Quan hệ chính trị ngoại giao

Một phần của tài liệu Luận văn Quan hệ Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1991-2014) (Trang 40 - 44)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. Quan hệ chính trị ngoại giao

Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cùng với những cải cách toàn diện về kinh tế, Ấn Độ đã có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình để thích ứng với tình hình mới. Chính sách hướng Đông ra đời coi châu Á - Thái Bình Dương là tấm ván bật để Ấn Độ tiến vào thị trường toàn cầu. Trong đó Đông Nam Á được xem là điểm khởi động của chính sách hướng Đông. Một chiến dịch tiến công ngoại giao, ở cả cấp độ song phương và đa phương nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ mọi mặt với các quốc gia Đông Nam Á được tiến hành.

Để khởi động chính sách, Thủ tướng Nahasimha Rao ngay sau khi lên nắm quyền đã cùng nhiều quan chức cao cấp của Ấn Độ như các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại, Tài chính lần lượt thăm chính thức các nước ASEAN. Trong đó, đáng chú ý là những cuộc viếng thăm của Thủ tướng N. Rao đến hầu hết các nước Đông Nam Á như Indonesia (năm 1992), Thái Lan (1993), Singapore và Việt Nam (1994), Malaysia (1995)… Các động thái này được đánh giá là một dấu hiệu chuyển hướng chiến lược của Ấn Độ sau nhiều thập kỷ vắng bóng ở Đông Nam Á. Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Pitsuwan đã nhận xét “chưa bao giờ một vị Thủ tướng Ấn Độ lại liên tục đến Đông Nam Á trong một thời gian ngắn như vậy” [9, tr.247]. Trong các chuyến thăm, Ấn Độ khẳng định sự ủng hộ với các tiêu chí hòa bình, ổn định và phát triển của các nước Đông Nam Á, tuyên truyền cho cuộc cải cách kinh tế ở Ấn Độ, coi Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm chính sách, là thị trường rộng lớn và nguồn cung cấp

35

vốn, công nghệ phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế Ấn Độ. Vì vậy Ấn Độ mong muốn thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với các nước ASEAN cũng như với toàn Đông Nam Á.

Những hoạt động ngoại giao tích cực và chủ động của Ấn Độ, tiếp tục được đẩy mạnh trong các nhiệm kỳ Thủ tướng tiếp theo như Thủ tướng I.K.Gujral (1997-1998), Thủ tướng A.B Vajpayee (1998-2004). Theo sáng kiến của Thủ tướng I.K.Gujral, Ấn Độ đã tổ chức nhiều hội thảo tại New Delhi và thủ đô một số nước Đông Nam Á với sự tham gia của các quan chức ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp,… của cả Ấn Độ và ASEAN nhằm tăng cường sự hiểu biết và tìm kiếm những lĩnh vực có khả năng hợp tác như kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội.

Trong khi, những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Ấn Độ tới một số nước Đông Bắc Á như Nhật Bản (vào các năm 1990, 1992), Trung Quốc (1992 và 1993), Hàn Quốc (1993), không mang lại kết quả như mong đợi vì các bên đều không đạt được thỏa thuận hợp tác nào đáng kể, thì các nước ASEAN lại nhìn nhận Ấn Độ với một thái độ hoàn toàn khác. Đáp lại thiện chí và những nỗ lực ngoại giao của Ấn Độ trong thập niên 90, lãnh đạo các nước ASEAN đã đến thăm Ấn Độ một hoặc nhiều lần như Thủ tướng Singapore Gô Chốc Tông, Tổng thống Indonesia Suharto, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương (1999)… Các nước ASEAN coi Ấn Độ là đối tác quan trọng và luôn ủng hộ chính sách hướng Đông của quốc gia này.

Việt Nam là đối tác chiến lược, là người bạn đáng tin cậy của Ấn Độ trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh và sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Những mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ là động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời kỳ mới. Việt Nam ủng hộ chính sách hướng Đông

36

của Ấn Độ, ủng hộ Ấn Độ làm Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Về phía Ấn Độ, nước này luôn coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách hướng Đông.

Philippin cũng đáp lại thiện chí của Ấn Độ, bằng chuyến thăm của Phó Tổng thống Diosdado Macapagal tới Ấn Độ năm 1991 sau chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Vencatara tới Philippin. Tháng 3 năm 1997, Ấn Độ và Philippin ký ba bản ghi nhớ về hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực dược, các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, giao thông liên lạc.

Malaysia ủng hộ chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Tháng 11/1992 Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ - Malaysia ở cấp bộ trưởng được thành lập. Năm 1995, một số văn bản ghi nhớ về phát triển vũ trụ, truyền hình vệ tinh, xây dựng đường cao tốc... đã được ký kết giữa hai nước.

Myanmar, quốc gia duy nhất trong ASEAN có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với Ấn Độ, cũng có những tín hiệu tích cực ủng hộ quan hệ của Ấn Độ với khu vực. Một số hiệp ước hợp tác giữa Myanmar và Ấn Độ đã được ký kết như Hiệp định về ngăn ngừa lạm dụng và buôn bán chất gây nghiện (3/1993), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa các nhà chức trách biên giới, dân cư và Hiệp định Biên mậu Ấn Độ - Myanmar (T1/1994).

Ngoài ra, một số thành viên khác trong ASEAN như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia cũng có những động thái thể hiện sự ủng hộ Ấn Độ trong chủ trương “Đông tiến”. Quan hệ song phương giữa Ấn Độ với các nước thành viên trong ASEAN luôn đạt được những thành công nhất định trên phương diện chính trị ngoại giao, đáp ứng được phần nào nhóm các mục tiêu chính trị - chiến lược trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Bên cạnh các mối quan hệ song phương, quan hệ Ấn Độ - ASEAN với tư cách là một tổ chức hợp tác khu vực cũng đạt được những kết quả đáng mong đợi.

37

Năm 1992, Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại từng phần của ASEAN và thành viên đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 1995. Đây là những thành công quan trọng bước đầu của mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN khi chính sách hướng Đông bắt đầu được khởi động. Không dừng lại ở đó, năm 1996, Ấn Độ được mời tham dự hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn ASEAN (ARF).

Bước sang thế kỉ XXI, hợp tác Ấn Độ - ASEAN trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao được mở đầu bằng một sự kiện quan trọng. Ngày 5 tháng 11 năm 2001, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ bảy được tổ chức tại Brunei, ASEAN đã quyết định nâng quan hệ với Ấn Độ lên cấp nguyên thủ (cấp thượng đỉnh). Ấn Độ và ASEAN có thể phối hợp quan điểm và hành động trong các diễn đàn quốc tế, để có một tiếng nói có trọng lượng trong các vấn đề an ninh, hòa bình toàn cầu, phát triển kinh tế đồng đều và công bằng xã hội.

Để hiện thực hóa chủ chương trên, tháng 11 năm 2002, Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Đây là một mốc quan trọng trong hợp tác Ấn Độ - ASEAN. Thủ tướng A.B Vajpayee khi tham gia Hội nghị đã nhấn mạnh “Hội nghị đã tạo ra một bước ngoặt trong cố gắng của chúng tôi đối với việc thắt chặt mối quan hệ với các nước láng giềng phía Đông. Đó là kết quả tất yếu của chính sách hướng Đông, khi chúng tôi tăng cường những mối quan hệ song phương với các nước trong khu vực Đông Nam Á” [40,tr.470]. Qua hội nghị này, ASEAN và Ấn Độ tin rằng sự tăng cường hợp tác hai bên dựa trên mối quan hệ gần gũi về mặt văn hóa, lịch sử sẽ đem lại lợi ích cơ bản cho nhân dân, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với sự kiện này Ấn độ là quốc gia đầu tiên ngoài khu vực Đông Á xây dựng thành công cơ chế hợp tác cấp cao với ASEAN, tương đương với các cơ

38

chế cấp cao trước đó giữa ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc và ASEAN - Nhật Bản. Đây là một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và cũng là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong một thập kỷ thực hiện chính sách hướng Đông của Ấn Độ ở khu vực.

Một phần của tài liệu Luận văn Quan hệ Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1991-2014) (Trang 40 - 44)