Miêu tả nhân vật qua hành động

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong hai tập truyện của Ma Văn Kháng (San Cha Chải và Xa xôi thôn ngựa già) (Trang 78 - 80)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2. Miêu tả nhân vật qua hành động

Ma Văn Kháng luôn đặt nhân vật của mình trong mối quan hệ với môi trường hoàn cảnh sống, trong mối quan hệ tác động giữa các nhân vật, từ đó làm nổi bật hành động của các nhân vật. Môi trường được xem là cái nôi để qua đó nhân vật suy nghĩ, hành động và bộc lộ tính cách. Mỗi nhân vật khi làm bất cứ điều gì, hành động như thế nào đều đã một phần thể hiện tính cách của mình. Một trong những thủ pháp cơ bản được nhà văn sử dụng để xây dựng nhân vật đó là miêu tả hành động. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, tâm lý, tình cảm.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn 72

Trước hết, trong “Đỉa bám chân ai” thông qua hành động mà người đọc nhận ra Thào A Sẩu - trưởng công an xã Quán Dín Ngài là người tính tình quả quyết, lời nói đi đôi với việc làm, quyết tâm trừ cái xấu, cái ác cho bản làng mình. Khi nhận được tin cấp báo đi phục kích bắt bọn buôn lậu thuốc phiện có vũ khí ở thôn Tả Chải. “Anh chụp mũ lên đầu, khoác súng vào vai, nhảy lên lưng ngựa”[17, tr.263]. Bọn buôn lậu đã chống trả quyết liệt “thình lình xả cả cả một băng đạn vào khuôn ngực vạm vỡ của anh”. Trước khi ngã xuống “anh vẫn còn dồn được sức lao đến ôm ghì tên trùm để đồng đội phía sau tiến lên bắt giữ” [17, tr.264]. Chính sự hy sinh của anh Sẩu đã khiến cho lão Xuyển -

một người nghiện thuốc phiện lâu năm đã có thêm quyết tâm từ bỏ “nàng tiên nâu”. Lão ngồi thừ bên bên bếp lửa một ngày, sáng hôm sau trở dậy, kiếm gỗ rồi cặm cụi suốt đêm một mình đóng chiếc cũi, tự biến mình thành tù nhân. Hành động này của lão Xuyển khiến bà vợ băn khoăn, không hiểu ông lão đang làm gì. Và rồi“Lão Xuyển đã chui vào cũi, bấm khóa gang và rút chìa, ném tọt xuống ao. Lão Xuyển chui vào cũi tự nhốt mình” [17, tr.267]. Lão tự nhốt mình, tự đày ải mình để chế ngự những cơn thèm thuốc đến vật vã, đau đớn. Hành động đó chứng tỏ lão Xuyển rất nghị lực và dũng cảm. Đó là sự thức tỉnh của con người để quay về với cộng đồng, tự gột rửa thanh lọc bản thân, đúng như lời anh Sẩu đã nói “Đỉa bám chân ai thì phải tự gỡ lấy”.

Nhân vật Lý A Lừ trong “Hoa gạo đỏ” lại được khắc họa qua hành động kề vai, cõng phiến đá nặng trên lưng, băng rừng vượt suối để đưa báu vật của vua về với bản làng của mình. “Ông Lừ đã dựng phiến đá dậy, đặt nó vào hai sợi dây da. Ngồi xuống, áp lưng vào phiến đá, ngoằng hai đầu dây vào vai, tay nắm hai đầu dây còn lại, nhịn hơi, mặt căng nhức, ông Lừ từ từ đứng lên trên hai đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực trẹo trọ gẫy khục. Nhưng mà không, ông Lừ đã đứng dậy được. Ông đã bước đi. Loạng choạng mấy bước đầu, nhưng ngay ngắn dần. Ông quàng sợi dây da lên trán. Đầu ông giờ là cái cọc giữ lấy phiến đá nặng ” [17, tr.60]. Hành động của ông thật đẹp bởi thông qua đó ta nhận ra được tính cách, phẩm chất tốt đẹp của người miền núi. Đồng thời hành động đó

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn 73

đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, lòng dũng cảm, sự giản dị chất phác và tình yêu thương giữa con người với con người. Ngoài ra, trong “Mùa săn ở Na Le”, hành động giết hổ rồi vác về làng của Quân cho thấy đó là con người dũng cảm, quyết tâm trừ hại cho dân bản.

Còn trong “Vệ sĩ của quan châu”, tác giả đã miêu tả hành động của Khun đúng như bản chất con người hắn: bạo liệt và tàn nhẫn. “Mười lăm tuổi nó đã xung vào đội quân chuyên đi đâm thuê chém mướn của quan châu”. Đáng sợ hơn khi bà mẹ đi tìm thì thấy Khun đang ở bãi thả ngựa “ở đó có một xác người ăn mày chết đói. Nó dựng xác người nọ lên và nhảy quanh, cầm gậy đập cho đến lúc đầu của con người xấu số nọ chỉ còn bằng nắm tay” [17, tr.11]. Khi đã là vệ sĩ của quan châu, Khun đã “bắn chết thằng bé ăn trộm ngựa bằng tài thiện xạ và bản năng đánh hơi thú rừngHắn thích giết người và không sợ bị người giết”. Ngay cả khi gần gũi với người đàn bà tên Coỏng thì tình dục, cơn khoái lạc cực điểm cũng vẫn không che khuất được bản năng đao phủ của Khun: “hắn cắn cấu, đánh đấm, có lúc gào gầm như hổ báo động cỡn ngay trong lúc làm tình…” [17, tr.16].

Thông qua sự khảo sát trên, chúng tôi nhận thấy, hai tập truyện San Cha Chải Xa xôi Thôn Ngựa Già của Ma Văn Kháng đã thể hiện được quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Những chi tiết, hành động được chắt lọc, chọn lựa cẩn thận để phục vụ cho việc xây dựng nhân vật. Tính cách, bản chất bên trong của nhân vật chủ yếu được bộc lộ qua hành động.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong hai tập truyện của Ma Văn Kháng (San Cha Chải và Xa xôi thôn ngựa già) (Trang 78 - 80)