Vị trí, đặc điểm của phân môn ngữ pháp

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học ngữ pháp ở bậc trung học phổ thông (ban cơ bản) (Trang 30 - 32)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Vị trí, đặc điểm của phân môn ngữ pháp

Các kiến thức ngữ pháp được dạy liên tục từ bậc tiểu học đến THPT. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ngữ pháp trong hệ thống ngôn ngữ nói chung và trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ nói riêng. Dạy ngữ pháp phải giúp HS nắm được đặc điểm loại hình của TV về mặt ngữ pháp, mới có cơ sở để viết câu đúng hay sai, biết sử dụng câu linh hoạt, chính xác trong mọi phong cách văn bản.

Ngữ pháp được quan niệm là một trong ba bộ phận cấu thành của một ngôn ngữ (hệ thống ngôn ngữ bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Trong đó, việc nghiên cứu ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể bao gồm các phân ngành:

-Từ pháp học: đối tượng nghiên cứu là các từ, với mục đích xác định các quy tắc cấu tạo từ, quy tắc biến đổi từ, đặc điểm ngữ pháp của các từ loại.

- Cú pháp học: nghiên cứu quy tắc cấu tạo cụm từ và câu (kết hợp các từ thành cụm từ, kết hợp các từ, cụm từ thành câu, tổ chức các thành phần câu và các kiểu câu).

Như vậy, so với ngữ âm và từ vựng thì ngữ pháp có tính khái quát cao hơn: những khái niệm ngữ pháp bao quát hàng loạt hiện tượng ngôn ngữ, những quy tắc ngữ pháp hoạt động trong rất nhiều đơn vị ngôn ngữ cụ thể.

Chính vì vậy, đây là phân môn được dạy liên tục trong mọi lớp và mọi cấp học ở nhà trường nên với những kiến thức ngữ pháp cơ bản, HS đã được tìm hiểu ở các lớp dưới, lên bậc THPT, chương trình chủ yếu là đi vào thực hành việc sử dụng câu như thế nào cho đạt hiệu quả giao tiếp. Mặt khác, những bài học ngữ pháp ở chương trình THPT còn quan tâm nhiều đến bình diện nghĩa học và dụng học của câu.

Chương trình ngữ pháp ở trường THPT có những điểm nổi rõ như sau:

-Ôn tập và thực hành phần cú pháp, nghĩa là phần ngữ pháp ở bậc câu và ở lĩnh vực trên câu (văn bản).

-Đặc biệt chú trọng đến bình diện ngữ nghĩa của câu. Vấn đề này liên quan đến các hành vi ngôn ngữ khi sử dụng ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp.

-Khảo sát, trình bày câu trong hoạt động hành chức của nó. Dạy và học về câu khộng thể chỉ dừng lại ở việc nhận thức mô hình cấu tạo của câu, ở việc tìm hiểu câu trong trạng thái cô lập mà còn chú trọng vào việc tạo dựng câu trong mối liên hệ với hoàn cảnh giao tiếp, với những câu khác trong ngôn bản.

-Lựa chọn những vấn đề có tác dụng thực tiễn cao, gắn lý thuyết với thực hành, chú ý thực hành hiều hơn . Các bài thực hành chủ yếu ôn luyện kiến thức đã học ở bậc THCS, bài tìm hiểu kiến thức mới cũng rất coi trọng thực hành.

-Bồi dưỡng năng lực phân tích, thẩm định các giá trị của ngôn ngữ văn chương, tích hợp việc dạy và học ngôn ngữ với văn học.

-Tiếp tục thực hiện mục tiêu rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt, nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học ngữ pháp ở bậc trung học phổ thông (ban cơ bản) (Trang 30 - 32)