Giới thiệu một vài nét về cảnh huống ngôn ngữ vùng đồng bào dân tộc

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 41 - 47)

Chăm huyện An Phú tỉnh An Giang

Huyện An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang có đường biên giới giáp Campuchia dài 42,8 km, toàn huyện có 12 xã và 02 thị trấn. Mật độ dân số trung bình là trên 800 người/km, cho thấy dân cư ở đây sinh sống khá tập trung. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 [6], huyện An Phú có 177.710 người với 10 dân tộc cùng sinh sống, cụ thể như sau:

Bảng 1.2. Thống kê dân tộc trên địa bàn huyện An Phú

Dân tộc Số người Tỷ lệ (%) Kinh 169.969 95,64 Chăm 7.367 4,15 Hoa 201 0,11 Khmer 156 0,09 Ê Đê 10 0,01 Thái 1 0,00056 Mường 3 0,0017 Ba Na 1 0,00056 Sán Dìu 1 0,00056 Lào 1 0,00056

Mỗi nhóm dân tộc ở huyện An Phú tỉnh An Giang đều có ngôn ngữ riêng. Nhìn vào số lượng dân cư ta thấy rằng người Chăm thuộc vào bộ phận DTTS. Tiếng Chăm là một trong bốn ngôn ngữ có số người sử dụng nhiều nhất ở huyện An Phú. Số lượng người sử dụng tiếng Chăm chỉ đứng sau tiếng Việt. Với tỷ lệ người Kinh chiếm tuyệt đối (95, 64%) trong thành phần dân cư, tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp chính thức của các dân tộc trên địa bàn. Tiếng Khmer mặc dù là ngôn ngữ vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng ở huyện An Phú tiếng Khmer chỉ được thiểu số cư dân Khmer sử dụng trong giao tiếp phi chính thức trong nội bộ cộng đồng. Đối với các dân tộc còn lại, do dân số rất ít, tất nhiên sức sống và khả năng phát triển của ngôn ngữ tộc người sẽ bị hạn chế, chẳng hạn như: Ê Đê, Sán Dìu, Ba Na, Lào, … Hầu hết họ đều sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp, kể cả chính thức và phi chính thức. Do đó, ở cộng đồng

Chăm An Phú chỉ có khả năng song ngữ Chăm – Việt mà không phải là đa ngữ. Tiếng

Việt sẽ là ngôn ngữ giao tiếp chung của các dân tộc. Các chức năng xã hội mà tiếng Việt đảm nhiệm lại rất phong phú, rộng lớn trong nhiều lĩnh vực, trong công văn giấy tờ hành chính, trong giáo dục, thông tin tuyên truyền. Thông qua tiếng Việt, dân tộc Chăm và các dân tộc khác có thể tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, đời sống văn hóa tinh thần cũng như vật chất của tất cả các dân tộc trong cả nước cũng như của nhân loại.

Người Chăm ở huyện An Phú sinh sống hai bên bờ sông Hậu, những cù lao sông, gần với trục lộ giao thông để phục vụ cho việc giao thương do nhu cầu trao đổi sản phẩm. Chính đặc điểm sinh sống cận thị, cận giang này khiến cho người Chăm sống tập trung hơn. Tại những paley, người Chăm sống tụ cư và phân bố xung quanh những thánh đường. Điều đó giúp cho họ thuận tiện hơn trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Do đó, tiếng Chăm nhờ vậy có thể phát huy được chức năng của mình cũng như tính thuần Chăm của tiếng Chăm được đảm bảo [38;309]. Như vậy, trong phạm vi làng (paley), người Chăm sống gắn bó với nhau. Mối quan hệ này có tính bền vững, gắn kết thông qua sinh hoạt tôn giáo chung và quan hệ huyết thống, hôn nhân. Tuy nhiên, xét trong một phạm vi lớn hơn (toàn huyện), đặc điểm sinh sống của người Chăm lại cho thấy sự hòa đồng, đan xen với dân tộc Kinh và các dân tộc khác trên địa bàn. Trong một môi trường sinh sống đan xen (chủ yếu với

người Kinh) như vậy, rõ ràng, người Chăm có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với tiếng Việt; do đó, dẫn đến hình thành trạng thái song ngữ Chăm – Việt ở cộng đồng dân cư Chăm huyện An Phú. Một đặc điểm đáng lưu ý nữa là ở cộng đồng người Chăm An Phú, do tập quán buôn bán xa nhà đã khiến cho một bộ phận dân cư Chăm thường xuyên sử dụng tiếng Việt vì lý do giao tiếp trong quá trình mưu sinh. Theo Nguyễn Văn Khang [38], người Chăm ở An Giang 100% đều có khả năng song ngữ Chăm – Việt. Về mặt chức năng có sự cân bằng. Theo đó, tiếng Chăm giữ vai trò quan trọng trong tất cả các bình diện giao tiếp nội bộ cộng đồng; tiếng Việt được sử dụng

để giao tiếp bên ngoài cộng đồng, hòa đồng với xã hội chung. Mặc dù vậy, năng lực

tiếng Việt của người Chăm có xu hướng trội hơn ở năng lực khẩu ngữ mà không phải năng lực giao tiếp văn bản. Theo thống kê của Phòng dân tộc huyện An Phú, tính đến năm 2014, xã Quốc Thái chỉ có 52,08% số người Chăm biết đọc, viết tiếng Việt; tỷ lệ này ở xã Khánh Bình là 65% và ở xã Nhơn Hội là 80%.

Không ít thì nhiều, tiếng Việt có tác động qua lại với tiếng Chăm. Tuy nhiên, sự tác động của tiếng Việt đối với tiếng Chăm ở An Phú lại không đáng kể (không có khả năng tạo ra sự pha tạp) do cách cư trú tập trung theo làng (paley) và sinh hoạt thường xuyên tại các thánh đường Hồi giáo.

Tiếng Chăm ở An Giang thuộc ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo, là ngôn ngữ đa tiết, khác với tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập phân tích tính. Tiếng Chăm được sử dụng ở huyện An Phú là tiếng Chăm phương ngữ miền Tây (còn gọi là tiếng Chăm Tây) với lưu giữ hiện tượng đa tiết, phát âm đóng, chậm rãi, đôi khi kéo dài âm điệu và có nhiều từ vựng mới được du nhập từ Malaisia, Arab và cả tiếng Việt. Tuy nhiên, tiếng Chăm lại ít bị pha tạp với các ngôn ngữ khác. Để trao đổi với nhau, người Chăm huyện An Phú thường dùng tiếng mẹ đẻ (tiếng Chăm) và hầu hết cũng nói được tiếng Malaisia. Người Chăm phải nói được tiếng Chăm vì tiếng Chăm trước hết được dùng để cầu kinh. Người Chăm cũng cần biết tiếng Malaisia để giao lưu với cộng đồng người Chăm ở Malaisia, Indonesia do mối quan hệ cội nguồn giữa người Chăm Hồi giáo ở An Giang và Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á.

Cộng đồng Chăm Hồi giáo ở An Phú hiện nay sử dụng 5 loại chữ viết, đó là: chữ Arab, chữ Melayu, chữ Rumi, chữ Chăm Latinh hóa và chữ Việt phổ thông. Chữ

Arab là thứ văn tự mang tính tôn giáo được thể hiện trong kinh Qu’ran nên nó được dạy cho trẻ em ngay từ nhỏ tại các lớp học của thầy Tuôn. Biết chữ Arab là một nhu cầu bức thiết đối với mỗi người Chăm ở huyện An Phú. Tuy vậy, vì đây là thứ chữ khó, lại không phản ánh tiếng nói nên thường được học máy móc, có rất ít người hiểu được để có thể giải thích nội dung, ý nghĩa của kinh Qu’ran. Trong khi đó, chữ Melayu, một loại chữ được người Chăm xây dựng dựa vào chữ Arab và chữ Jawi của người Melayu (được các dân tộc theo đạo Hồi ở khu vực Đông Nam Á sử dụng) lại được sử dụng phổ biến và thông dụng trong cộng đồng người Chăm ở huyện An Phú có thể do loại chữ này gần với chữ Quốc ngữ, dễ sử dụng hơn các bộ chữ Chăm khác. Loại chữ này vừa giúp người Chăm tìm hiểu Hồi giáo thông qua các văn bản bằng ngôn ngữ Jawi vừa làm phương tiện chính cho việc ghi chép thông tin và trao đổi văn bản trong cộng đồng. Một số người Chăm lại chủ trương dùng chữ Rumi (Akhar Rumi Bahsa Chăm)1

, tức dùng mẫu tự La Tinh với 30 ký tự chữ cái phụ âm và 8 ký hiệu nguyên âm để phiên âm tiếng Chăm. Tuy nhiên, việc phiên âm La Tinh đến nay vẫn chưa được thống nhất về phương án. Có thể thấy, riêng ở huyện An Phú, hệ thống chữ

viết của người Chăm hiện nay cũng đã khá đa dạng, phức tạp. Điều này khiến cho

việc biên soạn sách giáo khoa dạy tiếng Chăm ở Nam Bộ vẫn chưa được thống nhất, do đó, ở huyện An Phú hiện nay vẫn chưa triển khai được môn học tiếng Chăm trong nhà trường.

Việc tìm hiểu thái độ của người Chăm nói chung và học sinh dân tộc Chăm nói riêng đối với mỗi ngôn ngữ là một trong những yếu tố cơ bản đối với việc nghiên cứu song ngữ cá nhân. Nó thể hiện nhận thức và tình cảm của các cá thể người Chăm đối với ngôn ngữ. Thái độ ngôn ngữ có thể coi là thái độ đối với ngôn ngữ, đó là “sự đánh giá về giá trị và khuynh hướng hành vi của một cộng đồng hay cá nhân đối với một ngôn ngữ nào đó” [31;74]. Cho đến nay, ngôn ngữ học xã hội thường nhắc đến ba loại thái độ cơ bản, đó là: (1) Thái độ trung thành ngôn ngữ; (2) Thái độ tự ti ngôn ngữ, (3) Thái độ kì thị ngôn ngữ. Chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn sâu đối với 30 phụ huynh và 30 học sinh tham gia vào nghiên cứu này, 100% đều khẳng định cần thiết phải duy

trì tiếng nói, chữ viết của mình; đồng thời, cũng cần phải biết tiếng Việt để giao tiếp với người Kinh và các dân tộc khác. Người Chăm nhận thức khá rõ lợi ích của việc học tiếng Việt đối với sự phát triển của cộng đồng. Với câu hỏi “Học sinh người Chăm có cần học tiếng Việt không?” và “Học tiếng Việt để làm gì?” trong phiếu khảo sát học sinh, chúng tôi đã thu được đến 98,2% ý kiến cho rằng học sinh người Chăm cần học tiếng Việt và mục đích chính của việc học tiếng Việt là để làm ăn buôn bán cho đời sống tốt hơn (33,1%). Các ý kiến còn lại cho rằng: Học tiếng Việt để cho biết (7,7%); Học tiếng Việt để nói chuyện với bạn bè, thầy cô (19,5%); Học tiếng Việt để có nhiều tri thức (16,5%); Học tiếng Việt để học lên lớp cao hơn, có nghề nghiệp ổn định (23,2%). Trong khi đó, phỏng vấn sâu những học sinh người Chăm cho thấy các em đều mong muốn học tiếng Việt và có chung quan điểm rằng việc học giúp các em có tương lai sáng lạng hơn; chủ yếu là để có việc làm ổn định, thoát nghèo. Mặc dù đa số phụ huynh được phỏng vấn cũng đều thể hiện mong muốn cho con em học tiếng Việt vì lợi ích kinh tế nhưng cũng không ít phụ huynh nhận thức rằng: “Cần thiết phải đi học tiếng Việt vì người Chăm cũng có quyền phải biết chữ như các dân tộc khác trên

đất nước Việt Nam” - Anh L (xã Vĩnh Trường). Mặc dù nhận thức được sự cần thiết

của việc học tiếng Việt và tiếp nhận tiếng Việt một cách tự nguyện nhưng có những biểu hiện cho thấy người Chăm vẫn lo sợ việc sử dụng tiếng Việt quá nhiều trong sự tiếp xúc thường xuyên với nhóm dân tộc đa số có thể sẽ làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của họ và đức tin Hồi giáo. Hầu hết những người được hỏi đều tỏ thái độ trung thành ngôn ngữ, khẳng định cần phải duy trì tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình để bảo vệ niềm tin tôn giáo. Trên thực tế, gia đình thường kỳ vọng những trẻ em người Chăm sau khi hoàn thành cấp THCS hoặc THPT sẽ được đi học đạo ở các nước Saudi Arabia, Libya, Indonesia, Malaisia và các nước khác thông qua tài trợ của các tổ chức từ thiện Hồi giáo trên thế giới hoặc tự túc kinh phí khi gia đình có điều kiện. Trong gia đình và trong cộng đồng, tiếng Chăm bao giờ cũng được khuyến khích, thậm chí là bắt buộc sử dụng. Mặc dù trong quá trình giao tiếp ở phạm vi gia đình của người Chăm đã xuất hiện hiện tượng trộn mã, tuy nhiên lại có xu

hướng nghiêng về phía mã Chăm hơn là mã Việt khi tiếp xúc với người Việt. Mức độ

người Chăm. Trong xã hội, mặc dù hầu hết người Chăm trưởng thành đều có khả năng song ngữ Chăm – Việt, song, người Chăm lại rất có ý thức trong việc sử dụng tiếng nói – chữ viết của mình. Khi tiếp xúc với dân tộc khác (Việt, Khmer), họ vẫn sử dụng tiếng Chăm là chủ yếu (có sự trộn mã với tiếng Việt); trừ khi đối tượng không biết tiếng Chăm thì tiếng Việt hoặc tiếng Khmer sẽ được sử dụng để giao tiếp.

* Tiểu kết:

Như vậy, cảnh huống ngôn ngữ vùng đồng bào dân tộc Chăm huyện An Phú là cảnh huống đa dân tộc và đa ngữ. Người Chăm sống hòa đồng, đan xen với người Kinh và các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Điều này làm nảy sinh hiện tượng song ngữ Chăm – Việt ở người Chăm huyện An Phú. Đó là trạng thái song ngữ bình đẳng, cân bằng. Tiếng Chăm được ưu tiên sử dụng trong nội bộ cộng đồng (trong gia đình, ở chùa, ở chợ, khi cầu nguyện, …) trong khi tiếng Việt được người Chăm sử dụng trong giao tiếp bên ngoài cộng đồng (hội họp, học tập, mua bán,…) . Trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với tiếng Việt, không ít thì nhiều, tiếng Việt có tác động đến tiếng Chăm, tuy nhiên, tác động không nhiều do người Chăm ở An Phú có ý thức giữ gìn và sử dụng tiếng mẹ đẻ rất cao nhằm giữ gìn đức tin tôn giáo. Họ trung thành với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nhưng đồng thời cũng tiếp thu ngôn ngữ quốc gia một cách tự nguyện nhằm phục vụ cho việc mua bán. Người Chăm có khả năng chuyển mã một cách dễ dàng trong giao tiếp khẩu ngữ. Tuy nhiên, tỷ lệ người Chăm trưởng thành của huyện An Phú biết đọc, biết viết tiếng Việt chưa cao.

Chương 2. ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NGHE, NÓI, ĐỌC, VIẾT TIẾNG VIỆT

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 41 - 47)