Quan điểm giao tiếp với việc kiểm tra, đánh giá

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học ngữ pháp ở bậc trung học phổ thông (ban cơ bản) (Trang 60 - 62)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.5.Quan điểm giao tiếp với việc kiểm tra, đánh giá

2.2.5.1. Mục đích kiểm tra, đánh giá

Kiểm tra đánh giá là khâu không thể thiếu trong quá trình dạy học. Kiểm tra là thu thập thông tin về kết quả thực hiện mục tiêu dạy học, đánh giá là xác định mức độ đạt được về việc thực hiện những mục tiêu đó. Thông qua kết quả thu nhận được GV sẽ biết được mức độ hiểu, vận dụng kiến thức của HS, sự tiến bộ của từng HS trong thời gian học tập nhất định cũng như nhận biết được hiệu quả của các PP dạy học đã áp dụng, từ đó trả lời cho câu hỏi có nên thay đổi, điều chỉnh nội dung, PP, hình thức học, dạy học hay không. Đối với HS, kiểm tra, đánh giá giúp các em nhận biết được khả năng học tập của mình so với yêu cầu của chương trình học, từ đó thấy được mặt đạt, mặt chưa đạt trong nhận thức để điều chỉnh PP học tập. Ở bậc THPT, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo quan điểm giao tiếp có mục đích trọng tâm là đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt của HS trên cơ sở nghe, nói, đọc, viết. Tùy theo từng mục đích, ta sẽ lựa chọn nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá tương ứng.

2.2.5.2. Nội dung kiểm tra, đánh giá

Dựa vào mục tiêu bài học, nội dung dạy học và mục đích kiểm tra đánh giá mà xác định nội dung kiểm tra đánh giá. Kiểm tra đánh giá kiến thức ngữ pháp, kĩ năng nhận diện phân loại các đơn vị ngôn ngữ của người học là cần nhưng nội dung cần được xem trọng trước hết là:

+ Mức độ hiểu quy tắc sử dụng TV

+ Khả năng vận dụng quy tắc TV vào tiếp nhận văn bản và sản sinh văn bản.

Để đánh giá được chính xác khả năng của HS, khi thiết kế đề kiểm tra GV cần tính toán đến sự cân đối, hợp lí về dung lượng đề với thời lượng làm bài. Ngoài ra đề bài cần phải xem xét đến việc kiểm tra cả kĩ năng tiếp nhận lời và kĩ năng tạo lập lời ở người học. “

Sự ưu tiên một cách thái quá cho việc kiểm tra kĩ năng tạo lời mà ít chú ý đến kĩ năng tiếp nhận, hay ưu tiên một cách cực đoan cho việc kiểm tra kĩ năng sử dụng lời viết mà coi nhẹ kĩ năng sử dụng lời miệng (hoặc ngược lại) có thể dẫn đến kết quả đánh giá không toàn diện, từ đó kéo theo sự mất cân đối trong nội dung dạy học và mất cân bằng trong kĩ năng sử dụng lời nói của HS” [9, 139].

2.2.5.3. Hình thức kiểm tra, đánh giá

Hình thức của hoạt động kiểm tra, đánh giá tùy thuộc vào nội dung và mục đích của việc kiểm tra, đánh giá. Tùy theo nội dung cần kiểm tra và mục đích của việc kiểm tra mà hình thức kiểm tra sẽ được lựa chọn cho phù hợp, như cân nhắc để chọn thời điểm, nội dung và hình thức đề. Ví dụ để theo dõi mức độ tiếp thu bài của HS, GV nên thực hiện đánh giá ngay trong tiết dạy bằng những câu hỏi, những tình huống cụ thể gắn với nội dung vừa truyền đạt. Còn để lưu lại kết quả của HS sau khi học, GV thực hiện đánh giá thường xuyên sau khi dạy xong mỗi bài và đánh giá định kì theo quy định. Đối với trường hợp này, đề kiểm tra là một nhân tố quan trọng góp phần giúp GV đưa ra những nhận xét chính xác về năng lực của người học. Theo quan điểm giao tiếp, đề bài cần có một tỉ lệ thích đáng cho yêu cầu tự luận bởi vì một mặt tự luận giúp người viết rèn luyện kĩ năng viết, mặt khác thông qua bài luận, GV sẽ đánh giá được tốt nhất năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. Ngoài ra để HS có được định hướng đúng cho bài viết và hứng thú làm bài, đề bài cần rõ ràng, cần chú ý đến ý nghĩa thiết thực, gần gũi của các nhân tố giao tiếp đối với người học. Ví dụ, đối với HS THPT ở thôn quê, GV không nên ra đề mà các nhân tố giao tiếp khá xa lạ

với độ tuổi, hoàn cảnh của các em, chẳng hạn như: Em hãy viết một đoạn văn bản khoảng 5 câu có sử dụng câu bị động, câu có khởi ngữ để kể lại chuyến thăm viện bảo tàng TP.HCM.

Việc đánh giá kết quả bài kiểm tra có thể được thực hiện theo hai cách: GV đánh giá HS và HS đánh giá HS. Cách thứ nhất là cách làm truyền thống, giúp GV có được kết quả chính xác về bài kiểm tra nhưng không phát huy được vai trò của người học trong quá trình đánh giá. Cách thứ hai khắc phục được nhược điểm của cách thứ nhất bởi nó yêu cầu người học phải tham gia vào việc nhận xét sản phẩm của bạn học. Cách làm này sẽ tạo điều kiện cho HS học hỏi điểm hay, phát hiện những sai sót trong bài của bạn để rút kinh nghiệm cho những bài làm kế tiếp của mình. Đồng thời để HS đánh giá lẫn nhau cũng là cách giúp các em dần rèn luyện kĩ năng nhận xét đánh giá, đây là kĩ năng cần thiết cho các em trong cuộc sống .

Bên cạnh đánh giá cá nhân, GV cần sử dụng hình thức đánh giá nhóm trong hoạt động kiểm tra đánh giá. Đánh giá nhóm sẽ thúc đẩy các thành viên hỗ trợ tích cực với nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung. Bởi vì muốn hoạt động nhóm thành công, đạt kết quả cao từng thành viên ngoài tinh thần làm việc tích cực còn phải kết hợp hiệu quả với các thành viên khác.

Dù thực hiện đánh giá theo cách nào thì để có được kết quả khách quan, chính xác, GV cần ra đáp án, tiêu chí đánh giá với thang điểm tương ứng. Đáp án cho phần tự luận cần có độ mở nhất định vì không thể có đáp án chung cứng nhắc cho hoạt động sáng tạo bằng ngôn ngữ của người học. Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc cho điểm HS khi đánh giá là cần thiết nhưng điểm số không phải là mục đích cuối cùng của hoạt động này. Đánh giá nên là việc làm thường xuyên thu thập, phân tích những dữ liệu thể hiện năng lực của HS để qua đó HS rút ra được những nhược điểm để cải thiện, những ưu điểm để phát huy. Muốn việc đánh giá thực hiện được ý nghĩa tích cực của nó thì GV cần phải đánh giá chính xác, đúng năng lực của người học bởi vì “đánh giá cao hơn thực tế sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu vươn lên; ngược lại, đánh giá khắt khe quá mức hoặc có thái độ thiếu thân thiện, không thấy được sự tiến bộ, sẽ ức chế tình cảm, trí tuệ, giảm vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của HS” [3, 11]

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học ngữ pháp ở bậc trung học phổ thông (ban cơ bản) (Trang 60 - 62)