Từ việc nghiên cứu tình hình QLĐĐ ở một số quốc gia trên thế giới và một số tỉnh thành trong nước, bài học kinh nghiệm rút ra cho công tác QLNN về đất đai như sau:
- Hệ thống các văn bản pháp luật phải được đầu tư, nghiên cứu một cách có hệ thống, khoa học, sát với điều kiện thực tế, đảm bảo ổn định trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Quá trình điều chỉnh, bổ sung phải đảm bảo tính kế thừa. Đây là một yêu cầu rất quan trọng nhất trong QLĐĐ;
- Coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, tham vấn ý kiến cộng đồng, đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý bằng nhiều hình thức. Nhận thức người dân và trình độ năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ được nâng cao sẽ góp phần rất lớn tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác QLNN về đất đai và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới;
- Hệ thống dữ liệu thông tin đất đai được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện cũng là yếu tố quan trọng trong công tác QLĐĐ. Vì vậy, cần phải kịp thời xây dựng trên cơ sở công nghệ tin học điện tử hiện đại. Muốn đạt được điều đó cần phải đầu tư đồng bộ để có được hệ thống hồ sơ địa chính cơ sở (hồ sơ gốc) có độ tin cậy cao ở tất cả các địa phương. Thống nhất phương pháp phân loại, quản lý hồ sơ đất đai và công khai thông tin;
- Phải đẩy mạnh việc đăng ký quyền SDĐ, cấp phép xây dựng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng và giải quyết các mối quan hệ về đất đai có liên quan. Để làm tốt việc này cần phải có những biện pháp mạnh để tạo ra những sự thay đổi về mặt nhận thức của cả bộ máy quản lý và đội ngũ công chức nhà nước. Dân giàu thì nước mạnh, có tạo thuận lợi để các cá nhân và tổ chức được đăng ký quyền về tài sản (sở hữu bất động sản trong đó có quyền sử dụng đất) thì người dân mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc khai thác giá trị của tài sản cho phát triển kinh tế. Nhà nước có
nguồn thu ngân sách từ các chủ thể SDĐ trên cơ sở nắm chắc được nguồn tài nguyên đất. Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới quan hệ sở hữu đất đai, gắn với việc quy định cụ thể hơn các quyền của người SDĐ chính là chìa khoá để thực hiện việc công khai dân chủ quan hệ đất đai trong xã hội. Đây cũng chính là giải pháp chống tham nhũng hữu hiệu nhất;
- Nhằm hạn chế tiêu cực trong QLNN về đất đai cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhất thiết phải đẩy mạnh hình thức đấu giá quyền SDĐ. Để làm việc này hiệu quả cần phải xây dựng các quy trình, quy chế, tiêu chuẩn đấu giá một cách khoa học, công khai rõ ràng để thực hiện và giám sát;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát thu hồi những diện tích đất đã giao, cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, SDĐ không đúng mục đích của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đấu giá thực hiện việc giao hoặc cho thuê đất và đưa vào sử dụng hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai;
- Xã hội càng phát triển tính cạnh tranh càng gay gắt, để đảm bảo thế mạnh trong cạnh tranh, công tác quản lý của Nhà nước phải mạnh và có hiệu lực cao. Tuy nhiên tăng cường quyền lực của Nhà nước không có nghĩa là hạn chế quyền của các chủ thể SDĐ. Quyền lực nhà nước phải mạnh, để đảm bảo cho mọi chủ thể được hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật quy định và mọi chủ thể đều được tự do phát triển. Với các nước có công tác QLĐĐ tốt, có hiệu quả sử dụng đất cao, hầu như các vi phạm pháp luật trong QLĐĐ đều bị xử lý rất nặng và rất triệt để. Đây chính là bài học quan trọng nhất: Kỷ cương pháp luật có nghiêm minh thì xã hội mới ổn định và phát triển.