Đường lối và phương pháp dạy họ cở nhà trường

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 101 - 104)

Trước tiên, có thể thấy rằng, năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm còn yếu có nguyên nhân từ chương trình giáo dục. Chương trình giáo dục hiện nay lấy việc cung cấp kiến thức làm mục tiêu số một chứ không phải là phát triển kỹ năng, năng lực. Với mục tiêu như vậy, trong suốt 12 năm học, mặc dù học sinh phải học tổng cộng 2.320 tiết Ngữ Văn (với Ban Khoa học tự nhiên) và 2.405 tiết Ngữ Văn (với ban Khoa học xã hội) 2nhưng vẫn chưa thể có được năng lực tiếng Việt thành thạo trong giao tiếp hàng ngày. Không ít học sinh người Kinh khi tốt nghiệp trung học vẫn viết sai chính tả, ngữ pháp đến mức trầm trọng chứ không riêng gì học sinh dân tộc. Vì vậy, học sinh dân tộc Chăm học tiếng Việt nhiều nhưng lại không giúp các em vận dụng nó trong giao tiếp hàng ngày. Nội dung chương trình Ngữ Văn hiện nay chủ yếu chạy theo số lượng tác phẩm với những kiến thức hàn lâm thuộc về ngôn ngữ học, Việt ngữ học, lý luận văn học, lịch sử văn học,… mà không nhấn mạnh được những kiến thức cần thiết, có thể sử dụng trong giao tiếp. Điều này lý giải vì sao những cứ liệu thu được của luận văn cho thấy học sinh dân tộc Chăm đến bậc THPT vẫn viết một cách lan man, không theo bố cục; ở bậc THCS vẫn mắc nhiều lỗi câu, lỗi dùng từ,…

2 Theo thống kê của Nguyễn Kim Hồng (2014), Hiệu quả dạy học tiếng Việt và kì vọng đổi mới, Kỷ yếu Hội

thảo Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Trường Đại học Sư phạm

Ở một khía cạnh khác, chương trình, sách giáo khoa hiện nay hầu như không phù hợp với học sinh dân tộc Chăm. Theo Luật giáo dục năm 2005, trẻ em dân tộc thiểu số sẽ học chung chương trình sách giáo khoa thống nhất được dạy bằng tiếng Việt. Như vậy, học sinh dân tộc Chăm huyện An Phú phải học tiếng Việt và học bằng tiếng Việt như học sinh người Kinh với một chương trình và bộ sách giáo khoa chung. Đường lối dạy học tiếng Việt bằng tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chăm tỏ ra không thực sự hiệu quả khi mà tiếng Việt của học sinh chưa đủ khả năng làm công cụ để tiếp thu kiến thức khoa học trong nhà trường. Rõ ràng, ngay ở điểm xuất phát, học sinh dân tộc Chăm đã thua kém về mặt năng lực ngôn ngữ so với bạn bè người Kinh trong lớp nhưng các em lại không được dạy học theo một cách riêng để đảm bảo theo kịp trình độ chung. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giáo dục song ngữ rất hữu hiệu để phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh dân tộc. Tiếc rằng, cho đến thời điểm hiện tại, chương trình tiếng Chăm vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được đưa vào giảng dạy tại huyện An Phú.

Hơn nữa, thiếu phương pháp dạy học đặc thù cũng là một nguyên nhân tác động tiêu cực đến năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm. Phỏng vấn sâu cho thấy rằng 100% giáo viên được hỏi cho biết hoàn toàn chưa từng được tham gia một lớp tập huấn nào về phương pháp dạy học cho học sinh dân tộc. Hầu hết giáo viên đều dạy theo phương pháp dạy học bộ môn được học trên ghế nhà trường sư phạm. Một số giáo viên cho biết có áp dụng những phương pháp riêng theo kinh nghiệm của bản thân, chủ yếu là: chữa lỗi trực tiếp ngay trong bài kiểm tra, đánh dấu những lỗi sai và chữa lỗi, quan tâm để ý các em phát biểu để điều chỉnh khi đọc, nói cho các em biết nghĩa của từ nào các em không hiểu để viết cho đúng, cho mấy em yếu đọc nhiều hơn mấy em giỏi, trong quá trình làm bài thì đi quan sát lớp để tìm ra những lỗi trong các

câu cú của các em sau đó tìm ra những lỗi sai trong câu cú để chỉnh sửa, … Tuy

nhiên, đây chỉ là những cách chữa lỗi thông thường cho học sinh yếu mà chưa hẳn là một cách thức hợp lý để rèn luyện và chữa lỗi cho học sinh dân tộc Chăm. Như vậy, việc giảng dạy cho học sinh dân tộc Chăm ở huyện An Phú từ trước đến nay đều dựa theo kinh nghiệm đứng lớp của giáo viên mà không có một hướng dẫn cụ thể. Thiếu định hướng là nguyên nhân khiến cho việc dạy học tiếng Việt cũng như dạy học bằng

tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chăm huyện An Phú mang tính mò mẫm, đối phó theo kiểu sai đâu sửa đấy.

Thực tế cho thấy, do áp lực về thời gian, giáo viên hầu như không thể rèn luyện, chữa lỗi cho học sinh dân tộc như mong muốn. Theo quan sát của chúng tôi, học sinh dân tộc Chăm thường được phân bố đều khắp các lớp với số lượng trung bình mỗi lớp học chỉ tối đa 5 học sinh. Với số lượng học sinh dân tộc ít như vậy, giáo viên không thể giảng bài riêng hoặc có những hoạt động đặc thù phù hợp với các em mà phải dựa trên mặt bằng nhận thức chung của lớp để có thể đảm bảo tiến độ thời gian. Chỉ những lỗi sai thật sự nghiêm trọng, giáo viên mới chữa lỗi ngay cho các em còn đa số trường hợp mắc lỗi thường được bỏ qua. Việc chữa lỗi cho học sinh dân tộc thường được chú trọng ở cấp Tiểu học nhưng giảm dần ở cấp THCS. Quan sát của chúng tôi cũng ghi nhận rằng hiện tượng mắc lỗi ở giáo viên cũng là một nguyên nhân dẫn đến lỗi của học sinh dân tộc. Có thể thấy, ảnh hưởng của phát âm phương ngữ không chỉ đối với học sinh mà còn cả với giáo viên. Trong giao tiếp ngoài lớp học, giáo viên vẫn phát âm theo phương ngữ Nam Bộ; thậm chí, khi giảng bài, một số giáo viên vẫn mắc lỗi về phụ âm đầu, vần. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để giúp học sinh phát âm chuẩn tiếng Việt khi mà người dạy bao giờ cũng thuộc về một phương ngữ nhất định? Bên cạnh đó, ngoại trừ bài kiểm tra ở phân môn Chính tả, các bài kiểm tra Tập làm văn của học sinh ít được chữa lỗi ngay trên bài làm. Hơn nữa, gần như sự quan tâm chữa lỗi tập trung nhiều vào phần chính tả mà chưa chú trọng đến lỗi dùng từ, đặt câu và bố cục văn bản.

Bên cạnh những điều đã đề cập ở trên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng có ảnh hưởng đến năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm là bệnh thành tích trong nhà trường. Các trường đua nhau chạy theo sĩ số, bảo đảm sĩ số đầu năm học đến cuối năm học và sĩ số lớp trên so với lớp dưới, nên có những trường hợp học sinh dân tộc Chăm yếu về năng lực tiếng Việt, không đủ khả năng tiếp thu bài học bằng tiếng Việt nhưng vẫn được lên lớp theo “chủ trương khuyến khích”. Vì thế mà tình trạng ngồi nhầm lớp vẫn diễn ra ở một số trường hiện nay.

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)