Các di tích lịch sử văn hóa

Một phần của tài liệu phân tích tác động của hoạt động du lịch đến môi trường ở tỉnh bình thuận (Trang 45 - 49)

7. Cấu trúc của luận văn:

2.1.3.1. Các di tích lịch sử văn hóa

Đến năm 2011, toàn tỉnh có 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 24 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Số lượng di tích được xếp hạng chưa nhiều nhưng khá đa dạng, thu hút nhiều du khách và các nhà nghiên cứu đến tham quan.

Các di tích lịch sử cấp quốc gia: có 24 di tích được xếp hạng, điển hình là các di tích sau:

Quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư: tọa lạc trên đồi Bà Nài, thuộc xã Phú Hài, cách thành phố Phan Thiết khoảng 7 km. Đây là một trong những di tích văn hóa quý giá còn sót lại của vương quốc Chăm Pa xưa, được xây dựng vào cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, thờ thần Shiva và công chúa Pô Sah Inư. Năm 1991, Tháp được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Nhóm đền tháp Chăm Pôđam: có niên đại thế kỷ VIII- IX thuộc phong cách kiến trúc Hòa Lai, gồm 6 tháp, điều đặc biệt là các cửa chính quay về hướng nam, 6

tháp đều nhỏ và thấp hơn các tháp Chăm khác. Hiện nay chỉ còn 3 tháp tương đối nguyên vẹn hình dạng, còn 3 tháp khác đã bị sụp đổ chỉ còn lại phần đế. Đây là nơi thực hiện các nghi lễ, thờ cúng vua Chăm hàng năm của người Chăm Phú Lạc và các vùng lân cận.

Trường Dục Thanh (thành phố Phan Thiết): được xây dựng vào năm 1907, đến năm 1910, Bác Hồ đã dừng chân dạy học tại đây. Hiện nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn bó với cuộc đời dạy học của Bác, để bày tỏ lòng biết ơn với Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Di tích trường Dục Thanh được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1986.

Đình Vạn Thủy Tú: là một trong những di tích được công nhận và có dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng biển Duyên hải miền trung. Đây là nơi lưu giữ bộ xương cá voi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trong đình còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm liên quan tới nghề biển và một số lượng lớn các sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng để thờ cá Ông và các vị thần biển.

Dinh Thầy Thím: là một trong 3 cụm di tích danh thắng nổi tiếng của tỉnh. Dinh Thầy Thím được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 27- 9-1997. Kiến trúc như ngôi đình làng với nhiều bức hoành phi ca ngợi công đức của vợ chồng Thầy Thím.

Chùa Hang (chùa Cổ Thạch): được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX, tọa lạc trong hang động trên đồi núi Cổ Thạch, thuộc huyện Tuy Phong. Ngoài kiến trúc độc đáo được xây dựng từ nhiều phiến đá lớn nhỏ, nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa lịch sử quý hiếm như: câu đối, bức hoành phi, Đại hồng chung. Chùa Hang được Nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.

Chùa núi Tà Cú: tọa lạc trên núi Tà Cú, ở độ cao hơn 400m, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, do nhà sư Trần Hữu Đức chủ trì xây dựng vào năm 1879, là một trong các di tích lịch sử- văn hóa quốc gia. Đặc biệt tại đây có tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á, tượng nằm nghiêng dài 49m, cao 10m. Từ năm 2003, khu du lịch Tà

Cú đã đưa vào vận hành hệ thống cáp treo hiện đại giúp du khách đến tham quan chùa và khu bảo tồn tự nhiên Tà Cú được thuận lợi hơn.

Vạn An Thạnh: được xây dựng năm 1781, gắn liền với lịch sử hình thành đảo Phú Quý, thuộc xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, với kiến trúc kiểu đình làng và thờ khoảng 70 bộ xương cá voi. Đây là nơi chứa đựng nhiều giá trị vật chất, tinh thần và tín ngưỡng nghề nghiệp của ngư dân đảo Phú Quý.

Các di tích lịch sử cấp tỉnh: có 17 di tích được xếp hạng, với một số di tích điển hình sau:

Chùa bà Đức Sanh: là nơi thờ các vị nữ thần phù trợ sinh đẻ của giới nữ. Đây là tín ngưỡng thờ thần mẫu dân gian duy nhất ở Bình Thuận nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung.

Đình làng Long Hải: được xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các bậc tiền bối đã có công khai mở đất đai, tạo lập làng xã và dựng đình. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm và các di vật có giá trị.

Lầu Ông Hoàng: được xây dựng vào năm 1917, là một quần thể đồi, núi, sông, biển, chùa, tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên giữa ngọn đồi Ngọc Lâm. Hiện nay, lầu Ông Hoàng là một quần thể di tích gồm nhóm tháp Chàm cổ, bên cạnh tháp có chùa Bửu Sơn cổ kính, dưới chân đồi là bờ biển, cửa sông Phú Hài, núi Cố nơi có mộ của nhà thơ Nguyễn Thông…tất cả hợp thành khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách.

Chùa Ông: là ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất của người Hoa, tọa lạc tại phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, thờ Quan Công. Chùa có lối kiến trúc và nghệ thuật trang trí đặc trưng của người Hoa. Từ bao đời nay, Chùa Ông là nơi người dân thường xuyên đến đây cầu nguyện đặc biệt là vào ngày Tết cổ truyền.

Chùa bà Thiên Hậu: được người Hoa xây dựng từ năm 1728 tại xã Phan Rí, huyện Bắc Bình, để thờ Bà Thiên Hậu- một nhân vật trong truyền thuyết thường giúp đỡ những người đi biển khi họ gặp nạn. Chùa Bà Thiên Hậu mang nét kiến trúc cổ điển Trung Hoa trong cách bài trí lẫn màu sắc.

Trung tâm trưng bày văn hóa tộc Chăm: ở Bắc Bình, là nơi lưu giữ, cung cấp tư liệu về nền văn hóa Chăm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân và du khách tham quan nghiên cứu.

2.1.3.2.Các lễ hội

Hàng năm tỉnh Bình Thuận có khá nhiều lễ hội được tổ chức với qui mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Một số lễ hội chính thường được tổ chức hàng năm như:

Lễ hội Mbăng Ka-tê: là lễ hội quan trọng và có quy mô lớn nhất của người Chăm theo đạo Bà La Môn, tổ chức vào tháng 8- 9 âm lịch tại các lăng tẩm, đền miếu và các gia đình đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Mbăng Ka-tê là lễ tưởng nhớ thần linh, các anh hùng, tổ tiên, các vị vua có công với nước đã được thần thánh hóa như: PoKlong, Ga rai, Pôrômê…Đây cũng là dịp người dân hành hương, tổ chức gặp mặt, thăm viếng và thờ phụng tổ tiên.

Lễ hội Dinh Thầy Thím: là một nét văn hóa đặc sắc của riêng tỉnh Bình Thuận. Hàng năm, vào ngày 14- 16 tháng 9 âm lịch, tại Dinh Thầy Thím (La Gi) diễn ra lễ hội lớn nhân ngày giỗ Thầy Thím, để tưởng nhớ đến công ơn hai vợ chồng Thầy Thím có công chữa bệnh giúp dân lành. Lễ hội thu hút rất đông du khách tham gia, người dân thường đến đây để cầu an cho gia đình, xin xăm…

Lễ hội Nghinh Ông: đây là lễ hội tiêu biểu cho phong tục tập quán và tín ngưỡng lâu đời của cộng đồng người Hoa tại thành phố Phan Thiết đối với Quan Thánh Đế Quân diễn ra tại chùa Ông. Lễ hội Nghinh Ông được xem là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia. Từ bao đời nay, Chùa Ông là nơi mà vào ngày Tết cổ truyền, nhân dân lại tụ tập về đây để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và người dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Ramuwan: là lễ hội tiêu biểu của người Chăm theo đạo Bà Ni, vừa mang màu sắc tôn giáo vừa là tín ngưỡng dân gian, được lưu giữ kế thừa từ lâu đời, được ghi nhận trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí (Quốc sử quán triều Nguyễn).

Lễ hội rước đèn trung thu vào đêm rằm tháng 8: hàng ngàn lồng đèn đua nhau tỏa sáng rực rỡ trong màn đêm, đây cũng được xem là lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam hàng năm vào rằm tháng 8.

Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty: diễn ra hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên Đán trên sông Cà Ty (thành phố Phan Thiết). Lễ hội đua thuyền trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân mỗi khi xuân về.

Cùng với sự phong phú, đa dạng của các lễ hội là các loại hình văn hóa nghệ thuật như: chèo Bá Trạo, dân ca Chăm…

Một phần của tài liệu phân tích tác động của hoạt động du lịch đến môi trường ở tỉnh bình thuận (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)