7. Cấu trúc của luận văn
3.4.2.3. Giọng điệu xót xa, thương cảm
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn 88
Trong hai tập truyện trên, nhà văn không chỉ ca ngợi con người và cuộc sống mà còn chú ý khám phá, phát hiện những số phận đáng thương trong xã hội. Bởi vậy truyện của ông còn là những suy ngẫm đầy xót xa, ngậm ngùi về thế sự nhân sinh. Nhà văn công khai bày tỏ thái độ của mình cho nên trong sáng tác của ông giọng điệu xót xa thương cảm được sử dụng với tỉ lệ không nhỏ. Điều này xuất phát từ quan niệm về hiện thực và con người của nhà văn sau thời kì đổi mới.
Người đọc không thể quên được Mã Đại Câu trong “Mã Đại Câu, người quét chợ Mường Cang” một con người vừa đáng giận vừa đáng thương xót. “Có thể nói lão là một người khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Sống giữa cộng đồng mà chẳng có ai thân thích, lão cứ vật vờ lủi thủi như cái bóng ma” [6]. Khi đã trải qua những sóng gió thì lão chìm trong tuyệt vọng: “Lão bước chậm chạp, uể oải…vẫn cái mặt gớm guốc, bẩn thỉu ngày nào, nay gia thêm sự mệt mỏi quá độ”. Thật đớn đau trước nỗi thống khổ của lão, người kể chuyện đã bình luận: “Khốn nạn! Mã Đại Câu ơi! Đường sáng không đi sao lại đâm quàng vào ngõ tối” [17, tr.146]. Nhà văn đã viết về sự kết thúc cuộc đời của Mã Đại Câu: “Lão ngã rụi xuống, trước tăm tối mà vẫn chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra”. Quả thật: “Ngu đần mà sống với người hiền từ, lương thiện thì quá lắm cũng chỉ làm cho người ta bực mình thôi, chứ ai giết lão làm gì”. Những trang văn có sức lay động trái tim độc giả, ta đau và thương cho những con người chịu cảnh sống đọa đày trong cuộc đời này. Đến với “Ông lão gác vườn và chó Phúm”, ta thấy xót xa cho ông Tài - một người tốt mà chịu nhiều bất hạnh. Trước tình đời, tình người đen bạc ông Tài“mệt nhọc và giày vò đau đớn. Cay đắng và căm phẫn chất đầy”. Giọng điệu cảm thương xót xa của tác giả dành cho nhân vật: “Than ôi! Đời chẳng một chút công bằng với những ai tận tụy với nó cả…Chao ôi! Hóa ra số phận ông lại quá nhiều cay đắng thiệt thòi”
[17, tr.225].
Đọc “Vệ sĩ của quan châu”, người đọc luôn bị ám ảnh bởi vợ chồng người lính già đã cưu mang đứa con hoang từ khi nó còn đỏ hỏn. Thật oái oăm,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn 89
càng lớn đứa trẻ ấy càng có nhiều nét dị biệt. Để rồi sau khi chứng kiến cảnh đứa con đang hả hê đánh đập cái xác người ăn mày thì người mẹ tội nghiệp kia cảm thấy bất lực. Con cái là của để dành, vì vậy dù không có công sinh nhưng vợ chồng người lính già có công dưỡng dục, những mong sớm hôm vui vầy, lẽ ra họ phải nhận được sự báo đáp từ đứa con. Nhưng rồi họ “lặng lẽ rời bỏ vùng đất dữ, ngậm ngùi trước Thần, Phật, ăn năn và tủi hổ vì đã nuôi nấng một hòn máu rơi thành một hung thần tai ác” [17, tr.12]. Họ ra đi như một sự đầu hàng, cam chịu và trốn chạy sự thật phũ phàng, nghiệt ngã. Xót xa thay cho họ, những người tốt mà lại gặp cảnh éo le, trái ngang. Giọt nước mắt của nhân vật hay chính là nỗi lòng thương cảm của nhà văn, của người đọc dành cho họ? Phải chăng đó là sự cộng hưởng của những trái tim biết thổn thức đớn đau.
Trong các sáng tác về miền núi, thông qua số phận đau khổ của các nhân vật, Ma Văn Kháng luôn trăn trở làm thế nào để những con người ấy tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Hơn một lần tim ta đớn đau khi cái Léng trong “Thím Hoóng” đã nhốt mẹ đẻ của mình vào cái thống gạo cho chết. Nó truyên bố trái tim nó “không có chỗ dành cho mẹ cha”. Người mẹ đau đớn biết chừng nào khi phải rên lên: “Ai xui mày ác thế, Léng ơi!”. Để rồi cuối cùng cái chết là sự giải thoát khỏi những nỗi đau tinh thần cho thím Hoóng. Thông qua cái nhìn của nhân vật tôi, nhà văn đã thể hiện sự thương cảm, xót xa cho người phụ nữ bất hạnh này.
Bên cạnh đó, nhà văn còn thể hiện sự xót xa cho số phận người phụ nữ dân tộc bất hạnh như Seo Ly trong “Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường”. Seo Ly là hiện thân của cái đẹp, vậy mà cái đẹp ấy không được trân trọng. Cái đẹp bị bêu rếu, bị săm soi bởi cả cộng đồng không mấy thiện cảm, không quý trọng mà chỉ muốn chiếm đoạt, sở hữu. Giọng điệu xót xa thương cảm cũng là minh chứng cho sự gắn bó sâu nặng của tác giả đối với cuộc sống và con người ở miền núi.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn 90
Ngoài ra, ta còn bắt gặp giọng điệu lo âu, ngậm ngùi trước những thói ích kỷ, hẹp hòi, vụ lợi của con người chốn thị thành. Điều đó được thể hiện khi tác giả xây dựng những nhân vật như: Bỉnh, Lễ, Nghĩa trong “Cánh bướm tím”, Vợ Lân trong “Người khổ nhất trần gian”, ông Khái trong “Xa xôi Thôn Ngựa Già”…Từ đó tạo nên giọng tranh luận mang tính triết lý sâu sắc.