7. Bố cục của luận văn
2.1.2. Quan hệ an nin h quốc phòng
Châu Á là một khu vực đông dân và có lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới, có bốn quốc gia tuyên bố có vũ khí hạt nhân, trong đó Ấn Độ là một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng mạnh, có khả năng bảo dưỡng, nâng cấp, cải tiến khí tài trang bị, làm chủ kỹ thuật công nghệ, chế tạo máy bay, tàu nổi, tàu ngầm, tên lửa đạn đạo tầm xa và thế mạnh trong đào tạo hải quân và cảnh sát biển.
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN về mặt an ninh sau Chiến tranh lạnh, được xây dựng trên những cơ sở, tiền đề thuận lợi. Mặc dù là một quốc gia có chung đường biên giới trên biển và trên bộ với nhiều nước Đông Nam Á, nhưng Ấn Độ không có một quá khứ xâm lược hay tranh chấp biên giới, lãnh thổ với các nước ở khu vực này. Bởi vì các đường biên giới trên biển hoặc trên bộ với Myanmar, Thái Lan, Indonesia đều đã được hoạch định rõ ràng, sự ổn định và an ninh ở Đông Nam Á cũng là lợi ích của Ấn Độ. Vì vậy, ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cùng với những nỗ lực trên mặt trận chính trị ngoại giao, sự hợp tác về mặt an ninh quốc phòng với Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh trên cơ sở lợi ích của hai bên.
Trên phương diện an ninh, quốc phòng, Ấn Độ đã chủ động gia tăng hợp tác với các nước trong ASEAN như thực hiện các chuyến thăm quân sự cấp cao, tổ chức các cuộc tập trận chung, tăng cường giúp đỡ về đào tạo nhân lực, trang thiết bị quân sự… Hợp tác an ninh quốc phòng Ấn Độ - ASEAN, diễn ra theo cơ chế hợp tác song phương giữa Ấn Độ với từng thành viên ASEAN và hợp tác đa phương giữa Ấn độ với nhiều nước ASEAN.
39
Với Malaysia, năm 1991 đã có cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ. Thứ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ lần lượt thăm Malaysia vào các năm 1992 và 1993, Ủy ban Quốc phòng Ấn Độ - Malaysia được thành lập năm 1992, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng cũng được ký kết giữa hai nước (1993). Qua đó Ấn Độ sẽ giúp Malaysia đào tạo phi công, đào tạo các lực lượng chỉ huy trên biển và sửa chữa tàu chiến tại Ấn Độ.
Với Việt Nam, Ấn Độ rất quan tâm tới triển vọng hợp tác về hạt nhân và quốc phòng. Năm 1994, Ấn Độ và Việt Nam ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và đưa ra một loạt các sáng kiến hợp tác quốc phòng và năng lượng. Năm 1996, Đô đốc V.S Malikarjun, Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam trong bốn ngày và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes cũng tới thăm Việt Nam vào năm 2000. Đáp lại sự hợp tác từ phía Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà, cùng với phái đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam, do Chủ tịch Trần Đức Lương dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ vào tháng 12 năm 1999. Tháng 10 năm 2000, Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Minh Hương cũng đã có chuyến thăm tới Ấn Độ
Myanmar, quốc gia duy nhất có chung đường biên giới trên đất liền với Ấn Độ, có quan hệ an ninh sát sườn với Ấn Độ, hơn nữa Myanmar lại là quốc gia án ngữ con đường xâm nhập xuống Nam Á và Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Vì vậy, Ấn Độ rất coi trọng Myanmar và không ngừng cải thiện quan hệ với nước này, hi vọng có thể hạn chế được tham vọng của Trung Quốc xuống những khu vực mà Ấn Độ coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình. Động thái đầu tiên của Ấn Độ trong nhu cầu cải thiện quan hệ với Myanmar là tổ chức những chuyến thăm quân sự cấp cao. Tháng 5 năm 1994, Cựu tư lệnh Ấn Độ Jashisang tới thăm Myanmar và thảo luận về vấn đề phối hợp hành động, chống lại các nhóm phiến loạn dọc biên giới hai nước. Năm 1996, Thống chế S.K. Sareen, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ đã có
40
chuyến thăm tới Myanmar, tiếp đó tháng năm 1997, Tổng tư lệnh quân đội Tướng Shankar Roychonhury cũng đã đến nước này để bàn cách tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên…
Ngoài một số quốc gia trên, Ấn Độ còn đẩy mạnh hợp tác song phương với nhiều thành viên khác trong ASEAN như tổ chức tập trận chung với Indonesia (1991), với Singapore (1993), thực hiện các chuyến thăm quân sự cấp cao tới Brunei (1990), Philippin (1998)…
Bên cạnh những mối quan hệ song phương với các nước ASEAN, quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng Ấn Độ và ASEAN với tư cách là một tổ chức cũng đạt những thành công nhất định. Năm 1996, Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), sự kiện này đã xác nhận vai trò, vị trí của Ấn Độ đối với hòa bình và an ninh khu vực. Năm 1997, lần đầu tiên Ấn Độ tham dự Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) của Diễn đàn khu vực ASEAN được tổ chức ở Malaysia. Kể từ đó Ấn Độ tham gia thường xuyên vào các hội nghị của ARF và coi ARF như một thử nghiệm, cho việc xây dựng một trật tự an ninh hợp tác đa phương mới, phù hợp với sự đa dạng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phù hợp với sự chuyển biến của một thế giới được xây dựng trên những liên minh quân sự.
Sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân tháng 5 năm 1998, Ấn Độ phải đối mặt với những áp lực quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt về kinh tế cũng như sự chỉ trích gay gắt từ các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc. Về phía ASEAN, các nước này chỉ tỏ thái độ quan ngại về vụ thử hạt nhân của Ấn Độ. Ngay sau đó, từ tháng 12 năm 1999 đến tháng 2 năm 2000, bốn nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á lần lượt có chuyến thăm tới Ấn Độ: Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương, Thủ tướng Singapore Gô Chốc Tông, Tổng thống Indonesia A.Wahid và Thủ tướng Campuchia Hunsen. Sự kiện này đã cho thấy thiện chí của các nước ASEAN với Ấn Độ. Tại Hội nghị
41
thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần thứ nhất được tổ chức tại Pnom Penh, Campuchia tháng 11 năm 2002, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực. Trong đó, chống khủng bố một cách toàn diện và các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs) sẽ được đẩy mạnh làm cơ sở cho tiến trình ARF trong tương lai. Ấn Độ và ASEAN sẽ tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực liên quan tới hòa bình và an ninh khu vực như: Chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, cướp biển, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế…
Như vậy, trong thập niên đầu (1992-2002) thực hiện chính sách hướng Đông, hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng giữa Ấn Độ và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện thiện chí và nỗ lực ngoại giao của Ấn Độ với ASEAN. Hợp tác đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Với Ấn Độ, quan hệ tích cực với Đông Nam Á, không chỉ góp phần nâng vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế mà còn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Với ASEAN, mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ sẽ góp phần ổn định hòa bình và an ninh khu vực, tạo thế cân bằng trong chiến lược nước lớn của của các quốc gia Đông Nam Á. Hợp tác chính trị an ninh Ấn Độ - ASEAN không chỉ tạo môi trường hòa bình cho khu vực, mà còn là tiền đề, là nền tảng cho những mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa xã hội…