tiểu học
Phương pháp quản lý là bộ phận năng động nhất trong hệ thống quản lý nó là nhân tố biến đổi hệ quản lý từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Nó phải luôn luôn thích nghi với những biến đổi bên trong và bên ngoài hệ thống. [27]
Để tác động đến yếu tố con người trong lao động, để phát huy nguồn động lực con người, người ta có thể chia thành ba loại động lực cơ bản, đó là động lực hành chính - tổ chức, động lực kinh tế và động lực tinh thần. Mỗi loại động lực đều phát huy sức sáng tạo của con người và cũng đòi hỏi những cách tác động khác nhau để khơi dậy những nguồn lực đó. Chủ thể quản lý phải biết khơi nguồn các động lực sáng tạo, tạo ra hợp lực để hướng vào mục tiêu chung.
Dựa trên phương thức tác động vào 3 loại động lực cơ bản trên, tương ứng có 3 phương pháp quản lý chính: phương pháp hành chính - pháp luật,
phương pháp kinh tế và phương pháp giáo dục - tâm lí. Mỗi phương pháp quản lý đặc trưng cho một thủ pháp tạo động cơ và động lực thúc đẩy đối tượng quản lý.
1.9.1. Phương pháp hành chính - pháp luật trong công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học
Phương pháp hành chính - pháp luật là tổng thể các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ thể quản lý đến đối tượng bị quản lý dựa trên cơ sở quan hệ tổ chức và quyền lực của Nhà nước. Đặc trưng của phương pháp này là sự cưỡng bức đơn phương của chủ thể quản lý. Quan hệ ở đây là quan hệ giữa quyền uy và phục tùng; giữa cấp trên và cấp dưới; giữa cá nhân và tổ chức.
Có nhiều văn bản pháp quy để thực hiện phương pháp này, đó là : Luật giáo dục, điều lệ nhà trường phổ thông, quy chế tổ chức hoạt động của trường, quyết định, nghị quyết, chỉ thị, các văn bản hành chính…
Để vận dụng tốt phương pháp hành chính - phápluật vào trong quản lí công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học (GVTH), trước tiên đòi hỏi hiệu trưởng phải nắm rõ các nguyên tắc, quy trình của phương pháp; nắm bắt toàn bộ nội dung và ý nghĩa cũng như quy trình thực hiện các quy chế, quy định đã ban hành có liên quan, từ đó quán triệt trong đội ngũ sao cho có một mặt bằng kiến thức và nhận thức đúng đắn về quy mô và phạm vi áp dụng trên.
Ví dụ: từ những văn bản pháp quy hiện hành, trước hết là Luật Giáo dục; Điều lệ nhà trường; Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Thông tư số 12/2012/TT-BGDĐT ngày 03/4/2012 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác Thi đua, Khen thưởng; các Thông tư của Bộ, Ngành liên
quan (Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT&BNV về việc quy định định mức biên chế trong các cơ sở giáo dục công lập; Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 16/4/2006 ban hành quy định về đạo đức nhà giáo;...); những văn bản pháp quy mới; những hướng dẫn thực hiện, những quy định của tỉnh, huyện ..., Phòng GD&ĐT tổ chức quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý và chỉ đạo thực hiện từ cơ sở trường học.
Phòng GD&ĐT phân công cán bộ chỉ đạo cơ sở thường xuyên liên hệ, kiểm tra, hướng dẫn đơn vị khi có khó khăn vướng mắc, trong những lần họp hiệu trưởng định kì, cần nhân điển hình những kinh nghiệm hay, những sáng kiến có hiệu quả cao, đồng thời rút kinh nghiệm những trường hợp sai sót. Có kế hoạch thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề; tổng kết, đánh giá xếp loại thi đua đơn vị. Những đơn vị có thành tích xuất sắc (Trong đó có việc thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn cho GVTH) thì lập hồ sơ đề nghị cấp trên khen thưởng, những tồn tại thiếu yếu thì phê bình, nhắc nhở chấn chỉnh, trường hợp vi phạm thì xử lý kỷ luật.
Như vậy, tất cả GVTH quán triệt vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình, từ đó ý thức được việc bồi dưỡng chuyên môn là một nhiệm vụ quan trọng, nếu không thực hiện hoặc thực hiện với tinh thần không cao, không đem đến hiệu quả coi như đã vi phạm. Và khi đã vi phạm thì phải xử lí nghiêm để giữ nền nếp, kỉ cương trong nhà trường.
Ở trường: sau khi quán triệt các văn bản pháp quy của cấp trên, CBQL quán triệt lại trong đội ngũ CB, GV, NV của trường, Hội đồng thi đua của nhà trường sẽ cụ thể hóa các quy định pháp quy đó để đặt ra nội quy, quy chế của nhà trường và việc thực hiện tốt những quy định đó sẽ là tiêu chí thi đua của tập thể và cá nhân, những nội dung đó còn được đưa vào kế hoạch, nghị quyết
của tập thể đơn vị.
CBQL, chủ tịch công đoàn trường thường trực theo dõi việc thực hiện trong đơn vị, có sơ tổng kết định kì; có kế hoạch kiểm tra nội bộ (Ví dụ: Thông qua bảng chấm công hàng tuần, thông qua việc thực hiện hồ sơ sổ sách, dự giờ, thao giảng; tham gia các hoạt động thi đua trong trường, sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể xã hội...), có khen thưởng, trách phạt kịp thời, đúng mức.
Ví dụ : người nào vi phạm nội quy, quy định của cơ quan/ không thực hiện theo kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho GV của trường thì HT nhắc nhở, áp dụng các hình thức kỷ luật để răn đe.
1.9.2. Phương pháp kinh tế trong quản lí công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học
Những khả năng của con người xét về thể lực là có giới hạn, nhưng về sức sáng tạo, khả năng trí tuệ, kỹ năng thì vô tận. Để đạt được những mục tiêu và hiệu quả hoạt động trong bất kỳ một nhóm xã hội nào thì hệ thống quản lý phải có những phương hướng và phương pháp để phát hiện, nuôi dưỡng và khai thác những tiềm năng, sức sáng tạo của con người.
Phương pháp kinh tế là tổng hợp các cách thức vận dụng các lợi ích và các đòn bẩy kinh tế để kích thích cá nhân, tập thể tích cực tham gia các công việc chung và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Là một phương pháp có tác động mạnh mẽ và hiệu quả cao dựa trên sự kết hợp giữa việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với lợi ích của người lao động.
Sử dụng phương pháp kinh tế trong quản lí công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học, các cấp quản lí trước hết cũng phải nắm vững hệ thống văn bản pháp quy chuyên ngành, quy định về thi đua, khen thưởng… Bên cạnh đó, phải làm tốt nội dung kế hoạch huy động nguồn kinh phí để có nguồn sử dụng kịp thời. Đối với những thành viên tích cực học tập, có nhiều
đóng góp nổi bật cho nhà trường (Vận động, hỗ trợ, chỉ dẫn cho đồng nghiệp học tập…); sau mỗi đợt tổng kết phong trào thi đua (Thi GV dạy giỏi; thi viết sáng kiến, kinh nghiệm dạy học…), trường có chế độ khen thưởng (Tiền thưởng, quà, vé tham quan du lịch…), ngoài ra, đề nghị nâng lương trước thời hạn cho CB,GV, NV đó.
Từ quỹ phúc lợi của trường, vào những ngày lễ, tết trong năm, trường tăng dần số tiền lễ, tết cho CB,GV, NV; đặc biệt là khen thưởng GV dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên để kích thích tinh thần, phát huy sức sáng tạo, đóng góp của cá nhân.
Bên cạnh việc kích thích bằng vật chất, còn có biện pháp kích thích về
tinh thần như : phong danh hiệu thi đua, danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp,
nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, xét và kết nạp Đảng cho các cá nhân tích cực, tạo điều kiện được học ở bậc học cao hơn… cũng đem lại hiệu quả thiết thực trong quản lí.
1.9.3. Phương pháp giáo dục - tâm lý trong quản lí công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học
Phương pháp giáo dục - tâm lý là tổng thể những tác động đến trí tuệ, tình cảm, ý thức và nhân cách của con người. Mục đích của phương pháp này là thông qua những mối quan hệ liên nhân cách tác động lên con người nhằm cung cấp, trang bị thêm hiểu biết, hình thành những quan điểm đúng đắn, nâng cao khả năng cũng như trình độ thực hiện nhiệm vụ của đối tượng quản lý giáo dục; đống thời chuẩn bị tư tưởng tình cảm, ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác tự chủ, lòng kiên trì, tinh thần tự chịu trách nhiệm, không khí đoàn kết - lành mạnh… trong tổ chức quản lý giáo dục khi thực hiện nhiệm vụ do chủ thể quản lý đặt ra.
Phương pháp giáo dục - tâm lí thường được coi là thước đo một nhà quản lý thành đạt. Các phương pháp giáo dục - tâm lý bao gồm: giáo dục,
thuyết phục, động viên, tạo dư luận, giao công việc và yêu cầu cao… Đặc điểm của phương pháp giáo dục - tâm lý là dựa trên các kích thích mang tính chất đạo đức, động viên tinh thần, tôn trọng và yêu cầu cao đối với con người. * Sử dụng phương pháp giáo dục - tâm lí trong quản lí công tác bồi dưỡng chuyên môn cho GV, hiệu trưởng cần thực hiện các công việc sau:
- Lập quy hoạch về công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, trong đó cần tính đến mặt bằng xuất phát, năng lực, độ tuổi, cống hiến, tâm huyết của mỗi cá nhân để có lộ trình thích hợp. Luôn trọng dụng, coi mỗi người trong trường ai cũng quan trọng cả; tạo điều kiện cho họ được học tập, làm việc, được thăng tiến dưới nhiều góc độ khác nhau, vì trên đời này ai cũng muốn được thăng tiến cả.
- Khuyến khích phát huy năng lực cá nhân trên cơ sở để mỗi người tham gia tích cực, chủ động vào quá trình hoạt động của đơn vị như việc xác định mục tiêu, lập kế hoạch, giải pháp thực hiện; tham gia ý kiến vào các quyết định quản lý quan trọng,... Từ đó, GV sẽ cảm thấy mình thực sự được thừa nhận, được tin cậy và tự hoàn thiện mình thông qua quá trình làm việc và cống hiến.
- Lấy giáo dục, thuyết phục là chủ yếu trên cơ sở kết hợp giữa gia đình, xã hội và cơ quan, đồng thời tăng cường công tác tư vấn. Biết gần gũi, cảm thông và chia sẻ lúc GV và gia đình của họ gặp khó khăn, hoạn nạn; biết cầu thị để thông cảm, động viên, khích lệ và vị tha lúc GV có trở ngại, có lỗi lầm; biết định hướng, thuyết phục để những ai có sai trái biết khắc phục, điều chỉnh…
- Biết động viên, khen thưởng một cách kịp thời, đúng mực - Đây là cách để thăng hoa niềm vui và phát huy sức sáng tạo, bởi vì trên đời này ai cũng có cái để mà được khen và ai cũng thích được khen cả, nhưng khen phải công khai mà chê phải kín đáo. Hiệu trưởng nên tổ chức khen thưởng GV về
công tác bồi dưỡng chuyên môn ngay sau khi kết thúc các phong trào thi đua, hoặc là vào những dịp lễ, tết thì việc khen thưởng trở nên trang trọng và có ý nghĩa.