7. Bố cục của luận văn
2.2. Quan hệ Ấn Độ ASEAN giai đoạn 2002 2014
2.2.1. Quan hệ chính trị - ngoại giao
Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN lần thứ nhất được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, vào tháng 11 năm 2002 đã đưa quan hệ Ấn Độ - ASEAN bước sang giai đoạn mới. Từ đây, Ấn Độ đã tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác với ASEAN như: Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị sau Bộ trưởng (PMCs) 10+1, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hợp tác Mekong - Sông Hằng (MGC), Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC),… Việc Ấn Độ tham gia đầy đủ các cơ chế hợp tác của ASEAN đã từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chính trị, chiến lược trong chính sách hướng Đông của mình.
Sự ra đời của Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ năm 2002 là một thắng lợi to lớn của Ấn Độ trước Trung Quốc trong quan hệ với ASEAN. Ý tưởng về việc tổ chức hội nghị này được Ấn Độ đưa ra rừ năm 1999 và được các nước ASEAN đồng ý tổ chức vào tháng 11 năm 2001, nhưng không thành công do sự phản đối của Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự nỗ lực mạnh mẽ của cả hai bên, nhất là từ phía Ấn Độ, Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã chính thức được tổ chức vào ngày 5 tháng 11 năm 2002. Đây là kết quả của cả một quá trình dài Ấn Độ thực hiện các nỗ lực ngoại giao. Trước đó, Thủ tướng Atal Behari Vajpayee và Bộ trưởng Ngoại giao Jaswant Singh đã thực hiện nhiều chuyến công du tới các nước thành viên ASEAN, các nước Đông Bắc Á, để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia này với cơ chế hợp tác ASEAN+ 4. Năm 2001, Thủ tướng Vajpayee thăm chính thức Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản. Tiếp đó, năm 2002, Thủ tướng Ấn Độ đã có chuyến thăm tới Campuchia, Singapore, Lào, và Thái Lan. Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Ấn Độ, từ đây Ấn Độ
50
hoàn toàn bình đẳng với các nước Đông Bắc Á trong cơ chế hợp tác với ASEAN. Sau Hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Phnom Penh, Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ được tiến hành thường niên với nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết giữa hai bên.
Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ hai được tổ chức tại Bali, Indonesia ngày 8 tháng 10 năm 2003. Với mục tiêu thể hiện sự quan tâm đến hòa bình và an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở khu vực Đông Nam Á (TAC), ký với ASEAN Tuyên bố chung về Hợp tác chống khủng bố quốc tế. Đây là văn bản hợp tác an ninh đầu tiên giữa Ấn Độ và ASEAN kể từ khi Ấn Độ tham gia ARF năm 1996.
Tháng 11 năm 2004, Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN lần thứ ba được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào. Tại Hội nghị, Ấn Độ và các nước ASEAN đã ký bản kế hoạch “ Đối tác vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung”, nhằm đưa mối quan hệ hai bên lên một tầm cao mới.
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN còn được nâng lên một bước khi Ấn Độ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), lần đầu tiên được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 14/12/ 2005, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand. EAS còn được biết đến với tên gọi là ASEAN +6. Trên thực tế, việc Ấn Độ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á là một sự cố gắng của quốc gia này cũng như sự ủng hộ nhiệt thành của hầu hết các thành viên ASEAN (trừ Malaysia). Năm 2004, khi Thủ tướng Malaysia Badawi đề xuất thành lập EAS từ khuôn khổ ASEAN+3, Trung Quốc đã ngay lập tức ủng hộ sáng kiến này. Tuy nhiên Trung Quốc kịch liệt phản đối sự tham gia của Ấn Độ và Australia với tư cách thành viên. Bằng cách cử các phái viên ngoại giao đến Lào và một số quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc hy vọng tìm được sự ủng hộ từ các nước này. Về phía
51
ASEAN, các quốc gia này đã thực sự tạo điều kiện cho Ấn Độ tham gia EAS khi đưa ra các tiêu chuẩn để kết nạp thành viên bao gồm: (i) là đối tác đối thoại của ASEAN, (ii) ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á, (iii) có quan hệ thực chất với ASEAN. Những tiêu chuẩn trên đã thể hiện thiện chí ủng hộ của ASEAN đối với Ấn Độ trong EAS. Bởi thực tế cho thấy, Ấn Độ thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn trên khi trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 1995, tham gia TAC vào năm 2003 đến năm 2005, là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN- 6… Thiện chí và vai trò của ASEAN được Ấn Độ đánh giá cao trong tiến trình gia nhập Hội nghị cấp cao Đông Á của mình. Thứ trưởng Ấn Độ Singh đã khẳng định “Việc triệu tập Hội nghị cấp cao Đông Á là một bước phát triển mang tính lịch sử. Chúng tôi thừa nhận những đóng góp có giá trị của ASEAN với tư cách là động lực của bước phát triển tích cực này, cũng như việc mời Ấn Độ tham gia EAS ngay từ đầu” [19, tr.143]. Tham gia EAS sẽ làm giảm khoảng cách về chính trị và chiến lược giữa Ấn Độ và Đông Á, tăng hiểu biết và hợp tác lẫn nhau đem lại lợi ích cho cả hai bên. Quan trọng hơn là Ấn Độ không nằm ngoài những cơ chế hợp tác đa phương của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là đang trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.
Năm 2012 là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu 20 năm quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN (1992-2012) và 10 năm tổ chức Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN (2002-2012). Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, hai bên đã nhất trí nâng Quan hệ đối tác lên Quan hệ đối tác chiến lược. Từ đây, quan hệ Ấn Độ - ASEAN được nâng lên một tầm cao mới hướng tới hội nhập mạnh mẽ hơn không chỉ ở cấp độ Ấn Độ - ASEAN mà còn ở cấp độ liên khu vực. Với ASEAN, đối tác Ấn Độ là một trong những đối tác phát triển nhanh nhất, năng động nhất và toàn diện nhất, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội…
52
Ngay sau Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ Ấn Độ - ASEAN, đối thoại thường niên Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 đã diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 19 tháng 2 năm 2013. Với chủ đề “Tầm nhìn về đối tác và thịnh vượng”, đối thoại đã thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế, các quan chức chính phủ, các chuyên gia của hai bên. Đối thoại tập trung thảo luận năm chủ đề quan trọng đó là: Hợp tác an ninh Ấn Độ - ASEAN - Tiến tới hòa bình và ổn định, Những thách thức an ninh phi truyền thống - An ninh lương thực, quản lý nguồn nước và dịch bệnh, Tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu - vai trò của năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong phát triển bền vững, Hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) và khu vực Đông Bắc Ấn Độ, mở rộng các mạng lưới thông qua kết nối trên bộ, trên biển và trên không. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên sau Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN, thông qua đó cả hai bên đều mong muốn đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung, vì một châu Á đang trỗi dậy như lời Thủ tướng Manmoha Singh từng nói “Chúng tôi coi quan hệ đối tác với ASEAN không đơn thuần là sự tái khẳng định các mối quan hệ với các nước láng giềng, hay là công cụ phát triển kinh tế mà nó là một phần không thể tách rời trong tầm nhìn của chúng tôi về một châu Á ổn định, an toàn và thịnh vượng” [39].
Trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 12 tổ chức tại Myanmar vào tháng 11/2014, các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hoan nghênh và đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt việc nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên Đối tác chiến lược. Ấn Độ khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN, coi quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ là một trụ cột chính trong chiến lược “Hành động Phương Đông” của Ấn Độ và ủng hộ việc hiện
53
thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hai bên hài lòng ghi nhận những tiến bộ đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ (2010- 2015), theo đó nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên chung của hai bên như chống khủng bố, tăng cường hợp tác hàng hải, công nghệ thông tin và viễn thông, kết nối, giáo dục, du lịch, văn hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển, năng lượng, lương thực, quản lý thiên tai. Đồng thời quyết tâm đẩy mạnh thương mại, đầu tư hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đạt 100 tỷ USD vào năm 2015, và sớm kết thúc đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chặt chẽ về hàng hải, đặc biệt tập trung vào vấn đề an ninh biển và ứng phó với các thách thức trên biển.