Trong kinh doanh, khi nói đến phát triển người ta thường đề cập đến hai xu hướng chính: phát triển kinh doanh theo chiều sâu và phát triển kinh doanh theo chiều rộng. Mỗi một định hướng phát triển đều muốn nhắm đến một cái đích nhất định khác nhau, và tuỳ thuộc vào việc phân tích tình hình cạnh tranh mà mỗi doanh nghiệp đưa ra một định hướng phát triển kinh doanh cho mình. Khi đề cập đến phát triển kinh doanh theo chiều rộng là đề cập đến số lượng, khối lượng kinh doanh. Đối với ngành thông tin di động, khối lượng kinh doanh được thể hiện ở hai thước đo cơ bản là số thuê bao và số trạm thu phát sóng. Còn phát triển kinh doanh theo chiều sâu tức là tập trung vào chất lượng kinh doanh và các vấn đề liên quan đến giá trị. Do yêu cầu từ thị trường và sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam bắt đầu có xu hướng phát triển kinh doanh cả chiều sâu lẫn chiều rộng để cạnh tranh lại đối thủ.
Tựu chung lại, dù phát triển kinh doanh theo hình thức chiều sâu hay chiều rộng, một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin phải phát triển các lĩnh vực sau khi phát triển kinh doanh:
1.3.2.1.Mở rộng vùng phủ sóng và dung lượng mạng lưới
Vùng phủ sóng là một khái niệm mô tả khu vực có khả năng sử dụng dịch vụ thông tin di động của khách hàng. Vùng phủ sóng được tạo nên bởi việc lắp đặt các trạm thu phát sóng (BTS) để thu và phát tín hiệu truyền dẫn, tín hiệu vô tuyến giúp cuộc gọi được kết nối và truyền tải thông tin. Tuỳ vào tính chất, địa hình và quy mô mà mỗi trạm thu phát sóng sẽ có một vùng dịch vụ nhất định, có thể từ vài chục mét đến vài trăm mét. Vùng phủ sóng có tác động rất lớn đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Khi sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp có vùng phủ sóng rộng khắp, khách hàng sẽ thấy thuận tiện và thoải mái với tính chất di động của dịch vụ và ngược lại. Chính vì thế, trong kinh doanh dịch vụ thông tin di động, việc nghiên cứu để
mở rộng vùng phủ sóng luôn là yếu tố được quan tâm đầu tiên trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, yếu tố mở rộng vùng phủ sóng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc phân phối và bán hàng của doanh nghiệp, khi không có khả năng phục vụ của sóng thông tin di động thì dù có chính sách bán hàng hấp dẫn đến đâu khách hàng cũng không thể tiếp cận được.
Để phát triển kinh doanh dịch vụ thông tin di động, trước hết, doanh nghiệp cần nghiên cứu và có chiến lược phát triển và mở rộng vùng phủ sóng cùng với dung lượng mạng lưới.
1.3.2.2. Phát triển thuê bao và mở rộng thị phần
Nội hàm thứ hai trong phát triển kinh doanh dịch vụ thông tin di động là việc bán hàng và chăm sóc khách hàng hậu mãi để phát triển thuê bao, mở rộng thị phần. Thuê bao được xác định bằng nhiều cách: thuê bao đang hoạt động hai chiều, thuê bao đang hoạt động một chiều, thuê bao khoá cả hai chiều...Trong kinh doanh, người ta thường dùng khái niệm thuê bao thực và thuê bao trên mạng để chỉ thuê bao của một doanh nghiệp.
Để phát triển thuê bao, mỗi doanh nghiệp có thể dùng nhiều chính sách, vận dụng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, các biện pháp khuyến mại chiếm vai trò rất quan trọng nhưng bền vững hơn là các chính sách chăm sóc khách hàng. Phát triển được một thuê bao mới và giữ thuê bao đó ở lại lâu dài với doanh nghiệp, đó là kim chỉ nam của việc phát triển thuê bao. Ngoài yếu tố khuyến mại, bán hàng, chăm sóc khách hàng ra, việc phát triển kênh phân phối cũng có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thuê bao nhờ sự thuận tiện và dễ tiếp cận của kênh phân phối.
Việc phát triển thuê bao và mở rộng thị phần thường được các doanh nghiệp lập kế hoạch dựa trên kết quả điều tra nghiên cứu thị trường để hiệu được phân đoạn khách hàng. Thông thường, các doanh nghiệp sử dụng các thông tin về dân số học, tâm lý, địa lý, lối sống, cách ứng xử để khác biệt hoá
dịch vụ của mình phù hợp với từng phân đoạn nhất định và mở rộng phân đoạn thị trường đó.
1.3.2.3. Phát triển quy mô dịch vụ
Như khái niệm về dịch vụ thông tin di động đã được làm rõ ở phần trên gồm Dịch vụ cơ bản (thoại, tin nhắn) và Dịch vụ giá trị gia tăng (gồm các dịch vụ bổ sung cho dịch vụ cơ bản). Để phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để đưa ra các dịch vụ mới, ứng dụng mới phù hợp với nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng và thị trường.
Quy mô dịch vụ của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động được thể hiện ở chỗ số lượng các dịch vụ cơ bản và các dịch vụ giá trị gia tăng, hình thức các dịch vụ, khả năng ứng dụng của các dịch vụ, và sự tiện lợi của các dịch vụ mang lại cho khách hàng.
Quy mô dịch vụ càng đa dạng, phong phú thì việc phát triển khách hàng càng có nhiều thuận lợi. Dịch vụ đa dạng sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được các đối tượng khách hàng khác nhau, nhờ đó, việc phát triển kinh doanh sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Việc phát triển dịch vụ phụ thuộc lớn vào công tác nghiên cứu và phát triển cùng với dự báo thị trường của các doanh nghiệp.
1.3.2.4. Tăng doanh thu
Nói đến phát trỉên kinh doanh, không thể không đề cập đến việc tăng doanh thu của một doanh nghiệp. Doanh thu của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động có thể đến từ nhiều nguồn như : doanh thu dịch vụ cơ bản, doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng, doanh thu cước kết nối...,tổng hợp lại, có thể gọi chung là doanh thu. Phát triển doanh thu được hiểu nôm na là doanh thu năm sau phải cao hơn năm trước.
1.3.2.5. Đẩy mạnh các công tác Marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu được đánh giá là quan trọng với hầu hết tất cả các loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, nhưng nó trở nên đặc biệt quan trọng với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thông tin di động. Do đặc điểm vô hình của dịch vụ mà thương hiệu đóng vai trò quyết định đến thái độ của khách hàng với dịch vụ đó, ủng hộ hay không ủng hộ, sử dụng hay không sử dụng phần lớn là nhờ vào thương hiệu của dịch vụ. Hơn nữa, khi thị trường dịch vụ thông tin di động phát triển đến một mức độ nhất định, việc giảm giá, tăng khuyến mại sẽ dẫn tới tăng áp lực về giá, vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động thường đổi hướng các nguồn lực từ việc xây dựng thương hiệu sang phát triển các vấn đề về tạo sự khác biệt cho sản phẩm.
Việc xây dựng và phát trỉên thương hiệu được góp sức bởi nhiều lĩnh vực như: công tác truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, hình ảnh...
1.3.2.6. Đổi mới tổ chức , quản lý doanh nghiệp
Bộ máy tổ chức quản lý doanh nghiệp được coi là xương sống cho mọi hoạt động phát triển kinh doanh. Một doanh nghiệp có phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào độ linh hoạt, nhạy bén và đổi mới của bộ máy tổ chức quản lý, đặc biệt là quản trị nhân lực của doanh nghiệp. Quản trị nhân lực bao gồm những hoạt động có giá trị như tuyển dụng, thuê mướn, đào tạo, phát triển và khen thưởng. Nó hỗ trợ cho tất cả công việc kinh doanh của doanh nghiệp và các quá trình của doanh nghiệp đó. Cũng như hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động, các hoạt động quản trị nguồn nhân lực cần phải có chính sách nhất quán, có nền văn hóa và các giá trị của doanh nghiệp mạnh mẽ để thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới, sáng tạo để phát huy nguồn tài sản to lớn về trí tuệ.
Để bảo đảm đáp ứng với sự phát triển về quy mô của các hoạt động kinh doanh như vùng phủ sóng, thuê bao, kênh phân phối..., các doanh nghiệp
cũng cần tiến hành song song các hoạt động đổi mới về tổ chức và quản lý của công ty mình.