Về nguyên nhân

Một phần của tài liệu Luận văn Quan hệ Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1991-2014) (Trang 85 - 87)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2. Về nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới những hạn chế, tồn tại trong hợp tác Ấn Độ - ASEAN.

Về phía Ấn Độ, từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, Ấn Độ luôn nỗ lực trong việc thúc đẩy mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng hợp tác hai bên. Sự đóng cửa của nền kinh tế Ấn Độ gần bốn thập kỷ thời kỳ Chiến tranh lạnh, là một khoảng thời gian dài trong sự phát triển như vũ bão của các nền kinh tế khác trên thế giới. Vì vậy, công cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ sau Chiến tranh lạnh mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng nền kinh tế Ấn Độ vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu mở rộng hợp tác của các quốc gia Đông Nam Á. Ngoại trừ công nghệ thông tin, chế tạo máy và một số lĩnh vực khác, hầu hết các ngành sản xuất của Ấn Độ vẫn còn lạc hậu. Ấn Độ cũng đang cần vốn và công nghệ cao là những thứ mà các nước ASEAN cũng đang cần trong phát triển kinh tế. Hệ thống luật pháp của Ấn Độ mang tính bảo hộ nặng nề, làm cản trở xuất khẩu từ các nước khác vào Ấn Độ. Bên cạnh đó, thói quen, tập tục làm ăn của các doanh nhân Ấn Độ còn thiếu mềm dẻo, khéo léo không phù hợp với người Đông Nam Á bằng các đối tác khác.

80

Trong bối cảnh mới của thế giới, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khi yếu tố kinh tế ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế thì thực lực kinh tế của Ấn Độ còn khá hạn chế so với các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trong khi đó Ấn Độ lại chậm chân trong việc thiết lập quan hệ với ASEAN (so với Trung Quốc, Nhật Bản) sự lãng quên của Ấn Độ với khu vực này trong suốt gần ba thập kỷ, điều này cũng dẫn tới những cản trở trong hợp tác Ấn Độ và ASEAN. Bên cạnh đó, tình hình chính trị nội bộ của Ấn Độ cũng không mấy ổn định do lãnh thổ rộng lớn, đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo tín ngưỡng, dân số đông, đói nghèo còn nhiều. Các biểu hiện mất an ninh như đánh bom khủng bố, chiến tranh li khai vẫn thường xuyên xảy ra sẽ làm chậm quá trình hội nhập của Ấn Độ với các tổ chức khu vực và thế giới.

Về phía các nước ASEAN, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên ASEAN cũ và mới cũng gây ra những khó khăn nhất định cho quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Cho đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và ASEAN chủ yếu là quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ASEAN cũ như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia. Điều đó cũng làm tăng khoảng cách về sự phát triển trong ASEAN và gây khó khăn cho việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Một nguyên nhân nữa, khiến một số nước Đông Nam Á rụt rè trong quan hệ với Ấn Độ là sự e ngại với Trung Quốc nếu tỏ ra quá thân thiết với Ấn Độ. Vì vậy khi Ấn Độ chủ động mời các nước thuộc khối ASEAN tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung vào tháng 11 năm 1992 để tăng cường hợp tác về kỹ thuật quốc phòng đã không thành. Về việc tổ chức một hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN, Ấn Độ đã rất cố gắng để tổ chức hội nghị này từ năm 1999, tuy nhiên nỗ lực này đã bị cản trở từ phía Trung Quốc. Do đó phải đến ba năm sau, năm 2002, Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN mới được tổ chức lần đầu tiên tại Phnom Penh, Campuchia.

81

Một số những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên đã phần nào hạn chế quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong thời gian qua. Tuy nhiên, với những thành tựu quan trọng mà hợp tác mang lại trong hơn hai thập kỷ qua, khiến cả Ấn Độ và ASEAN đều nhận thấy nhu cầu hợp tác với nhau trong tương lai. Thúc đẩy hợp tác không chỉ vì lợi ích riêng rẽ của từng quốc gia mà còn nằm trong xu thế chung của thời đại, vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Một phần của tài liệu Luận văn Quan hệ Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1991-2014) (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)