Tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Việt

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 30 - 32)

Việc đo lường năng lực ngôn ngữ hết sức phức tạp. Việt Nam hiện nay cũng chưa xây dựng chuẩn kiến thức - kỹ năng tiếng Việt của học sinh phổ thông; vì vậy, việc đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Việt của học sinh DTTS là hết sức khó khăn. Hơn nữa, học sinh DTTS tiếp thu tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai; do đó, không thể áp dụng cách đánh giá năng lực ngôn ngữ của người học tiếng mẹ đẻ. Có nhiều cách đo lường năng lực ngôn ngữ tùy vào những mục đích khác nhau, tuy nhiên, có hai cách được sử dụng phổ biến: thang mô tả cấp độ thành thạo và các bài thi khảo sát năng lực được chuẩn hóa (Stern, 1983). Các bài kiểm tra khảo sát bao gồm các dạng như sau: bài kiểm tra dựa trên ứng xử ngôn ngữ (của Lambert, Havelka và Gardner, 1959; Macnarama, 1969), kiểm tra mức độ phức tạp của cấu trúc cú pháp (Reynell, 1969), kiểm tra từ vựng hình ảnh (Dunn, 1959), … (Colin Baker) (Dẫn theo Đinh Lư Giang, 2011 [17]). Lý tưởng nhất là xác định năng lực qua việc tổ chức các kỳ thi kiểm tra trình độ như TOEFL, TOIEC, IELTS, JLPT, KLPT, HSK, TOPIK,…

trên cơ sở một chuẩn đánh giá định sẵn (chẳng hạn chuẩn ACTFL của Mỹ, chuẩn DELF hay DALF của Pháp, chuẩn B1, B2 của Châu Âu, …). Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực cho học sinh dân tộc Chăm đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng bài kiểm tra đo năng lực chuẩn. Việc làm này mất nhiều công sức và kinh phí, cần thiết được tiến hành bởi một đề tài khác. Trong giới hạn của một luận văn cao học, chúng tôi chỉ nhằm mục đích mô tả và thống kê, phân nhóm học sinh dân tộc Chăm theo các cấp độ năng lực ngôn ngữ. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn cách đánh giá năng lực tiếng Việt dựa trên phỏng vấn (những học sinh được hỏi sẽ trả lời về khả năng tiếng Việt của mình trên cơ sở thang đo năng lực được thiết kế sẵn) và quan sát những mẫu thu được (bài kiểm tra, thu âm). Cách làm này được rất nhiều nhà nghiên cứu đơn lẻ sử dụng (chẳng hạn như Đinh Lê Thư (2011), Hoàng Quốc (2009, 2012), Hồ Xuân Mai (2013),) …Hơn nữa, trong tình hình đối tượng được đánh giá bao gồm nhiều độ tuổi, nhiều cấp học khác nhau thì việc biên soạn bài kiểm tra đánh giá riêng cho từng nhóm đối tượng sẽ khó khăn cho việc tổng hợp đánh giá chung. Vì thế, xây dựng các câu hỏi theo hướng kiểm tra năng lực bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn dạng đơn giản cho đến phức tạp, câu hỏi đóng trả lời ngắn và câu hỏi mở trả lời dài là phù hợp và cần thiết đối với nghiên cứu này.

Năng lực ngôn ngữ là một nội dung quan trọng trong nghiên cứu đa ngữ ở bình diện cá nhân, là cơ sở để phân loại người đa ngữ. Để phân loại một cách thỏa đáng năng lực đa ngữ của người đa ngữ phải tính đến hàng loạt các yếu tố khác nhau, trong đó, những yếu tố quan trọng là tính độc lập của các mã ngôn ngữ, khả năng chuyển đổi tự do giữa các mã ngôn ngữ, mức độ thành thạo đối với các ngôn ngữ, chức năng sử dụng của ngôn ngữ. Dựa trên các tiêu chí phân loại năng lực đa ngữ, luận văn đưa ra 3 tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm như sau:

- Tiêu chí 1: Năng lực tiếng Việt, được đánh giá trên 5 thang bậc: (1) Thành thạo (2) Khá, (3) Trung bình, (4) Kém, (5) Rất kém.

- Tiêu chí 2: Mức độ thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, được xác định qua 5 mức: (1) Mức 1: Hoàn toàn không biết gì; (2) Mức 2: Nghe nói được, không thể đọc viết, tức là chỉ có khả năng giao tiếp khẩu ngữ mà không có khả năng giao tiếp văn bản, còn gọi là mù chữ; (3) Mức 3: Nghe đọc được, không thể nói viết, tức là chỉ

có khả năng tiếp nhận mà không có khả năng sản sinh ngôn ngữ; (4) Mức 4: Đọc viết được, không thể nghe nói, tức là chỉ có khả năng giao tiếp văn bản mà không thể giao tiếp khẩu ngữ; (5) Mức 5: Thành thạo nghe, nói, đọc, viết. Thành thạo ở đây được hiểu là có thể sử dụng cả 4 kỹ năng mà không bị khiếm khuyết ở một kỹ năng nào. Do đó, có thể có những cấp độ thành thạo khác nhau đối với một người có thể sử dụng cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

- Tiêu chí 3: Chức năng sử dụng của tiếng Việt trong mối quan hệ với tiếng Chăm.

Bảng hỏi được thiết kế nhằm vào 3 mục đích chính tương ứng với 3 tiêu chí đánh giá đã được xác lập ở trên, bao gồm: (1) Tìm hiểu cảm nhận của học sinh về năng lực tiếng Việt của mình, (2) Đánh giá năng lực tiếng Việt qua 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; (3) Tìm hiểu tình hình sử dụng tiếng Việt trong học tập và trong giao tiếp đời sống trong mối quan hệ với tiếng Chăm.

Kết hợp 3 loại tiêu chí nói trên có thể xác định được năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm.

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)