7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Nhân vật văn học
Văn học phản ánh cuộc sống và con người bằng hình tượng nhân vật cụ thể, sống động. Nhân vật vừa là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong tác phẩm, vừa là thể hiện sự sống động tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, đồng thời cũng đánh giá được cá tính sáng tạo của tác giả. Nó chuyển tải quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống. Nhân vật là nơi nhà văn kí thác những nỗi niềm, những trăn trở, những ước mơ được biểu đạt ở dạng khái quát nhất. Nhân vật văn học là yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại của tác phẩm văn học.
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học có viết: “Nhân vật văn học là một thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người...”[2, tr.241]
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Trần Đình Sử: “ Nhân vật văn học là những con người cụ thể được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thúc Sinh, Kim Trọng... Đó là những nhân vật không có tên như thằng bán tơ, một mụ nào đó trong Truyện Kiều... Đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật mang đặc điểm và tính cách con người...’‟[35, tr.115].
Các nhà văn, các nhà nghiên cứu, nhà lí luận văn học vẫn cơ bản gặp nhau ở những nội hàm không thể thiếu của khái niệm này: Thứ nhất, đó phải là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng những phương tiện văn học. Thứ
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn 28
hai, đó là những con người hoặc là những con vật, đồ vật, sự vật, hiện tượng mang linh hồn con người, là hình ảnh ẩn dụ của con người. Thứ ba, đó là đối tượng mang tính ước lệ và có cách điệu so với đời sống hiện thực bởi nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ tài năng.
Nhân vật văn học có vai trò như thế nào trong tác phẩm? Nhân vật văn học chính là hình ảnh thu nhỏ của con người. Qua cái nhìn của nhà văn, tính cách của nhân vật được nhào nặn ở mức độ nào đó, nhân vật sẽ trở thành hình tượng về con người và cao hơn, nếu tính cách được khắc họa ở những nét điển hình thì nhân vật sẽ trở thành điển hình với con người. Mà theo Biêlinxki: nhà triết học tư duy bằng phép tam đoạn luận, còn nhà thơ tư duy bằng hình tượng cụ thể của một bức tranh. Nói rộng ra tức là văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, bằng những nhân vật cụ thể. Do đó nhân vật là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực. Văn học không thể thiếu nhân vật bởi vì chỉ có thể qua nhân vật nhà văn mới thể hiện nhận thức của mình về xã hội, về con người với những đặc điểm về số phận, tính cách của nó.
Dựa vào chức năng nghệ thuật, nhân vật chia thành nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện. Trong đó, nhân vật chính diện mang trong mình phẩm chất đạo đức phù hợp với lý tưởng xã hội thẩm mỹ của tác giả và thời đại, được nhà văn khẳng định và đề cao. Ngược lại, nhân vật phản diện lại mang những phẩm chất xấu xa, trái với lý tưởng đạo đức của tác giả và thời đại, đáng lên án và phủ định. Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật chia thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Dựa vào thành phần xã hội, ta có thể chia thành các loại nhân vật: nông dân, công nhân, trí thức, bộ đội, công an, thanh niên, trẻ em, lưu manh...