhiều. Song thực tế cho thấy, câu hỏi càng dễ thì càng kém tác dụng đối với sự phát triển tư duy của học sinh. Để khắc phục, có loại đàm thoại thứ 2.
+ Đàm thoại gợi mở: Được đặt ra dưới dạng một câu hỏi lớn, khái quát, thông thường nếu không có sự suy nghĩ, tư duy, so sánh và liên hệ thì khó trả lời đúng trọng tâm của câu hỏi. Giáo viên cần cung cấp nguồn, hoặc gợi ý trả lời bằng những câu hỏi nhỏ, cụ thể hơn. Đàm thoại gợi mở giúp cho giờ học sôi nổi, học sinh được hoạt động nhiều, học sinh có thể hiểu sâu được vấn đề, nắm được bản chất của vấn đề trên cơ sở phân tích, trả lời tường tận nội dung của câu hỏi lớn.
- Nếu câu hỏi đặt ra ở 1 phạm vi rộng, đòi hỏi học sinh có sự suy nghĩ để giải quyết giáo viên nên chỉ căn cứ vào câu trả lời của học sinh để bổ sung, sửa chữa và gợi ý hướng giải quyết thì người ta gọi đó là phương pháp đàm thoại nêu vấn đề. Thực chất nó là sự kết hợp giữa phương pháp đàm thoại và phương pháp nêu vấn đề.