Trong thời đại ô tô và đường cao tốc, sự phát triển giao thông đô thị nói chung hay phát triển loại phương tiện nói riêng đi cùng với các chính sách phát triển đô thị của Chính phủ và thường trải qua 3 giai đoạn:
a. Giai đoạn thứ nhất:
Chính phủ cổ vũ người dân mua ô tô bằng cách xây dựng nhiều đường, đường cao tốc và các bãi đỗ xe công cộng. Tuy nhiên chính sách này khiến lượng xe ô tô tăng cao, giao thông đô thị tắc nghẽn, gây ô nhiễm không khí, tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong giai đoạn này, sở hữu ô tô là tượng trưng cho địa vị xã hội cho sự giàu có và thành đạt nên người dân đa phần sử dụng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, tại những thành phố lớn với mật độ dân số ngày càng gia tăng, dù có xây
dựng nhiều đường vẫn không thể giải quyết ách tắc (Hình 4.9: vòng xoáy mở rộng
đô thị và phát triển ô tô) do đó chính phủ phải đi tìm phương pháp giải quyết khác và mở ra giai đoạn thứ hai.
b. Giai đoạn thứ hai
Chính sách thay đổi từ “xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu xe cộ” sang “đa dạng hóa phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu di chuyển trong thành phố”. Thay vì tìm cách nâng cao năng lực thông hành của xe cơ giới, chính phủ cổ vũ những phương tiện giao thông khác thay thế ô tô. Tại giai đoạn thứ hai, người dân có sự lựa chọn giữa PTVTCN hay sử dụng PTVTCC.
c. Giai đoạn thứ ba
Các thành phố tại Tây Âu, ven bờ đông nước Mỹ như New York, Boston, thủ đô Seoul của Hàn Quốc hay Singapore ... là những thành phố điển hình đã phát triển tới giai đoạn thứ ba. Trong giai đoạn này, con người theo đuổi chất lượng sống, họ đòi hỏi sự ngăn nắp sạch sẽ, môi trường sống và làm việc thoải mái. Tại giai đoạn thứ ba, đường giao thông trở thành không gian công cộng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sống và thể hiện hình ảnh của một đô thị hiện đại, phát triển lành mạnh. Phát triển tới giai đoạn thứ ba, người dân bắt đầu từ bỏ hoặc giảm thiểu sử dụng xe ô tô, thay vào đó lựa chọn các PTVTCC để thay thế.