a) Khái niệm
Phương pháp phân tích đa mục tiêu được phát triển từ những năm 1960 là một công cụ hỗ trợ giúp đưa ra quyết định đối với những vấn đề phức tạp. Mục đích của phương pháp phân tích đa mục tiêu là để giúp đưa ra quyết định trong những tình huống phải lựa chọn, hoặc không có một phương án nào là hoàn hảo tuyệt đối và có sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu khác nhau
Ý tưởng cơ bản là đi đánh giá tất cả những mục tiêu đã được đưa ra. Với mỗi mục tiêu đưa vào một trọng số tương ứng với tầm quan trọng của mục tiêu đó. Đồng thời cũng cần lưu ý từng phương án trong mối quan hệ với tất cả các mục tiêu và cuối cùng là tổng hợp các kết quả này.
b) Lựa chọn phương pháp để phân tích đa mục tiêu
Theo GS. Cathy Macharis và Jeroen Ampe [79], với việc nghiên cứu 82 dự án áp dụng thành công phương pháp phân tích đa mục tiêu để đưa ra quyết định ta có bảng 3.6 tổng hợp tỷ lệ ứng dụng của các phương pháp:
Bảng 3.6 Thị phần ứng dụng của các phương pháp phân tích đa mục tiêu [79]
TT Phương pháp phân tích đa mục tiêu Dự án áp dụng Tỷ lệ (%)
1 ELECTRE 15 18,3
2 PROMETHEE 6 7,3
3 REGIME Analysis 6 7,3
4 AHP (Analytic Hierarchy Process) 33 40,2
5 UTA/ Invers Preference Method 4 4,9
6 MAUT/MACBETH/MAVT 8 9,8
7 TOPSIS/VIKOR 2 2,4
8 Non-traditional MCDA/fuzzy set 6 7,3
9 Several methods/m comparisons 2 2,4
Tổng 82 100
Từ những số liệu trên, ta thấy rằng Phương pháp phân tích quá trình phân cấp AHP được sử dụng rộng rãi và gần như chiếm ưu thế (40,2%) trong việc đánh
giá và đưa ra quyết định đối với các dự án GTVT. Do vậy, tác giả sử dụng phương
pháp AHP để nghiên cứu các phần sau của luận án.
c) Phương pháp phân tích quá trình phân cấp (AHP) đề giải bài toán đa mục tiêu - Khái niệm:
Phương pháp phân tích quá trình phân cấp (Analytic Hierarchy Process -
AHP) là một kỹ thuật có cấu trúc để tổ chức và phân tích các quyết định phức tạp.
Dựa trên nền tảng toán học và tâm lý học, được đề xuất bởi Thomas L. Saaty [89]. Nó có ứng dụng cụ thể trong việc ra quyết định nhóm và được sử dụng trên toàn thế giới trong một loạt các tình huống ra quyết định, trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, các ngành công nghiệp, y tế và giáo dục.
- Ưu điểm của phương pháp AHP:
+ Cho phép xây dựng một hệ thống chỉ tiêu đánh giá nhiều cấp rất linh hoạt. Những vấn đề phức tạp có thể phân tích thành những chỉ tiêu đơn giản hơn theo nhiều cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá;
+ Người ra quyết định được quyền linh hoạt hơn trong việc xếp hạng so sánh mức độ quan trọng của các chỉ tiêu ở mỗi cấp;
+ Phương pháp AHP dựa trên cơ sở toán học mạnh;
+ Phương pháp AHP cho phép đánh giá tính nhất quán trong các đánh giá của chuyên gia, vì nó tiến hành so sánh từng cặp đôi một để xác định trọng số và có kỹ thuật tính toán chỉ số đo lường sự nhất quán từ đó giảm thiểu được tính chủ quan vốn là hạn chế của phương pháp chuyên gia.
- Trình tự thực hiện phương pháp AHP:
+ Xác định vấn đề và xây dựng số liệu đầu vào. + So sánh đánh giá các cặp chỉ tiêu. + Xác định ma trận đánh giá. + Xác định ma trận tương đối. + Xác định ma trận trọng số. + Xác định Vector trọng số. + Xác định các hệ số CI, RI, CR.
+ Xác định trọng số trung bình các phương án và lựa chọn phương án. Chi tiết nội dung về phương pháp AHP có thể tham khảo tại tài liệu [89] [90].