Khái quát về ASEAN

Một phần của tài liệu Luận văn Quan hệ Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1991-2014) (Trang 27 - 31)

7. Bố cục của luận văn

1.2.2.1. Khái quát về ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 tại Băng Cốc, Thái Lan với năm thành viên ban đầu: Thái Lan, Philippin, Indonesia, Malaysia và Singapore. Các nước ASEAN (trừ Thái Lan) đều trải qua giai đoạn lịch sử là thuộc địa của các nước phương Tây và mới chỉ giành độc lập vào các thời điểm khác nhau sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù có sự tương đồng về lịch sử, địa lý song các nước ASEAN lại rất khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa. Điều đó tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của khu vực, đây cũng chính là cơ hội và thách thức cho các thành viên dưới mái nhà ASEAN. Sự phát triển của ASEAN có thể chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất (1967-1991): Ra đời trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, chịu sự chi phối của chiến cuộc Đông - Tây, ASEAN trong giai đoạn này chưa thực sự thoát ra khỏi phạm vi khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh việc tăng cường trao đổi ý kiến và thảo luận để hiểu biết lẫn nhau, ASEAN còn góp phần dàn xếp những bất đồng, mâu thuẫn song phương giữa các nước thành viên như mâu thuẫn giữa Philippin và Malaysia về vấn đề chủ quyền Sabah, hòa giải căng thẳng giữa Indonesia và Singapore sau khi tòa án tối cao Singapore hành hình hai sĩ quan thủy quân của Indonesia dưới tội danh phá hoại và ám sát…

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX, sự sa lầy của Mỹ ở chiến trường Đông Dương đã tạo ra khả năng xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khu vực Đông Nam Á. Để tránh sự can dự của các cường quốc và đảm bảo ổn định, an ninh khu vực, ASEAN đưa ra sáng kiến thành lập một khu vực hòa bình, tự do và trung lập ở Đông Nam Á (ZOPFAN) vào năm 1971.

22

Sau khi Mỹ hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, ASEAN buộc phải có những điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất được triệu tập tại Bali, Indonesia tháng 2/1976 đã thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), với mục tiêu tăng cường hòa bình vĩnh viễn, thân thiện và hợp tác lâu dài giữa các nước thành viên. Sau khi kết nạp Brunei vào năm 1984, ASEAN cũng để ngỏ khả năng mở rộng thành viên với các quốc gia Đông Nam Á khác cũng như chủ động mở rộng quan hệ với các nước và các tổ chức hợp tác khu vực trên thế giới: Thiết lập cơ chế đối thoại với cộng đồng châu Âu (EC- 1972), Australia (1974), Newzealand (1975), Canada, Mỹ và Nhật Bản (1977).

Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi vấn đề Campuchia được giải quyết, tình hình khu vực dần ổn định, Chiến tranh lạnh chấm dứt, Liên Xô và Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự tại Đông Nam Á, thì khu vực Đông Nam Á được xem là một môi trường thuận lợi cho ASEAN phát triển về mọi mặt.

Giai đoạn thứ hai (1991- nay): Trong giai đoạn này, ASEAN từng bước

gặt hái được nhiều thành công trở thành một trong những tổ chức hợp tác hiệu quả nhất trên thế giới, nâng vị thế của Hiệp hội trên trường quốc tế.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa và sự hợp tác trở thành xu thế chính trong quan hệ quốc tế. ASEAN đứng trước vận hội mới, để chấm dứt sự chia rẽ đối đầu giữa các nước trong khu vực, tạo dựng một môi trường hòa bình và ổn định, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên cũ, kết nạp thành viên mới. Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN (tháng 7/1995) và là thành viên đầu tiên được kết nạp kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đến năm 1999, với sự nỗ lực của các nước thành viên, Campuchia trở thành thành viên chính thức cuối cùng của gia đình ASEAN, trước đó Lào và Myanmar đã gia nhập tổ chức này vào năm 1997.

23

Trong lịch sử gần 50 năm ra đời và phát triển, việc mở rộng từ ASEAN 5 lên ASEAN 10, vào nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ XX là một thành công lớn của ASEAN. Các quốc gia Đông Nam Á với nhiều điểm khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa đã cùng nhau chung sống dưới mái nhà ASEAN bỏ lại phía sau những nghi kỵ, tranh chấp, bất đồng hướng tới xây dựng một Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được đề ra năm 1992. ASEAN kỳ vọng hoàn thành xây dựng FTA của khu vực trong vòng 15 năm, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các khu vực khác trên thế giới. Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ tư tại Singapore năm 2000. Năm 2001, Bộ trưởng Ngoại các nước ASEAN ra Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển.

Bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, hợp tác an ninh - chính trị trong ASEAN cũng được tăng cường, nhằm đối phó với những nguy cơ, thách thức trong bối cảnh lịch sử mới. Ngày 25/7/1994, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được thành lập tại Bangkok, Thái Lan, thu hút sự tham gia của nhiều nước không chỉ đến từ Đông Nam Á, Đông Bắc Á mà còn từ Nam Á, Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu… Thông qua ARF, các nước thành viên ASEAN đã phối hợp với các nước đối thoại đưa ra nhiều sáng kiến nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Tháng 4/1997, ASEAN tổ chức thành công hội nghị ASEAN+3 với ba nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến năm 2000, ASEAN +3 chính thức được thể chế hóa tiến tới tiến trình hội nhập Đông Á, thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN với các nước Đông Á. Ngoài ra hình thức ASEAN+1 cũng trở nên đa dạng hơn với sự ra đời của Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ năm 2002.

Năm 2003, với sự ra đời của Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II), ASEAN tiến thêm một bước trong các nỗ lực tăng cường liên kết khu vực.

24

Tuyên bố Bali II xác định mục tiêu thành lập một Cộng đồng ASEAN gồm ba trụ cột: Cộng đồng an ninh - chính trị, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa - xã hội. Tiếp đó, để tăng cường vị thế và uy tín quốc tế cho Hiệp hội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur về xây dựng Hiến chương ASEAN trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 (2005) tại Malaysia. Tháng 11/2007, Hiến chương ASEAN đã chính thức ra đời tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức ở Singapore, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của các nước Đông Nam Á. Từ đây ASEAN chính thức trở thành một tổ chức có tư cách pháp nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liên kết sâu giữa các nước thành viên, tiến tới hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN.

Song song với việc đẩy mạnh kinh tế nội khối, ASEAN tăng cường hợp tác với các đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm duy trì vai trò động lực, vị thế trung tâm trong hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng ở khu vực Đông Á. Sau khi ký FTA với Trung Quốc vào năm 2002, ASEAN tiếp tục ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện với Ấn Độ (CECA), ký với Nhật Bản Hiệp định khung về đối tác kinh tế toàn diện vào năm 2003. Năm 2006 và năm 2008, ASEAN lần lượt ký các FTA với Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2009, FTA ASEAN - Australia và New Zealand được ký kết, cũng trong năm 2009, ASEAN ký FTA về hàng hóa với Ấn Độ.

Về an ninh, sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ tháng 9 năm 2001, các vụ tấn công khủng bố tiếp tục xảy ra ở một số nước Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới. ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, đã bắt đầu ký các hiệp định hợp tác chống khủng bố với nhiều đối tác có lợi ích an ninh quan trọng ở khu vực. Năm 2003, ASEAN lần lượt ký các Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố quốc tế song phương với Ấn Độ, Australia, Liên minh châu Âu, sau đó ASEAN tiếp tục ký với Nhật Bản, Nga (năm 2004), Hàn Quốc, New Zealand (năm 2005), Canada (năm 2006).

25

Đến nay, trải qua gần 50 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã đạt được những thành công đáng kể. Quá trình mở rộng và kết nạp đầy đủ thành viên, đã thúc đẩy ASEAN thực hiện mục tiêu hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN. Trong quan hệ đối ngoại, ASEAN đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương, đa phương với nhiều quốc gia tổ chức khu vực trên thế giới, xây dựng các cơ chế hợp tác, đối thoại như ARF, ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ADMM+… Các quốc gia Đông Nam Á với một nền kinh tế đang phát triển, sự ổn định tương đối về chính trị, sự đa dạng về văn hóa, cùng hội tụ dưới mái nhà ASEAN, là những yếu tố không thể không quan tâm của các cường quốc trên thế giới. Ấn Độ, một cường quốc đang trỗi dậy, đã không bỏ lỡ cơ hội hợp tác với khu vực này thông qua chính sách hướng Đông.

Một phần của tài liệu Luận văn Quan hệ Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1991-2014) (Trang 27 - 31)