Thái độ của gia đình và bản thân trẻ

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 105 - 109)

Thái độ học tập sẽ quyết định kết quả học tập. Những nỗ lực của nhà trường chỉ thực sự hiệu quả khi nhận được sự hợp tác của bản thân học sinh và phụ huynh. Trên thực tế, năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm chưa cao là do các em chưa thật sự hứng thú với nó. Quan sát trong lớp học cho thấy học sinh dân tộc Chăm thường tỏ ra không hợp tác với giáo viên. Một số em uể oải, nằm chường trên bàn; một số em làm việc riêng không theo dõi bài; một số em khác lại nói chuyện trong lớp. Ý kiến của giáo viên cho biết những biểu hiện này khá phổ biến, thường gặp trong lớp học “Lúc nào cũng vậy, cứ vô lớp là bệnh nhưng ra chơi thì giỡn ầm ầm”, “Nhiều em

không hiểu bài nên lơ là”,… Bản thân đứa trẻ dân tộc Chăm ở huyện An Phú phải

tham gia song song 2 hình thức giáo dục, đó là giáo dục phổ thông được quy định bởi nhà nước và giáo dục cộng đồng (dạy chữ Arab). Hàng ngày, ngoài giờ học chính thức trong các trường học nhà nước, chúng phải đến các lớp học giáo lý trong các thánh đường để được nghe thầy Tuôn truyền dạy. Đây là điều bắt buộc đối với tín đồ Hồi giáo. Thời gian mỗi buổi học thường mất khoảng 2 giờ rưỡi. Học 2 chương trình song song khiến học sinh dân tộc Chăm không có thời gian để chuẩn bị bài và làm bài tập về nhà. Kiến thức tiếng Việt yếu lại không có điều kiện thời gian để đầu tư cho việc học trên lớp càng khiến cho việc học của trẻ càng trở nên sút kém. Tuy nhiên, giáo

viên hầu như không có biện pháp nào để giúp các em chú ý vào bài giảng nhiều hơn. Do không hiểu bài, học sinh càng chán học, do đó, kết quả học tập càng kém hơn. Thực tế là, nếu xác định được thái độ học tập đúng đắn thì năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm không thua kém so với học sinh người Kinh “Có em học rất giỏi,

còn giỏi hơn cả học sinh người Kinh nếu các em chịu học” (ý kiến của giáo viên).

Mặt khác, sự xâm nhập của các loại hình giải trí mới tại khu vực sinh sống của người Chăm đã và đang trở thành nguyên nhân khiến cho trẻ em dân tộc Chăm ít tập trung vào việc học. Sự gia tăng số lượng người chơi trò chơi trực tuyến (game online) đã kéo theo sự gia tăng số lượng trẻ em dân tộc trốn học, bỏ học. Phỏng vấn sâu ở cả 3 địa bàn: Đa Phước, thị trấn An Phú và Quốc Thái đều thấy rằng, trò chơi trực tuyến đang gây ra những tác động tiêu cực đến trẻ em dân tộc Chăm. Nó có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội người Chăm huyện An Phú, kể cả đức tin tôn giáo vì sự có mặt của trò chơi trực tuyến đã khiến cho luật tục bị vi phạm, việc học đạo và hành lễ không được coi trọng bởi một số thanh niên, trẻ em nhưng trên hết là ảnh hưởng về mặt giáo dục. Trường hợp của gia đình anh R (xã Đa Phước) là một ví dụ. Anh nói: “Ngày nào cứ đến 12 giờ là tôi cũng thấy nó xách cặp đi học, đến khi cô giáo gọi điện thoại cho tôi thì tôi mới biết con tôi nó không đi học và sắp bị đuổi khỏi trường. Tôi hỏi mấy đứa bạn của nó mới biết nó đến tiệm game hàng ngày. Bao nhiêu tiền của đổ vô đó. Lại đó mới thấy mấy đứa nhỏ không học hành gì hết mà tụ tập ở đó rất đông. Tôi rất tức vì mình kiếm tiền cho nó ăn học nhưng nó lừa gạt mình và nhà trường. Tại vì tụi tui đi làm ăn suốt, cô giáo thì không điện thoại cho tui mà cứ gửi thư

về nhà, nó giấu hết thì làm sao tụi tui biết được”.

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là mục đích của người Chăm đối với tiếng Việt. Khảo sát ý kiến của học sinh dân tộc Chăm cho thấy rằng có đến 89,4% thích tiếng Việt và 91,2% hài lòng với việc dạy học tiếng Việt và dạy học bằng tiếng Việt trong nhà trường hiện nay. Kết quả này phản ánh thực tế nhưng chưa đầy đủ. Học sinh dân tộc Chăm học tiếng Việt với mục đích kinh tế nhằm phục vụ cho việc buôn bán (33,1%) hơn là học để có nghề nghiệp ổn định (23,2%). Điều này được xác nhận qua phỏng vấn sâu giáo viên và học sinh dân tộc Chăm. Chẳng hạn như: “Do nguồn gốc, ba mẹ các em có tâm sự là học tiếng Việt để cho biết thôi không cần học tới đại học.

Vì vậy qua cấp hai là phụ huynh cho nghỉ dần dần hết. Đến cấp ba thì toàn huyện chỉ

còn vài em” (ý kiến giáo viên), “Em muốn học tới THCS để phụ giúp cho ba mẹ” (ý

kiến học sinh). Do xác định học đến cấp THCS để đi mua bán với cha mẹ nên học sinh dân tộc Chăm thường không có nỗ lực để chiếm lĩnh tri thức tiếng Việt và các môn khoa học khác. Hơn nữa, thái độ dè dặt đối với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Việt trong nhà trường khiến cho phụ huynh dân tộc Chăm không mong muốn con em mình học đến những lớp cao hơn. Điều này lý giải vì sao năng lực tiếng Việt của phần lớn học sinh dân tộc Chăm chỉ ở mức Trung bình.

* Tiểu kết chương 2:

Trong chương 2, luận văn đã đánh giá năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm và phân tích năng lực trên cơ sở cứ liệu thực tiễn hoạt động nghe, nói, đọc, viết. Nhìn chung, năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm huyện An Phú hiện nay chỉ đạt ở mức Trung Bình. Phần lớn các em có thể sử dụng tiếng Việt ở cả 4 kỹ năng, tuy nhiên, có xu hướng trội hơn ở nhóm kỹ năng giao tiếp khẩu ngữ do sống trong môi trường song ngữ Chăm – Việt. Mặc dù vậy, do môi trường song ngữ có tính hạn chế, tiếng Việt hầu như chỉ được sử dụng trong nhà trường còn trong gia đình và cộng đồng chỉ giao tiếp bằng tiếng Chăm cho nên năng lực tiếng Việt có phần hạn chế. Học sinh dân tộc Chăm hầu như có thể sử dụng tốt tiếng Việt ở mức độ giao tiếp đơn giản với việc hỏi đáp về những chủ đề quen thuộc nhưng lại gặp nhiều khó khăn để có thể tiếp thu những kiến thức khoa học bằng tiếng Việt và trình bày một vấn đề tương đối phức tạp hơn do vốn từ còn hạn chế. Ảnh hưởng của nghe và nói có tác động trực tiếp đến đọc và viết. Hệ quả là, tình trạng mắc lỗi ở kỹ năng đọc và viết khá nghiêm trọng.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm nhưng 3 nhóm nhân tố: nhà trường, vốn ngôn ngữ và thái độ học tập là quan trọng hơn cả. Luận văn chỉ ra rằng chương trình hiện nay chưa phát huy được năng lực giao tiếp của học sinh, hơn cả, lại không phù hợp với học sinh dân tộc khi mà tiếng Việt không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của các em. Việc cùng lúc tiếp thu kiến thức tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt để tiếp thu các kiến thức khoa học khác gây không ít khó khăn cho học sinh dân tộc Chăm khi vốn tiếng Việt của các em quá ít ỏi (do các em hầu như giao tiếp trong gia đình và cộng đồng bằng tiếng Chăm). Theo chúng tôi, đây là nguyên

nhân cơ bản khiến cho năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc Chăm huyện An Phú hiện nay chưa tốt. Vì vậy, điều quan trọng là phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, đi liền theo đó là thay đổi cách dạy, cách học theo hướng phát huy năng lực giao tiếp, giúp học sinh có thể sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo như một công cụ để tiếp thu các môn khoa học trong nhà trường và giao tiếp trong xã hội.

Chương 3. KIẾN NGHỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG, BIỆN PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH DÂN TỘC CHĂM

HUYỆN AN PHÚ TỈNH AN GIANG

Một phần của tài liệu năng lực tiếng việt của học sinh dân tộc chăm huyện an phú tỉnh an giang (Trang 105 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)