Các nghiên cứu có thể lựa chọn đối tượng về không gian, thời gian khác nhau nhưng đều đi vào nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của QLĐĐ.
Dưới góc độ đất đai là nguồn lực quan trong nhất trong sản xuất nông nghiệp với những đặc điểm nhất định và quy luật vận động của đất trong điều kiện kinh tế thị trường, và các tác giả đã đưa ra các giải pháp để QLĐĐ hợp lý như phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng tiết kiệm quỹ đất nông nghiệp đặc biệt chuyển đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác.
Các đô thị ngày càng phát triển mạnh nhờ quá trình đô thị hóa (ĐTH) ở Việt Nam, việc QLĐĐ ở các đô thị đang là vấn đề nóng đòi hỏi phải giải quyết nhằm bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội ở đó. Theo tác giả Phạm Ngọc Côn khẳng định đất đai là nguồn lực lớn trong phát triển đô thị ở Việt Nam nếu biết quản lý sử dụng đúng. Ông đã chỉ ra những bất cập của quản lý đất đai trong quá trình đô thị hóa như tốc độ tăng diện tích đất đô thị không theo kịp với sự gia tăng dân số và xây dựng công trình đô thị; Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch kém nên dẫn tới tình trạng chuyển đổi mục đích tùy tiện; Hiệu quả SDĐ kém khi chưa vận dụng tốt lý luận địa tô tài nguyên trong quản lý; Cở sở pháp lý cho QLĐĐ còn chậm không theo kịp nhu cầu quản lý. Trên cơ sở đó tác giả cho rằng để quản lý tốt sử dụng đất đai trong quá trình Đô thị hóa cần: Hoàn thiện và quản lý tốt công tác quy hoạch SDĐ; Hoàn thiện công tác phát triển quỹ đất đô thị; Hoàn thiện việc quản lý kinh doanh đất đai; Nâng cao hiệu kinh tế xã hội trong SDĐ trong quá trình phát triển đô thị.
Tác giả Đặng Hùng Võ cho rằng quản lý SDĐ của nước ta yếu kém là do: Phân công tổ chức quản lý không phù hợp từ Trung ương tới địa phương; Thiếu các quy định về QLĐĐ ở các địa phương; Hệ thống tài chính đất đai chưa đồng bộ với quá trình đổi mới chính sách đất đai; Can thiệp bằng biện pháp hành chính vào thị trường không hiệu quả; Giải quyết tranh chấp khiếu lại chưa tốt gây bức xúc.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đề tài về “Nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chính sách thu hồi, BT, HT và TĐC; ổn định sản xuất và đời sống nhân dân tại khu kinh tế Dung Quất” do TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn làm chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu đã đưa ra một số kết luận: (1) thủ tục thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất chưa đồng bộ và chậm hơn tiến độ kiểm kê, lập phương án bồi thường; (2) ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, mặc dù đã được giải quyết bồi thường đầy đủ quyền lợi theo cơ chế, chính sách hiện hành nhưng vẫn thường xuyên tụ tập, cản trở thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Pháp luật về giao đất, cho thuê đất ở nước ta – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do Nguyễn Thị Dung -Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ, Viện nghiên cứu pháp lý, Chủ nhiệm đề tài, chủ yếu đề cập đến thực trạng công tác giao đất cho thuê đất ở Việt Nam và chỉ ra những bất cập trong giao đất và cho thuê đất: chất lượng quy hoạch SDĐ làm căn cứ giao đất, cho thuê đất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thiếu tính dự báo lâu dài; công tác thẩm định nhu cầu SDĐ còn mang tính hình thức do thiếu cơ chế, điều kiện thực tế để thực hiện; về hình thức giao đất, cho thuê đất, định giá đất trên thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sau khi giao đất, cho thuê đất chưa được tiến hành một cách thường xuyên,… chưa đi sâu nghiên cứu kỹ những tác động tích cực và những tồn tại hạn chế của công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất đến một lĩnh vực cụ thể.