“Năng lực ngôn ngữ” và “Năng lực giao tiếp”

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 27 - 30)

Năng lực” trong tiếng La Tinh là “competentia” có nghĩa là gặp gỡ. Từ xưa

đến nay, năng lực được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu chung lại đều có điểm thống nhất, đó là: năng lực được hiểu là sự gặp gỡ của các tri thức, kỹ năng và việc vận dụng các tri thức, kỹ năng đó trong những tình huống linh hoạt, hiệu quả.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc mô tả năng lực trong lý thuyết dạy và học tiếng. Dưới đây, thử xem xét hai khái niệm “năng lực ngôn ngữ” và “năng lực

giao tiếp” được đề cập trong nhiều lý thuyết ngôn ngữ khác nhau nhằm đề xuất khái

niệm “năng lực tiếng Việt” trong đề tài này. * Lý thuyết ngôn ngữ học cấu trúc

Nhà ngữ pháp học tạo sinh Noam Chomsky (1965) là người đầu tiên đưa ra khái niệm “năng lực ngôn ngữ” (linguistic competence) trong sự phân biệt với “hành

vi ngôn ngữ” (linguistic performance). Theo ông, năng lực ngôn ngữ (hay “ngữ năng”)

là hiểu biết mà người sử dụng ngôn ngữ có được về ngôn ngữ, còn hành vi ngôn ngữ

(hay “ngữ thi”) là sự sử dụng thực tế trong những hoàn cảnh cụ thể cái ngữ năng đó.

Năng lực ngôn ngữ tiềm ẩn bên trong không thể quan sát trực tiếp được mà chỉ có thể

quan sát gián tiếp thông qua hành vi ngôn ngữ. Như vậy, năng lực ngôn ngữ theo ngữ pháp học tạo sinh được dùng để chỉ cái ngôn ngữ - hệ thống lưu trữ trong đầu của những cá nhân được cho là biết, hoặc có năng lực với cái ngôn ngữ đang xét. Năng lực

ngôn ngữ tuy là chung cho con người nhưng mức độ của nó cũng khác nhau ở từng cá

nhân.

Như vậy, với quan niệm cho rằng năng lực ngôn ngữ thuần túy chỉ là kiến thức về các quy tắc ngữ pháp (còn gọi là năng lực ngữ pháp – grammatical competence), Chomsky đã bỏ qua khía cạnh xã hội của ngôn ngữ. Ông đã không nhìn thấy được sự gắn kết cơ bản giữa ngôn ngữ và giao tiếp mà hiểu năng lực ngôn ngữ (thuộc phạm trù tâm lý) trong sự tách rời với năng lực giao tiếp (thuộc phạm trù xã hội).

* Lý thuyết năng lực giao tiếp:

Hymes Dell (1966) đã phê phán quan điểm của Chomsky ở chỗ Chomsky đã quá lý tưởng kiến thức khi cho rằng năng lực ngôn ngữ là bẩm sinh mà những người tham gia giao tiếp có thể hiểu và tạo ra vô vàn phát ngôn chưa bao giờ nghe thấy trước đó mà đã không tính đến các tình huống giao tiếp cụ thể mà trong đó ngôn ngữ được sử dụng. Hymes cho rằng một ngôn ngữ không chỉ giới hạn ở kiến thức về các quy tắc ngữ pháp mà còn có những hiểu biết thuộc lĩnh vực tâm lý, biết những quy tắc văn hóa – xã hội quy định sự tương hợp giữa ngôn ngữ và ngữ cảnh. Do đó, ông đã đề nghị sử dụng khái niệm “năng lực giao tiếp” (communicative competence – còn được gọi là

năng lực hoạt động ngôn ngữ). Năng lực giao tiếp là sự kết hợp của 3 tham tố gồm

năng lực ngôn ngữ/ngữ pháp (linguistic/grammatical competence), năng lực ngôn ngữ

- xã hội (sociolinguistic competence) và năng lực ngữ cảnh (contextual competence).

Như vậy, khái niệm năng lực của Chomsky đã được Hymes mở rộng sang kiến thức tâm lý, xã hội.

Việc đưa ra khái niệm “năng lực giao tiếp” của Hymes đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề năng lực ngôn ngữnăng lực giao tiếp; đồng thời, mở ra hướng mới, được nhiều học giả phát triển, đó là xem năng lực giao tiếp là mục tiêu chính của việc dạy học tiếng.

Canale và Swain (1980) đã làm rõ khái niệm năng lực giao tiếp khi phân tích thành 4 thành tố: (1) Năng lực ngữ pháp (tri thức về hệ thống các quy tắc ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm của một ngôn ngữ); (2) Năng lực diễn ngôn (khả năng liên kết các ý tưởng một cách lôgic, mạch lạc và thống nhất), (3) Năng lực ngôn ngữ xã hội (tri thức cần thiết để giúp cho việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh giao tiếp, chủ đề giao tiếp và các mối quan hệ xã hội), (4) Năng lực chiến lược (khả năng sử dụng các chiến lược giao tiếp ngôn ngữ có lời và phi lời để giải quyết các xung đột trong giao tiếp) (Dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2012 [38]).

L. Bachman (1990) đã kế thừa đồng thời phát triển thành khung lý thuyết chung hơn; trong đó, ông giả định rằng năng lực giao tiếp ngôn ngữ là cụm các thành tố được sử dụng trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, có thể được cụ thể hóa thành ba thành tố là

ngôn ngữ (linguistic competence) được hiểu là các tri thức được vận dụng trong quá trình giao tiếp (cách hiểu này ít nhiều tương đương với khái niệm “năng lực giao tiếp” của Hymes), gồm có 2 loại năng lực chính là năng lực tổ chức (hay năng lực cấu trúc – organizational competence) và năng lực dụng học (pragmatics competence).

Nhìn chung, cả hai mô hình của Canale và Swain (1980) và Bachman (1990) đều hướng tới thể hiện sự khác biệt cơ bản giữa năng lực về các khía cạnh ngữ dụng của việc sử dụng ngôn ngữ với các khía cạnh liên quan đến những đặc trưng mã hóa ngôn ngữ.

* Lý thuyết ngôn ngữ là giao tiếp của Widdowson

Về cơ bản, quan điểm của Widdowson (1972) cũng được kế thừa từ quan điểm của Hymes. Widdowson cho rằng năng lực giao tiếp gồm sự hiểu biết về hệ thống các quy tắc ngữ pháp để tạo ra những câu đúng lẫn sự hiểu biết về những quy tắc mà tạo cho người nói có khả năng sử dụng chúng một cách phù hợp để thực hiện những hành vi tu từ phong cách trong những tình huống giao tiếp xã hội nhất định. Có nghĩa là, khả năng sử dụng ngôn ngữ phải được coi như một phần của năng lực ngôn ngữ của người nói.

* Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ:

Krashen (1970) kết luận rằng con người có khả năng học ngôn ngữ bẩm sinh và không có khác biệt đáng kể nào giữa cách chúng ta học tiếng mẹ đẻ và cách chúng ta học ngoại ngữ. Theo Krashen, chúng ta phát triển năng lực ngôn ngữ (mẹ đẻ hay ngoại ngữ) thông qua quá trình thụ đắc trực tiếp, không phải từ việc học thuộc danh sách từ vựng, quy tắc văn phạm hay làm bài tập. Để kết quả thụ đắc trực tiếp biến thành năng lực ngôn ngữ thì quá trình tích lũy phải dài và nội dung tiếp nhận phải đa dạng và đủ nhiều. Như vậy, lý thuyết về thụ đắc ngôn ngữ đã chứng minh năng lực

ngôn ngữ chỉ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động đọc, viết, nói,

nghe chứ không phải thông qua việc nắm các kiến thức lý thuyết về ngôn ngữ. * Lý thuyết chức năng sử dụng ngôn ngữ:

Quan điểm về tổ hợp ý nghĩa tiềm năng của M.A.K. Halliday (1970) về cơ bản rất gần với quan điểm về năng lực giao tiếp của Hymes. M.A.K. Halliday cho rằng việc tách giữa hệ thống ngôn ngữ (system) và việc sử dụng ngôn ngữ (use) là một sai

lầm vì làm như vậy chẳng khác gì thừa nhận một cách khiên cưỡng rằng năng lực

ngôn ngữhành vi ngôn ngữ là hai cấp độ khác nhau của hiện thực. Halliday đề cao

năng lực dụng học, tức khả năng sử dụng ngôn ngữ phù hợp về mặt xã hội để đạt được

mục tiêu hay ý định giao tiếp. Như vậy, theo quan niệm của Halliday, năng lực ngôn ngữ ở đây được hiểu trong mối quan hệ gắn bó với năng lực giao tiếp nhằm thực hiện 3 siêu chức năng: chức năng tạo ý (ideational), chức năng giao tiếp liên nhân (interpersonal) và chức năng tạo văn bản (textual). Tuy nhiên, cách tiếp cận về năng

lực ngôn ngữ của Halliday khác với cách tiếp cận của Hymes và nhiều học giả khác ở

chỗ cách tiếp cận của Halliday đối với năng lực ngôn ngữ mang tính chất ngữ nghĩa – xã hội học.

“Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người” (V.I. Lê Nin). Vì vậy, bản chất của việc dạy học tiếng phải là hướng đến giao tiếp. Kết quả của việc dạy học ngôn ngữ phải là năng lực giao tiếp có ý thức, được quy định phù hợp với từng lớp học. Như vậy, tìm hiểu năng lực tiếng Việt chính là tìm hiểu khả năng hiểu biết có hệ thống về tiếng Việt ở cấp độ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và văn bản được

thể hiện trong giao tiếp cụ thể qua các hoạt động nghe, nói, đọc, viết.

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)