Căn cứ khung hướng dẫn Nghị định 92/2006 và 04/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh nên rà soát, thu thập ý kiến các bên liên quan để sớm xây dựng một quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung cho tỉnh Hà Tĩnh trong
thời kỳ mới. Hiện tại, với những thành công ban đầu của công tác thí điểm lập kế hoạch phát triển KTXH định hướng thị trường có sự tham gia do dự án IMPP khởi xướng, tỉnh đã ban hành quyết định áp dụng cho các xã còn lại trong toàn tỉnh lập kế hoạch theo quy trình này từ năm 2014-2015 trở đi. Tuy nhiên, ở cấp cao hơn như huyện và cấp tỉnh thì vẫn chưa có quy trình, văn bản hướng dẫn thống nhất cho công tác này. Quy trình lập kế hoạch mới phải kế thừa phương pháp lập kế hoạch định hướng từ “cấp trên xuống” và kết hợp với “ từ dưới lên” nhằm giúp cho bản kế hoạch hài hòa giữa mục tiêu định hướng, mệnh lệnh và nhu cầu thực tiễn từ cộng đồng.
Về Quy trình lập KH:
Hạn chế lớn nhất trong quy trình lập KHPT KTXH hàng năm của tỉnh hiện nay là khung thời gian để lập KH quá ngắn, khiến các cấp huyện, xã không đủ thời gian để tổ chức công tác lập KH một cách bài bản, kỹ lưỡng và tổ chức tham vấn có chất lượng với các bên hữu quan. Khó khăn thứ hai mà các xã nêu lên là thông tin từ các cấp, các ngành, đặc biệt là thông tin về nguồn lực NSNN từ cấp trên đưa xuống vào thời điểm lập KHPT KTXH còn nghèo nàn nên cấp xã không chủ động được trong việc xác định mục tiêu KH và các chương trình hành động, dự án ưu tiên phù hợp với nguồn lực sẵn có. Nhiều xã, huyện đã phải khắc phục khó khăn này bằng cách chủ động lấy ý kiến của các ngành, các cấp trước khi có hướng dẫn lập KH của Bộ KH&ĐT và của UBND tỉnh.
Về nội dung bản KHPT KTXH
Như đã phân tích, nội dung các bản KHPT KTXH sẽ có sự thay đổi đáng kể, nhưng vẫn phải đảm bảo tính logic chung. Cụ thể, bản KHPT KTXH sẽ gồm những phần chính: Đánh giá tình hình thực hiện KH của năm báo cáo, dự báo KTXH và phân bổ nguồn lực năm KH, mục tiêu, nhiệm vụ và các định hướng giải pháp năm KH và tổ chức thực hiện, TDĐG KHPT KTXH.