Khái niệm phương pháp giao tiếp trong dạy học

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học ngữ pháp ở bậc trung học phổ thông (ban cơ bản) (Trang 29 - 30)

6. Cấu trúc của luận văn

1.1.5. Khái niệm phương pháp giao tiếp trong dạy học

Dạy ngôn ngữ theo phương pháp giao tiếp là mô phỏng con đường hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của con người vào việc thiết kế và thực hiện chương trình học tập nhằm giúp người học thụ đắc năng lực này một cách nhanh chóng và bền vững.

Theo Celce-Murcia và các cộng sự, năng lực giao tiếp (com municative competence) được thể hiện ở năm khía cạnh như sau :

- Năng lực diễn ngôn (discourse competence): khả năng sắp xếp, tổ chức từ ngữ, cấu trúc để tạo được một diễn ngôn có tính liên kết, mạch lạc.

- Năng lực ngôn ngữ (linguistic competence): các kiến thức về hệ thống ngôn ngữ, như kiến thức về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, chính tả..làm cơ sở để thực hiện giao tiếp dưới hình thức văn bản (diễn ngôn) nói cũng như viết.

- Năng lực hành động lời nói (actional competence): khả năng biểu đạt ý định bằng hình thái ngôn ngữ thích hợp dựa trên kiến thức về chức năng ngôn ngữ và hành động lời nói (speech act).

- Năng lực văn hóa-xã hội (socio-cultural competence): khả năng biểu đạt hành động lời nói một cách phù hợp trong bối cảnh văn hóa- xã hội cụ thể.

- Năng lưc chiến lược (strategic competence): khả năng đàm phán ngữ nghĩa (negotiation for meaning) để đạt được sự thông hiểu lẫn nhau khi năng lực ngôn ngữ còn thấp và có thể gây khó khăn cho giao tiếp.

Có thể thấy ưu điểm rõ rệt của quan niệm nói trên là chỉ ra được sự cần thiết hình thành và phát triển năng lực chiến lược và năng lực văn hóa – xã hội của người học. Người học, nhất là trong giai đoạn đầu, thường không có đủ vốn từ, vốn ngữ pháp để diễn đạt ý tưởng của mình và tiếp thu ý kiến người khác. Bên cạnh đó, việc học theo phương pháp cấu trúc đơn thuần cũng không tạo được cho người học khả năng biểu đạt hành động lời nói một cách phù hợp trong bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể, nhất là khi việc học diễn ra ngoài môi trường giao tiếp của người bản ngữ. Chương trình dạy học mới phải rèn cho họ khắc phục những hạn chế này, biết cách xoay xở để đạt được sự thông hiểu lẫn nhau với người đối thoại và cách nói năng phù hợp với phong tục, tập quán của người bản ngữ. Đó không chỉ là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà còn là kỹ năng mềm cần được rèn luyện.

Bên cạnh ưu điểm trên, danh sách năng lực giao tiếp do nhóm Celce-Murcia đề xuất có một nhược điểm khá căn bản là không chú ý đến năng lực tiếp thụ (giải mã) của nhân vật giao tiếp. Quả thực, khi nói đến năng lực diễn ngôn, các tác giả chỉ đề cập khả năng tạo được một diễn ngôn có tính liên kết mạch lạc; khi giải thích về năng lực lời nói, các tác giả chỉ quan tâm đến khả năng biểu đạt ý định bằng hình thái ngôn ngữ thích hợp; và khi bàn về năng lực văn hóa xã hội, chỉ thấy khả năng biểu đạt hành động lời nói một cách phù hợp trong bối cảnh văn hóa- xã hội cụ thể. Các kỹ năng tiếp thụ văn bản (diễn ngôn) như nghe, đọc không được xếp vào bất cứ năng lực nào.

Việc tách năng lực chiến lược, cụ thể là, năng lực đàm phán ngữ nghĩa khỏi năng lực hành động lời nói cũng không thật hợp lý bởi vì năng lực chiến lược chỉ là một bộ phận của năng lực hành động lời nói. Sự phân biệt năng lực hành động lời nói với năng lực diễn ngôn cũng có thể khiến người đọc băn khoăn về sự cần thiết và tính thuyết phục của việc này. Sự thực thì diễn ngôn là sản phẩm của hành động lời nói. Và kết quả mà hành động lời nói tạo ra – “hình thái ngôn ngữ thích hợp”để biểu đạt ý định của người nói như quan niệm của các tác giả- cũng chính là diễn ngôn.

Từ những điều đã phân tích, có thể hình dung nhiệm vụ của môn học trong việc tạo năng lực giao tiếp là tạo ra các năng lực cụ thể như sau:

- Năng lực ngôn ngữ

- Năng lực hành động lời nói - Năng lực văn hóa-xã hội

Mỗi năng lực đều bao gồm hai khía cạnh tạo lập và tiếp nhận văn bản (diễn ngôn). Đó là những năng lực mà GV cần hình thành cho HS khi dạy học Tiếng Việt, đặc biệt là dạy học phân môn ngữ pháp.

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học ngữ pháp ở bậc trung học phổ thông (ban cơ bản) (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)