Biện pháp nâng cao năng lực tiếng Việt trong nhà trường

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 111 - 112)

3.2.1.1. Rèn luyện giao tiếp thuần tiếng Việt ở các trường mầm non

Trường mầm non là nơi lần đầu tiên trẻ em tiếp xúc với môi trường hoạt động, giao tiếp có định hướng nên việc hình thành các kỹ năng ban đầu trong sử dụng tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng trong việc chuẩn bị vốn tiếng và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt (chủ yếu là kỹ năng nghe – hiểu) cho trẻ trước khi vào lớp một. Cần biên soạn chương trình, sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc Chăm theo hướng vui chơi theo chủ điểm, chủ đề, qua đó tăng cường tiếng Việt. Trên thực tế, cách làm này đã được thực hiện đối với học sinh dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn (An Giang) từ nhiều năm nay và đem lại hiệu quả; song, lại chưa được thực hiện đối với học sinh dân tộc Chăm.

3.2.1.2. Tạo môi trường giao tiếp trong trường học

Cần hướng học sinh vào hoạt động nói năng trong quá trình giảng dạy tiếng Việt bằng cách tạo các tình huống giao tiếp khác nhau để kích thích động cơ giao tiếp của học sinh như các hoạt động ngoại khóa, vui chơi,…

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần khuyến khích học sinh nói bằng tiếng Việt cả trong giờ học lẫn ngoài giờ học với việc tăng cường tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh. Nội dung của các cuộc tiếp xúc nên hướng vào những chủ đề như gia đình, bè bạn, những hoạt động diễn ra hàng ngày, v.v... Những cuộc tiếp xúc, trò chuyện ấy là cơ hội để học sinh dân tộc Chăm được giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều hơn. Đồng thời, giáo viên (đặc biệt là đối với giáo viên người Kinh ở địa phương khác) phải tự trang bị cho mình vốn hiểu biết về văn hoá, phong tục tập quán của người Chăm bằng cách tham gia vào các sinh hoạt văn hoá, lễ hội tại địa bàn mình đang công tác nhằm

làm tăng vốn ngôn ngữ, văn hoá Chăm cho bản thân để phục vụ cho việc dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chăm được tốt hơn.

Tổ chức sinh hoạt tại Thư viện cho học sinh một cách thường xuyên để các em được tiếp xúc nhiều hơn với các sách báo tiếng Việt khác (bên cạnh sách giáo khoa), qua đó mở rộng vốn từ của bản thân và hình thành ngữ cảm nhất định khi như người nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt.

3.2.1.3. Tổ chức dạy học hướng vào mục đích giao tiếp

Để nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chăm trong giai đoạn hiện nay, trước mắt, hoạt động dạy học môn Tiếng Việt/Ngữ Văn phải hướng vào mục đích giao tiếp. Cụ thể:

- Khi dạy bất cứ một đơn vị ngôn ngữ nào không nên tách biệt mà cần đưa nó vào hoạt động hành chức, tức là đưa nó vào đơn vị lớn hơn. Điều này có nghĩa là giáo viên cần đưa ra nhiều những ví dụ trong thực tiễn nói năng để hình thành năng lực ngữ dụng cho học sinh.

- Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên sử dụng phương pháp dẫn dắt, gợi mở là chủ yếu, trong đó coi trọng vai trò của giáo cụ trực quan và các hình ảnh minh họa. Thường xuyên chú ý chữa lỗi kịp thời cho học sinh trên cả 4 kỹ năng.

Trong các biện pháp nói trên, biện pháp tổ chức dạy học theo mục đích giao tiếp là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chăm. Để làm tốt điều này, giáo viên cần được tập huấn về phương pháp và cách thức tổ chức dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chăm cũng như những biện pháp chữa lỗi tiếng Việt cho học sinh trên các cấp độ ngôn ngữ.

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 111 - 112)