7. Bố cục của luận văn
3.1. Tổng quan những thành tựu của quan hệ Ấn Độ ASEAN
Về chính trị an ninh, hợp tác chính trị an ninh Ấn Độ - ASEAN kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Với Ấn Độ, hội nhập với khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung đã từng bước đưa Ấn Độ vào quá trình gia nhập các tổ chức hợp tác khu vực và tiểu khu vực. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Ấn Độ mới chỉ là thành viên của một số tổ chức như Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Liên hợp quốc, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT, sau nay là WTO) và Phong trào Không liên kết (NAM). Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, với đường lối ngoại giao thực tế cùng sự ra đời của chính sách hướng Đông, Ấn Độ mới thực sự bước vào quá trình tham gia các tổ chức hợp tác khu vực. Năm 1992, Ấn Độ trở thành Đối tác đối thoại từng phần của ASEAN và chính thức trở thành Đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN vào tháng 12 năm 1995. Quan hệ đối tác chính thức này đã giúp Ấn Độ có cơ sở chính trị để đẩy mạnh mối quan hệ song phương, đa phương với ASEAN. Năm 1996, Ấn Độ tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), tham gia Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC) năm 1997, Hợp tác sông Mekong - sông Hằng (MGC) năm 2000. Quan trọng hơn cả là Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 và kể từ đây quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN được nâng lên tầm cao mới.
Ngoài những cơ chế hợp tác trên, Ấn Độ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên phương diện chính trị ngoại giao, khi chính sách hướng Đông bước vào giai đoạn hai. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao và được sự ủng hộ từ
73
phía các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ bắt đầu tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào năm 2005, trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 2008,… Cho đến nay, hợp tác Ấn Độ - ASEAN đã có 25 cơ chế đối thoại thường xuyên trên nhiều lĩnh vực, trong đó hai bên đã đạt được những cơ chế đối thoại ở cấp cao nhất bao gồm: Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (PMC) trong khuôn khổ ASEAN+ 10 và ASEAN +1, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Ủy ban hợp tác chung Ấn Độ - ASEAN (JCC), Nhóm làm việc Ấn Độ - ASEAN. Ngoài ra còn có thêm các nhóm làm việc chuyên biệt trong một số lĩnh vực hợp tác như khoa học kỹ thuật, thương mại và đầu tư, giao thông và cơ sở hạ tầng…
Với các cơ chế hợp tác đa dạng và sôi động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như trên, Ấn Độ ngày càng có được lợi ích quan trọng trong khu vực này, khẳng định tính ưu việt của chính sách hướng Đông. Trong khi đó các cơ chế hợp tác khác ở khu vực Nam Á mà Ấn Độ tham gia chưa thực sự hiệu quả. Sự hạn chế của SAARC do các nước thành viên vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn song phương, vì vậy Ấn Độ không đặt nhiều sự kỳ vọng vào tổ chức này. Mục tiêu xây dựng FTA giữa Ấn Độ và EU chưa trở thành hiện thực, hợp tác khu vực ven Ấn Độ Dương (IOR - ARC) vẫn chỉ dừng lại ở cấp bộ trưởng… Như vậy, các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu khu vực mà Ấn Độ thực hiện ở phía Đông vẫn nổi bật hơn cả.
Với ASEAN, hợp tác với Ấn Độ đã tác động tích cực đến tiến trình hội nhập nội khối, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN và góp phần củng cố vai trò của tổ chức này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN đẩy mạnh hợp tác chính trị - an ninh với Ấn Độ với tư cách là một tổ chức, một khối, qua đó cũng từng bước nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam
74
Á đã xây dựng nhiều cơ chế hợp tác chính trị - an ninh với bên ngoài như cơ chế Đối tác đối thoại, Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), ARF, ASEAN+1, ASEAN+3, Hợp tác chống khủng bố quốc tế giữa ASEAN với các đối tác, tham gia EAS, ADMM+. Các cơ chế này giúp ASEAN thực hiện vai trò trung tâm điều phối, hợp tác ở khu vực như hội nghị sau hội nghị bộ trưởng ngoại giao, các văn kiện mở rộng, hiệp định hợp tác, tổ chức hội nghị cấp cao…
Một nhân tố quan trọng, là chất xúc tác cho quan hệ Ấn Độ - ASEAN, đó là nhân tố Trung Quốc. Trong khi thực hiện chính sách hướng Đông, Ấn Độ hướng tới xây dựng, mở rộng và cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Trung Quốc, góp phần kiềm chế ảnh hưởng của nước này ở Nam Á và Ấn Độ Dương, những khu vực mà Ấn Độ rất coi trọng. Với ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á này coi Ấn Độ là một cường quốc khu vực đang lên và có thể đóng vai trò cân bằng với Trung Quốc trong chính sách nước lớn của mình.
Những cơ chế đối thoại hợp tác giữa Ấn Độ - ASEAN đem lại lợi ích chiến lược cho cả hai bên. Ấn Độ có cơ hội thiết lập quan hệ chiến lược với các đối tác kinh tế, chính trị quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia. ASEAN tăng cường củng cố nội khối, tham gia tích cực sâu rộng vào các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương với các cường quốc, các tổ chức khu vực và quốc tế.
Về kinh tế, trong các lĩnh vực hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN, từ khi Ấn Độ triển khai chính sách hướng Đông đến nay, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế được đánh giá là thành công nhất và đem lại những lợi ích tích cực cho nền kinh tế hai bên. Đặc biệt từ khi chính sách hướng Đông của Ấn Độ bước vào giai đoạn thứ hai (2002 đến nay), quan hệ kinh tế Ấn Độ và ASEAN đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng.
75
Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) mà Ấn Độ và ASEAN ký năm 2003 đã đặt nền tảng vững chắc cho sự thành lập khu vực Thương mại và Đầu tư Ấn Độ - ASEAN (RTIA), bao gồm các hiệp định thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Năm 2007, tổng kim ngạch thương mại Ấn Độ và ASEAN đạt 37,077 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Ấn Độ đạt 24,658 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu vào ASEAN từ Ấn Độ đạt 12,419 tỷ USD. Đến năm 2012, kim ngạch thương mại Ấn Độ - ASEAN đạt 79 tỷ USD , tăng hơn hai lần trong vòng 5 năm. Và con số này được hai bên kỳ vọng tăng lên 100 tỷ USD trong năm 2015 [36].
Hiệp định thương mại về hàng hóa (TIG) và khu vực mậu dịch tự do Ấn Độ - ASEAN (AIFTA) được ký kết năm 2009 đã mở đường cho việc tạo ra một khu vực mậu dich tự do lớn nhất thế giới, với thị trường hơn 1,8 tỷ người, Tổng sản phẩm quốc nội đạt 2,75 nghìn tỷ USD. Ngoài ra hiệp định còn hướng tới miễn trừ thuế quan đến 90% mặt hàng buôn bán giữ hai bên, dự kiến đến năm 2016 sẽ xóa bỏ thuế quan cho 4.000 dòng sản phẩm.
Việc ký kết các hiệp định thương mại đa phương giữa Ấn Độ và ASEAN, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế song phương giữa Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN. Ấn Độ đã ký kết Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện (CECA) với Singapore năm 2004, với Malaysia năm 2011 và đang tiếp tục đàm phán với Indonesia. Các hiệp định này có ý nghĩa quan trọng cho chiến lược hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Ấn Độ.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Ấn Độ trở thành đối tác quan trọng của ASEAN, trở thành thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 10 của ASEAN năm 2000. Giá trị xuất khẩu của ASEAN sang Ấn Độ là 6.555,6 triệu USD chiếm 1,6% tỷ phần xuất khẩu của ASEAN. Bước vào thế kỷ XXI, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN. Năm 2009, tổng xuất khẩu của Ấn Độ sang ASEAN lên tới 17,3 tỷ USD, nhập
76
khẩu là 23,8 tỷ USD, sang năm 2010, xuất khẩu tương đương là 27,8 tỷ USD và nhập khẩu là 22,3 tỷ USD [37].
Một trong những kết quả tích cực khác của quan hệ kinh tế Ấn Độ - ASEAN là thặng dư thương mại của ASEAN với Ấn Độ đã góp phần giúp ASEAN cân bằng thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc là - 3,958 tỉ USD năm 2000 và lên tới - 24,589 tỉ USD năm 2011. Trong khi thặng dư thương mại của khu vực này với Ấn Độ lần lượt là 3,237 tỉ USD và 17,081 tỉ USD [19,tr.218]. Như vậy, tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN không chỉ giúp hai bên cân bằng quyền lực với Trung Quốc về phương diện chính trị an ninh, mà còn giúp các nước này cân bằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong quan hệ kinh tế.
Đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, ASEAN có thêm kinh nghiệm trong đàm phán các FTA, CECA, CEPA với các đối tác khác. Hơn nữa trong quá trình đàm phán, liên kết nội khối cũng được tăng cường, giữa các thành viên ASEAN cũng hiểu nhau hơn hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế trong năm 2015.
Ngoài những mối quan hệ hợp tác về chính trị kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa Ấn Độ và ASEAN cũng rất sôi động, phong phú như văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin… thông qua hai cơ chế hợp tác chủ yếu là BIMSTEC và MGC. Ấn Độ đã đưa ra một loạt các sáng kiến hợp tác nhằm mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với ASEAN như Chương trình học bổng văn hóa chung (GCSS), Chương trình Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật Ấn Độ như (ITEC), Chương trình học bổng IOR - ARC, Chương trình học bổng dành cho trẻ em gốc Ấn SPDC), Hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong lĩnh vực IT vì sự phát triển, sáng kiến Lưu trữ số Ấn Độ - ASEAN (AIDA)… Trong đó, từ năm 2000, các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí triển khai
77
Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các khu vực khác trên thế giới. Ấn Độ ủng hộ IAI và tham gia vào việc phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ các nước thành viên ASEAN như thành lập Trung tâm Đào tạo tiếng Anh Myanmar - Ấn Độ (MICELT), Trung tâm phát triển doanh nhân Myanmar - Ấn Độ (MIEDC), Trung tâm Nâng cao kỹ năng IT Ấn Độ - Myanmar (IMCEITS) vào năm 2000. Với Campuchia, Ấn Độ thành lập Trung tâm phát triển triển doanh nhân Campuchia - Ấn Độ (CIEDC) năm 2006 và Trung tâm Đào tạo tiếng anh Campuchia - Ấn Độ (CICELT) năm 2007. Năm 2004, Trung tâm Phát triển doanh nhân Lào - Ấn Độ (LIEDC) ra đời ở Viêng Chăn và hoạt động có hiệu quả. Sau đó, năm 2006, ở Lào, Ấn Độ xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Cục Công nghệ thông tin, Trung tâm Đào tạo tiếng Anh Lào - Ấn Độ (LICELT)… Ngoài những quốc gia trên Ấn Độ còn xây dựng nhiều trung tâm đào tạo tiếng Anh và đào tạo doanh nhân ở các quốc gia khác trong ASEAN.