6. Kết cấu của luận văn:
1.2.3. Kiểu tường thuật “ủy thác” việc kể cho nhân vật
1.2.3.1. Trong kiểu tường thuật "ủy thác" việc kể cho nhân vật, người tường thuật “luôn luôn muốn tách mình ra khỏi diễn biến của chuyện, dẫn dắt câu chuyện từ ngôi ba, nhưng đến một lúc nào đó muốn cho sự tường thuật được sinh động, lại ủy thác câu chuyện cho một trong các nhân vật, để nhân vật nói năng y nguyên như trong cuộc sống thực. Trường hợp này, người tường thuật vẫn chứng tỏ mình là người “uyên bác”, có thể biết được mọi chuyện trên đời, dù là cách nói riêng biệt của mỗi loại người, mỗi con người cụ thể”
29
Người tường thuật có ý thức tránh khỏi sự đơn điệu và thiếu khách quan, nếu câu chuyện chỉ được dẫn dắt từ ngôi thứ ba. Vì vậy, thỉnh thoảng đến khi cần thiết, người kể tự ý rút lui cho nhân vật tự tìm đến độc giả. Sự rút lui của chủ thể khi kể chuyện để ủy thác việc kể tiếp theo cho nhân vật giúp cho việc khắc họa tính cách, nội tâm của nhân vật được rõ nét. Người đọc thấy mình như đang đối thoại trực tiếp với nhân vật, có ấn tượng về câu chuyện là chân thực và sâu sắc. Điều này chính là do việc sử dụng đan xen lời nói gián tiếp của tác giả - đồng thời là người kể chuyện - với lời nói trực tiếp của nhân vật.
Trong kiểu tường thuật “ủy thác” việc kể cho nhân vật, người tường thuật có thể nhập vào những suy nghĩ, tư tưởng của nhân vật, trong trường hợp này, nhà văn sử dụng các hình thức của lời nói nửa trực tiếp. Người tường thuật có thể “ủy thác” câu chuyện cho một nhân vật trong tác phẩm, khi ấy, lời nói trực tiếp của nhân vật được sử dụng. Những điều này cho thấy khả năng biến thể của viễn cảnh tường thuật trong tác phẩm. Các nhân vật tường thuật từ ngôi ba có thể có những lập trường và quan điểm khác nhau về thời gian, không gian, về tâm lý... Lời tường thuật ở những góc độ khác nhau, có khi lời tường thuật là lời giới thiệu gián tiếp của tác giả, chứng tỏ tác giả đã phân bố lại các chức năng tường thuật giữa một vài quan điểm kể, một vài góc độ nhìn. Chính lối tường thuật này làm cho tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc, gợi sự cảm nhận tinh tế của người đọc.
1.2.3.2. Trong số những truyện ngắn mà chúng tôi khảo sát (49 truyện), thì có 11 truyện tường thuật theo phương thức tường thuật khách quan hóa. Tác giả có lúc trao cho nhân vật điểm nhìn trần thuật.
Ở truyện Bông cẩm thạch, Nguyễn Quang Sáng gần như hoàn toàn “ủy thác” việc kể chuyện cho nhân vật Mì (thực ra tên là Hạnh) và mẹ của cô. Mì hiểu lầm mẹ lấy Việt gian, phản bội lại cha mình. Mẹ của cô hết mực thương con, rất đau xót khi thấy con hiểu lầm về mình, nhưng chưa thể nói ra vì phải gìn giữ bí mật cho cách mạng. Mì rất thương mẹ, nhưng cô không chấp nhận việc mẹ sống với người chồng sau mà cô cho là “Việt gian”. Mì giận mẹ đã quên cha cô, quên mối thù cha cô bị kẻ thù giết hại dã man, quên con đường mà cha cô đã chọn cho đến lúc hy sinh. Cô bỏ nhà đi bộ đội, mang theo đôi bông cẩm thạch là vật kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ. Mì cho rằng mẹ cô không xứng đáng được giữ đôi bông tai đó. Câu chuyện về người cha thân yêu của cô được tái hiện thật sống động nhưng không kém phần bi thương được Mì kể lại với cô bạn thân. Tác giả dẫn dắt câu chuyện của Mì từ
30
ngôi thứ ba: “Mì mới lọt lòng được mấy ngày, mẹ còn yếu. Dạo ấy nhằm tháng bảy. Nước vừa tràn đồng, nước lấp xấp, xuồng không đi được. Giữa cách đồng, cha cô bỏ chân dưới nước, dụm hai đầu gối cho mẹ cô ngồi từ khuya tới tối. Nghe mẹ kể, Mì như thấy cái cảnh ấy đang diễn ra trước mắt mình. Mì thấy mình là một đứa nhỏ trên cánh tay của mẹ, mẹ đang ngồi trên hai đầu gối của cha và người của cha mỗi lúc mỗi lún sâu xuống bùn lầy, chung quanh là cánh đồng nước chảy ra mênh mông”. Để cho câu chuyện thêm sinh động, chủ thể kể chuyện tự ý rút lui để nhân vật Mì nói lên sự ấm ức và thái độ dứt khoát của cô: “Ngày mai mình có thể gặp, nhưng mình không nhận đâu. Liển đưa giùm tôi đôi bông tai này cho má
của mình, nhớ nói là mình gởi lại cho đứa em kế của mình, mình còn một đứa em gái, năm nay nó cũng lớn rồi”.
Những đau khổ, tức giận trong tâm hồn Mì được chính cô bộc bạch, hướng tới sự đồng cảm của người đọc. Sự rút lui của người tường thuật để ủy thác việc kể chuyện cho nhân vật Mì đã làm cho nhân vật này được khắc họa đậm nét với tấm lòng yêu thương cha mẹ, thủy chung với cách mạng, tính cách cương trực, thẳng thắn.
Chủ thể kể chuyện cũng không hề đứng ra “thanh minh” cho sự hiểu nhầm của Mì mà trao việc ấy cho người mẹ. Câu chuyện lấy người chồng sau là một chiến sĩ phản gián nằm trong hàng ngũ của địch được chính người mẹ kể lại với anh chính trị viên đơn vị của Mì giữa tiếng súng nổ dữ dội của trận đánh:
“Khi tôi nhìn lên thì sửng sốt. Hóa ra người ấy là đồng chí. Hồi kháng chiến, anh là cán bộ Liên Việt của quận - tôi thường gặp anh trong các cuộc họp. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi không thấy anh là kẻ thù, mặc dù anh đang làm việc trong tổ chức của giặc. Anh nhìn tôi với đôi mắt - khó nói quá. Vừa mừng vừa ngạc nhiên, vừa ứa nước mắt - Rồi sau đó, tôi biết anh được cơ sở đưa vào tổ chức của địch. Tên quận trưởng là người bà con bên ngoại của anh. Nhờ anh mà tôi móc nối lại được cơ sở và lại bắt đầu hoạt động. Sau đó, tôi xây dựng gia đình với anh ấy”.
Ở Người con đi xa, tác giả đã trao cho các nhân vật kể lại câu chuyện chú bé Đắc trốn
nhà đi bộ đội. Sau ba mươi năm xa nhà theo quân giải phóng đánh đuổi kẻ thù, chú bé Đắc xưa kia nay đã là đại tá Trần Tấn Đắc. Ngày trở về của ông đúng là ngày hội lớn của gia đình, làng xóm. Trong nỗi vui mừng của buổi sum họp, mỗi người đều hồi tưởng lại ngày ông từ giã gia đình và những kỷ niệm về ông.
31
“Thật ra cái hôm đó, cách đây đã ba mươi năm, ông có làm một con chó. Món xào lăn thơm phức khiến ông nhớ chú nhỏ hàng xóm dễ thương, ông bước ra sau hè, nheo một con mắt gọi chú, và múc cho chú một chén đầy. Ông gọi chú vì lòng thương và tính thảo ăn, chứ lúc đó ông nào có biết là chú nhỏ đi bộ đội. Bây giờ nhớ lại ông tưởng như đó là món ăn của buổi tiễn đưa...”.
Ngày đầu kháng chiến của đại tá cũng được một người khác nhớ lại một cách rõ nét:
“Chú còn nhớ không? Buổi chiều bộ đội hành quân, chú đi ngang qua nhà tôi, vai chú mang chiếc nóp, cái nóp bằng cái lưng của chú, chú bận quần cụt, hai bên hông vắt hai trái lựu đạn. Chú nhỏ nhứt nhưng chú đi đầu, phải hôn?”.
Và đây là những dòng hồi ức của người cha về ngày đứa con trai nhỏ của mình trốn nhà theo bộ đội diệt giặc:
“Ông nhớ - ba mươi năm trước, buổi sáng hôm ấy, như mọi ngày ông dậy sớm. Đã đến giờ đến trường theo lệ của con, nhưng ông không thấy con đâu, ông lên tiếng gọi. Không nghe tiếng trả lời, ông vào buồng, vẹt mùng, thấy có một người trùm mền. Ông tốc mền, nhưng không phải thằng Đắc đang nằm, thay vào đó là cái gối dài. Ông hốt hoảng. Đến lúc đó người chị thứ hai của nó mới nói:
- Thằng Đắc nó trấn theo bộ đội rồi cha à!
Tường thuật theo kiểu “ủy thác” cho nhân vật làm cho điểm nhìn của truyện rất linh hoạt, có khi tác giả đứng ởngoài để miêu tả, có khi nhập thân vào nhân vật. Lúc tác giả ở ngoài nhân vật thì dùng lời gián tiếp của chủ thể kể chuyện, lúc nhập vào nhân vật thì sử dụng lời nửa trực tiếp, lúc thì điểm nhìn là của người kể, có khi điểm nhìn “ủy thác” cho nhân vật này hay nhân vật khác. Chính việc sử dụng điểm nhìn linh hoạt như vậy nên cách kể chuyện thật sinh động, khéo léo và tăng thêm tính hiện thực cho câu chuyện được kể.
“Cha mình như vậy, nhưng má mình lại không xứng đáng” (Lời trực tiếp của nhân vật - điểm nhìn của nhân vật Mì). Mì nói giọng căm giận, từng tiếng phát ra một cách khó khăn, nghe the thè (Lời gián tiếp và điểm nhìn của chủ thể kể chuyện). “Chuyện đã vậy thì khóc làm gì” (Lời
trực tiếp của nhân vật Liển), cô nói để an ủi. Rồi nói đay nghiến (lời gián tiếp của chủ thể) -
được rồi, mày để cho tao ngày mai, nếu tao tìm gặp bả, tao sẽ xòe bàn tay cho bả thấy đôi bông, nếu bả đưa tay cầm lấy thì tao nắm lại, tao sẽ đưa tận tay cho em mày (lời trực tiếp và điểm nhìn của nhân vật Liển).
32
Trong quá trình kể chuyện, để câu chuyện mang tính khách quan, chủ thể kể chuyện lần lượt chuyển từ quan điểm người này sang quan điểm người khác tạo nên một cái nhìn khá linh hoạt trong tác phẩm khi kể qua hình thức lời văn trực tiếp và gián tiếp.
Ở kiểu tường thuật “ủy thác” cho nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, điểm nhìn của người kể và nhân vật không phải lúc nào cũng trùng nhau. Khi kể chuyện, tác giả có thể dừng lại, tách mình ra khỏi diễn biến câu chuyện để những nhân vật khác tự kể tiếp câu chuyện, ở truyện Bông cẩm thạch, đoạn đầu là điểm nhìn của tác giả bằng lời văn gián tiếp, kế tiếp là câu chuyện của Mì và câu chuyện của mẹ cô. Lúc này tác giả trao điểm nhìn cho nhân vật khi họ kể chuyện về mình để nhân vật dẫn dắt câu chuyện theo kiểu “truyện được lồng trong truyện” bằng lời văn gián tiếp và trực tiếp của người kể. Có đoạn là lời chen vào của nhân vật Liển như là sự căm tức giùm cho cô bạn. Câu chuyện cho thấy kẻ thù không chỉ tàn phá quê hương, xóm làng, gây chết chóc đau thương cho nhân dân mà còn gieo vào lòng người bao nỗi hiềm nghi chua xót trong quan hệ họ hàng, làng xóm, thậm chí ngay cả trong mẹ con sống dưới một mái nhà.
Tác giả trao cho nhân vật chức năng trần thuật gián tiếp nên câu chuyện vẫn mang quan điểm của tác giả. Như vậy câu chuyện của người mẹ với anh chính trị viên đơn vị về người chồng sau của mình và việc Mì hiểu lầm mẹ lấy Việt gian trong Bông cẩm thạch là lời gián tiếp (dù lời của một nhân vật phải là trực tiếp). Điều này Phương Lựu viết: “Lời của một nhân vật thì phải là lời trực tiếp, nhưng tác giả lại trao cho nó chức năng trần thuật nên lại gián tiếp. Là lời của nhân chứng hoặc của người trong cuộc, là lời kể có một sức thuyết phục riêng, có màu sắc cá tính và cảm xúc đậm đà, nhưng mang sứ mệnh trần thuật, nó phải thể hiện quan điểm cửa tác giả “ [21; 337]. Chính nó tạo nên lời gián tiếp hai giọng trong truyện của Nguyễn Quang Sáng.