Các thành tố của quá trình dạy học gồm: Mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, tổ chức và kiểm tra - đánh giá.
- Những tri thức do con người sáng tạo ra ngày càng nhiều, xã hội ngày càng phát triển thì càng có thêm nhiều lĩnh vực văn hoá, khoa học. Một lĩnh vực văn hoá, một ngành khoa học dù có quan trọng đến đâu, muốn trở thành một môn học cũng phải qua các giai đoạn:
+ Được lựa chọn những vấn đề cơ bản, thiết thực và phổ thông, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường, biên soạn thành chương trình bộ môn.
+ Được cụ thể hoá thành sách giáo khoa, có kèm theo sách hướng dẫn dạy.
+ Học sinh dựa vào sách giáo khoa, dựa vào sự hướng dẫn của giáo viên để chuyển hoá những kiến thức từ sách vở thành kiến thức, vốn hiểu biết của mình.
Theo quan điểm dạy học mới, quá trình dạy học phải là sự kết hợp, phối hợp giữa hoạt động của thầy và hoạt động của trò "thày chỉ đạo, trò chủ động". Muốn vậy, người giáo viên - người chỉ đạo trong quá trình học phải có sự chuẩn bị tốt về mặt kiến thức (soạn bài) và mặt thao tác, kỹ năng (đứng lớp).
- Soạn bài: Là nhiệm vụ quan trọng nhất của người giáo viên, nó góp phần quan trọng vào sự thành công của giờ dạy. Một bài soạn tốt sẽ giúp giáo viên chủ động được kiến thức trong mọi tình huống. Để có một bài soạn tốt, giáo viên cần:
+ Đọc và nghiên cứu kỹ nội dung bài học trong sách giáo khoa (nắm kiến thức).
+ Xác định mối liên quan của bài học với 1 bài đã học, sẽ học và các môn học khác (thấy được tính logic của hệ thống kiến thức). Mục đích là sử dụng hợp lý và có hiệu quả các phương pháp dạy học.
+ Xác định rõ mục đích yêu cầu và kiến thức trọng tâm của bài. Dự kiến thời lượng giảng cho các phần: mở rộng như thế nào, phần nào, đưa số liệu mới, thông tin mới vào phần nào cho phù hợp, phần nào chỉ cần giới thiệu cho học sinh biết...
+ Chuẩn bị sẵn các phương tiện dạy học: chỗ nào dùng bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, sử dụng như thế nào...?
+ Liên hệ với thực tế để nhằm mục đích giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách.
+ Dự kiến các tình huống sẽ xảy ra khi giảng và các phương án giải quyết.
+ Thiết kế trình tự các hoạt động sư phạm khi lên lớp: ổn định, kiểm tra, giảng bài...
- Lên lớp (giảng bài): Vai trò của người giáo viên trong giờ học thể hiện rõ nhất ở bước lên lớp. Có thể có 1 giáo án tốt nhưng cách giảng bài chưa tốt thì học sinh hoặc là sẽ thụ động lĩnh hội kiến thức, hoặc là sẽ không lĩnh hội được những kiến thức giáo viên truyền đạt. Trong khi lên lớp, đòi hỏi giáo viên phải:
+ Lời giảng to, rõ ràng, truyền cảm, dùng các phương tiện dạy học hỗ trợ trong quá trình giảng.
+ Đảm bảo kiến thức truyền đạt phải đầy đủ, chính xác, khắc sâu kiến thức trọng tâm.
+ Việc sử dụng các phương pháp linh hoạt, sáng tạo.
+ Những vấn đề cơ bản phải được ghi lên bảng một cách khoa học. + Sử dụng thời gian hợp lý.
+ Mục đích: Học sinh hiểu bài, biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Những nhiệm vụ trên của giáo viên khi lên lớp (giảng bài) chính là các tiêu chuẩn (tiêu chí) để đánh giá giờ dạy của giáo viên. Thông thường người ta chia các yêu cầu trên thành 10 chuẩn, có thể chấm theo thang điểm 10 hoặc 20.